Đã hơn một thập kỷ kể từ khi Trung Quốc chính thức trở thành một quốc gia 'già', và kể từ đó, quá trình lão hóa của dân số nước này chỉ trên đà tăng tốc.
Theo thống kê của chính quyền, vào cuối năm 2011, tổng số dân Trung Quốc đạt 1,34 tỉ. 13,7% dân số tức là 185 triệu người đã vào độ tuổi 60. Còn những người từ 65 trở lên đã lên mức 123 triệu.
Già hơn, già nhanh hơn
Quá trình già đi của dân số Trung Quốc có hai đặc điểm chính. Trước tiên, quá trình này diễn ra nhanh hơn so với ở nhiều quốc gia khác.
Thứ hai, Trung Quốc là một trong số ít quốc gia trên thế giới mà dân số già đi trước khi nước giàu lên hoặc thậm chí là tương đối giàu.
Liên Hợp Quốc ước tính một quốc gia 'già đi' khi 7% dân số của nước đó đạt từ 65 tuổi trở lên - và ngưỡng này đối với độ tuổi 60 trở lên là 10%.
Trong khi hơn 60% các quốc gia 'già' đã đạt ngưỡng này khi tỉ lệ GDP trên đầu người của họ vượt 10.000 USD, và 30% quốc gia đạt ngưỡng này khi thu nhập của họ đạt 5.000 USD, thì Trung Quốc lại chính thức già khi GDP trên đầu người của họ vẫn chưa đạt 1.000 USD.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc sức ép tài chính sẽ tăng thêm khi tính đến các giải pháp tiềm năng.
Già là tốn
Quá trình chuyển đổi nhân khâu học chưa từng có này chủ yếu là do tuổi thọ của người dân tăng đáng kể. Người dân Trung Quốc sống lâu hơn nhờ có các cải thiện đáng kể trong mức sống, bao gồm cả dinh dưỡng cải thiện, được học hành và chăm sóc y tế.
Một nhân tố khác là chính sách một con của Trung Quốc được ban hành từ năm 1980. Theo đó, tỉ lệ sinh giảm đột ngột và ngăn được việc tăng thêm 400 triệu người trong vòng ba thập kỷ qua.
Các học giả vẫn đanh tranh cãi về các dữ liệu chính xác. Một số cho rằng việc giảm tỉ lệ sinh là điển hình cho những gì xảy ra trong một xã hội hiện đại hóa, số khác lại nói rằng ít nhất thì điều này cũng chậm lại quá trình tăng dân số và do đó khiến cho quá trình lão hóa tăng tốc tại Trung Quốc.
Tốc độ già nhanh của dân số đã dẫn tới một số hệ quả về mặt kinh tế và xã hội.
Một số hệ quả cũng tương tự như các quốc gia già khác từng trải qua, chẳng hạn như thâm hụt tài chính nghiêm trọng do mức chi tiêu dành cho trợ cấp quá lớn và chi phí y tế tăng cao. Nhưng một quốc gia kém phát triển hơn phải trải qua quá trình già nhanh hơn như Trung Quốc thì khó khăn cũng tăng thêm nhiều phần.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải đối mặt với một số hệ quả đặc thù. Có lẽ, hệ quả lớn nhất mà họ phải đối mặt là việc lực lượng lao động giảm nhanh.
Lực lượng lao động hiện nay của Trung Quốc đang có là 980 triệu người. Theo Giáo sư Zhen Binwen thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, con số này sẽ đạt đỉnh vào năm 2015, nhưng sau đó sẽ sụt giảm rất mạnh.
Kết thúc kỷ nguyên lao động rẻ?
Giáo sư kinh tế Cai Fang ước tính rằng lực lượng lao động giảm nhanh như vậy sẽ khiến tỉ lệ tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc giảm 1,5 điểm từ giờ cho tới năm 2015, và giai đoạn từ 2016-2020 sẽ còn giảm nhanh hơn nữa.
Lợi nhuận về tài chính từ nhân khẩu học của Trung Quốc sẽ chấm dứt - tăng trưởng kinh tế nhanh trong vòng ba thập kỷ qua chủ yếu là nhờ xuất khẩu vốn phụ thuộc vào nguồn cung lao động dồi dào và rẻ.
Việc giảm sút nhanh chóng lực lượng lao động sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt lao động và mức lương sẽ tăng. Những thay đổi như vậy sẽ làm suy giảm sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc trên thị trường quốc tế, gây tác động lên tăng trưởng kinh tế.
Trung Quốc sẽ cần tái cấu trúc lại kinh tế để giải quyết vấn đề này.
Quá trình dân số già đi cũng gây ra khó khăn về mặt chính trị khi mà kinh tế suy giảm.
Các nhóm xã hội thua thiệt hơn, chẳng hạn như các công nhân nhập cư và người nhận trợ cấp - đặc biệt là ở các vùng nông thôn, sẽ chịu tác động nặng nề nhất và đây có thể là một nguồn gây ra các bất ổn trong xã hội.
- Lê Thu (theo BBC)