– Liên quan đến vụ việc thạch rau câu hương vị khoai môn hiệu Taro của công ty New Choice Foods chứa chất phụ gia tạo đục bị cấm dùng trong thực phẩm (chất DEHP), Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) – TS Nguyễn Công Khẩn - cho biết, công ty này đã thu hồi gần hết số thạch ở 75 đại lý và 307 siêu thị trên toàn quốc.

Sản xuất đầu năm, giữa năm mới phát hiện

Thạch rau câu hương khoai môn hiệu Taro của công ty New Choice Foods (Ảnh minh họa: Internet)
Ngày 6/6 là hạn chót để công ty New Choice Foods (có trụ sở tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore 2, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) phải thu hồi xong toàn bộ hơn 3.600 thùng thạch rau câu hương khoai môn hiệu Taro trên phạm vi toàn quốc.

Hiện nay, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đang chờ báo cáo cuối cùng của công ty này về kết quả các biện pháp xử lý sau khi phát hiện loại thạch này có chứa chất DEHP – chất độc bị cấm dùng trong thực phẩm.

Vụ việc bắt đầu được Bộ Y tế phát hiện từ ngày 31/5/2011. Theo đó, công ty New Choice Foods đã nhập hàng trăm kg chất phụ gia tạo đục có chứa chất độc DEHP của công ty Triko Foods Co., Ltd (Đài Loan)  từ đầu năm 2011 và đã đưa vào sản xuất khoảng 9.000 thùng thạch rau câu khoai môn.

Đến thời điểm công ty nghe tin nguyên liệu mình nhập có chứa DEHP (26/5/2011) thì số nguyên liệu còn lại (chưa kịp sử dụng) chỉ là 100kg.

Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Công Khẩn đánh giá việc xử lý sự cố thạch rau câu New Choice Foods chứa chất độc là “kịp thời, nhanh chóng” bởi ngay sau khi có thông tin từ bên ngoài là Cục đã vào cuộc thanh tra, xét nghiệm và công bố thông tin ngay lập tức để người dân chủ động biết và không mua loại thạch này.

Lỡ ăn rồi thì đành chịu!

Kiểm tra cả nước giải khát, bánh kẹo nhập khẩu từ Đài Loan

Sau khi thạch rau câu hiệu Taro (hương khoai môn) bán ở Việt Nam bị phát hiện có chứa chất độc DEHP (nhập khẩu từ Đài Loan), ông Nguyễn Công Khẩn cho biết:

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam đã yêu cầu 13 phòng kiểm nghiệm nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ kiểm tra DEHP ở phụ gia tạo đục mà còn phải mở rộng phạm vi kiểm tra chất độc DEHP sang nhóm hàng nước giải khát, bánh kẹo, nước rau câu, sữa, thạch, … có nguồn gốc xuất xứ từ Đài Loan.

Dù thu hồi “nhanh chóng” (theo lời ông Khẩn) nhưng trên thực tế sẽ có những người đã ăn phải loại thạch độc hại trên.

Đối với những trường hợp này, ông Khẩn cho biết: “Nếu đã trót ăn rồi thì biết làm thế nào bây giờ? Chúng ta chẳng có làm thế nào nữa mà phải thu hồi khẩn cấp, thu hồi toàn bộ. Còn chuyện công ty đã bán thực phẩm độc thì biết xử lý thế nào bây giờ, biết căn cứ vào đâu để xử lý?”.

Trả lời trên báo Sài Gòn Tiếp Thị, luật sư Nguyễn Văn Trường, đoàn luật sư TP.HCM cũng trình bày quan điểm tương tự là rất khó để người tiêu dùng đòi bồi thường trong trường hợp này: “Chất DEHP cũng chỉ được coi là một trong những tác nhân gây ung thư nên giả sử phát hiện có bệnh thật thì việc chứng minh chất này là tác nhân duy nhất gây bệnh không phải điều dễ dàng”.

Cũng trên Sài Gòn Tiếp Thị, luật sư Trường đã đưa ra gợi ý cách giải quyết trong trường hợp này: “Theo luật, việc chứng minh thiệt hại thuộc về người có yêu cầu. Vì vậy những chi phí ban đầu cho việc khám để phát hiện bệnh và chứng minh DEHP cũng như sản phẩm thạch Taro là tác nhân gây bệnh phải do người yêu cầu bỏ ra trước. Bởi thế, cách tốt nhất là phụ huynh không nên cho con mình dùng sản phẩm này nữa!”.

TS Nguyễn Công Khẩn cho biết, quan điểm của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm trong khi giải quyết sự việc này: “Điều quan trọng nhất không phải ngồi phán xét là ăn rồi thì bây giờ sẽ làm thế nào mà việc cần làm ngay phải thu hồi ngay lập tức, càng nhanh càng tốt.

Tôi chưa nhận được số liệu báo cáo về lượng đã tiêu thụ nhưng theo tôi số đó không lớn. Công ty này cũng đã chủ động, tự giác, nhanh chóng thu hồi sản phẩm ngay sau khi có thông tin về DEHP. Nếu chúng ta làm “căng”, có thể sẽ không công ty nào tự giác báo cáo nữa. Nếu chúng ta phán xét căng thẳng, các doanh nghiệp “co vòi” hết thì cũng không được”.

Trên quan điểm đó, ông Khẩn khẳng định Việt Nam luôn yêu cầu các công ty phải chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước và tự giác, chủ động công khai kịp thời các thông tin đến người tiêu dùng.

Trưa nay (7/6), Cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ có kết luận cuối cùng về kết quả xử lý vụ việc của công ty New Choice Foods.

Những sản phẩm có chứa DEHP tại Đài Loan

Ngày 5/6, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM đã công bố tên các sản phẩm chứa DEHP tại Đài Loan, bao gồm: hạt trân châu của công ty Possmei; viên calcium và viên vitamin của tập đoàn Brand's; nước uống nhãn hiệu Fruit Hoause của Tập đoàn thực phẩm Heysong; nước uống thể thao Pro Sweat; nước uống măng tây của Tập đoàn Uni-President; bột Collagen của Công ty TaiYen; siro nho và dâu tây của Công ty Toàn Lâm; nước uống tăng lực của Công ty Duyệt Thị; nước uống Yes water của Công ty Taiwan Yes; bột thực phẩm dinh dưỡng Power-Lac của Công ty Cổ phần kỹ thuật sinh học Bách Thịnh (Bio Chain).

(Nguồn: Bee.net.vn)

Ngọc Anh