Nhiều vụ thuốc kém chất lượng liên tiếp bị lực lượng chức năng phát hiện |
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đưa ra ngày 23/4, tính chung trong quý I/2019, trên phạm vi cả nước đã phát hiện, xử lý 33.439 vụ việc vi phạm (tăng 10 % so với cùng kỳ năm 2018), thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2.431 tỷ đồng.
Hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, tại các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội… các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng, bánh kẹo, thuốc lá, điện tử, điện thoại, sản phẩm từ động vật... từ Trung Quốc vào Việt Nam, thông qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia và nhiều đường mòn, lối mở qua biên giới.
Trên tuyến hàng không, bưu điện quốc tế, lượng hành khách và phương tiện xuất nhập cảnh tăng đột biến trong quý I, cùng với đó là lượng hàng hóa, hành lý và ngoại tệ được vận chuyển qua cửa khẩu tăng cao.
Các vụ vi phạm bị phát hiện chủ yếu tập trung là các loại hàng cấm, hàng hóa gọn nhẹ, có giá trị kinh tế cao và dễ cất giấu như ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, điện thoại, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, xì gà...
Thủ đoạn phổ biến vẫn là cất giấu hàng hóa trong hành lý mang theo khi nhập cảnh. Khi bị phát hiện, đối tượng bỏ hàng, không làm thủ tục nhận hàng; không trực tiếp vận chuyển mà thuê những người có hoàn cảnh khó khăn vận chuyển thay.
Lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh để buôn hàng cấm và hàng nhập khẩu có điều kiện. Riêng trong tháng 1/2019 tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, lực lượng công an đã phát hiện, thu giữ hơn 1.000 chiếc điện thoại nhập lậu từ nước ngoài về.
Trên tuyến biển, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng như: Xăng, dầu, than, pháo nổ, thuốc lá điếu vẫn xảy ra phức tạp, trọng điểm tại vùng biển Đông Bắc, biển Miền Trung và vùng biển phía Nam.
Trong thị trường nội địa, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ gia tăng trong dịp lễ, Tết tại nhiều địa phương.
Tập trung chủ yếu là đối với nhóm các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao, như rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá điếu, sản phẩm công nghệ, quần áo, giầy, dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng...
Đáng chú ý, tình trạng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trái phép các loại thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh kém chất lượng vẫn bày bán công khai trên mạng Internet gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Như vụ việc ngày 12/1, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện thu giữ lô hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, gồm 2.660 lô kem dưỡng da, 4.499 lọ dầu xoa bóp, 5.590 viên An cung ngưu hoàng hoàn, 31.990 viên Ngưu hoàng thanh tâm hoàn nhãn hiệu nước ngoài.
Tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đinh Tiến Dũng chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục tăng kiểm tra, thanh tra, đôn đốc thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đẩy mạnh thanh tra công vụ, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, trong đó đặc biệt là các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…