- Một giảng viên ĐH Sư phạm từng có kinh nghiệm từng thất vọng khi thấy không ít GV có cơ hội áp dụng nhiều phương tiện giảng dạy hiện đại, song lại cho ra đời “những bài giảng vô hồn”. Vấn đề đặt ra tại buổi tọa đàm “Giáo dục trong thời đại kỹ thuật số” diễn ra tại Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Pháp tối ngày 1/11.
Số đông ý kiến cho rằng, sự phổ biến của máy tính, máy tính bảng, mạng internet… làm thay đổi cơ bản cách tiếp cận tri thức của con người trong xã hội hiện đại.
Nhiều bạn trẻ chăm chú lắng nghe |
Những biến động công nghệ dẫn đến những cách tư duy mới, giúp con người vươn lên sáng tạo ra văn hóa. Trong vòng biến đổi không ngừng ấy của công nghệ, con người – chủ thể vừa tạo ra đồng thời tiếp nhận tri thức, không hẳn đã nhận thức đầy đủ về hiện tượng toàn cầu hóa này.
Giữa những luồn thông tin ngồn ngộn trong thế giới số, làm sao để phân biệt đúng – sai, làm sao để phân tích, sàng lọc, lựa chọn những giá trị cần thiết, làm sao để có thể “làm chủ tri thức”?
Theo ông Paul Mathias - thanh tra cao cấp giáo dục quốc gia của Pháp, đây chính là “một trong những vấn đề của giáo dục hiện đại”: “Nhà trường không chỉ là nơi cung cấp kiến thức, mà còn phải đào tạo cho người học kỹ năng phân tích, phê bình, tiếp nhận thông tin”.
Câu hỏi đặt ra là “liệu nhà trường có còn giữ vai trò chủ đạo trong giảng dạy kỹ thuật số?”
Tại Việt Nam, những năm gần đây, ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng rầm rộ trong việc dạy và học. Có ý kiến cho rằng: “Dường như người ta càng ngày càng “sính” việc áp dụng kỹ thuật số vào giảng dạy”. Một giảng viên ĐH Sư phạm từng có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này chia sẻ, trong nhiều lần dự giờ, đánh giá chất lượng các bài giảng điện tử của giáo viên, ông thất vọng khi thấy không ít GV có cơ hội áp dụng nhiều phương tiện giảng dạy hiện đại, song lại cho ra đời “những bài giảng vô hồn”
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, ông Mathias cho hay tại Pháp, nơi đã áp dụng phương pháp dạy học kỹ thuật số từ lâu cũng xảy ra điều này. Ông chia sẻ kinh nghiệm khắc phục thực trạng, đó là: Người giảng viên phải có phương pháp sư phạm tốt, biết cách sử dụng linh hoạt các phương tiện công nghệ. Giảng viên cần giúp đỡ SV, HS biết so sánh, đánh giá các nguồn tin, để xác định đâu là thông tin đúng, chính xác.
“Muốn làm tốt công việc của mình, người giáo viên không những phải nhanh nhạy trong việc trau dồi tri thức, mà còn phải nắm bắt tốt các phương tiện kỹ thuật số, phải “hiểu nền văn hóa số này. Để có thể làm được điều đó, đội ngũ giáo viên, giảng viên cần được đào tạo bài bản để có thể tự tin bước chân vào nên văn hóa số. Đây là một vấn đề chưa có giải pháp toàn diện" – ông Mathias nhấn mạnh.
- Quỳnh Anh