- Gần như là luật “bất thành văn”, cứ đến đầu năm học sinh (HS) mới lên lớp 10 của Trường THPT Mê Linh (chủ yếu thuộc 5 xã quanh khu vực) huyện Đông Hưng, Thái Bình lại bị các anh chị lớp 11,12 hoặc thanh niên hay cựu HS nhà trường “hỏi thăm” bằng những trận đòn.

Trường THPT Mê Linh, huyện Đông Hưng, Thái Bình 
Sống trong sợ hãi

Dọc con đường trải nhựa đến Trường THPT Mê Linh từ trung tâm huyện Đông Hưng vào phải đi xe ôm mất gần 20 phút. Dường như ít có người lạ vào trường, bác xe ôm tự tin: "các cháu đến thực tập ở trường à?, trường này hay có học sinh đánh nhau lắm....". Rồi bác xe ôm tiếp lời, tôi dân bản địa ở đây chứng kiến nhiều vụ học sinh "xử" nhau mà đau lòng. Có đứa thâm tím mặt mày, có đứa đi viện...nhưng về nhà không dám nói một câu. Vì nếu người nhà biết "nó" phát hiện ra sẽ đánh tiếp.

"Và như vậy nên giáo viên cũng phải "làm ngơ" để không bị chặn đường nên các cháu vào thực tập cũng phải cẩn thận. Ghi số điện của tôi vào cần ra lúc nào cứ gọi cho tôi" - bác xe ôm dặn dò.

Tới "điểm nóng" (tên tắt được nhiều người dân gọi thay vì nói Trường THPT Mê Linh) khi trời đã chạng vạng. 5h chiều, học sinh bắt đầu tan trường. Chỉ trong ít phút từng tốp học sinh xã nào về xã đó chỉ còn lại con đường trải nhựa bao quanh là đồng lúa xanh ngút tầm mắt tạo cảm giác yên bình.

Song vì vắng bóng nhà dân, con đường đến trường từ lâu luôn gợi cảm giác sợ hãi, âu lo trong tâm trí nhiều HS bởi tình trạng trấn lột, đánh đập diễn ra như cơm bữa.

HS trong trường chủ yếu đến từ 5 xã thuộc huyện Đông Hưng là Mê Linh, An Châu, Đô Lương, Phú Lương, Liên Giang. Ngoài ra còn bộ phận các em tới từ các huyện Quỳnh Phụ và Hưng Hà.

Một cựu HS thuộc xã Mê Linh kể vanh vách về những vụ ẩu đả của HS của trường những năm trước. Tuy không còn xảy ra thường xuyên như trước nhưng nỗi ám ảnh về những câu chuyện "HS nữ đâm nhau đến lòi ruột", "từng tốp HS nam vác phớ (một dạng kiếm) nhảy vào nhà dân để thanh toán nhau"... vẫn như hiện hữu. 

Theo lời của cựu HS này, các HS nam ở nơi khác thuộc các xã lân cận gần như ai cũng bị đánh nhiều khi chỉ vì "ngứa mắt". Lý do bị đánh thì đủ mọi kiểu: Nhìn mặt ngơ ngơ quá cũng đánh, khôn khôn cũng đánh, chơi trội (dùng điện thoại di động) cũng đánh . Nói tóm lại là kiểu gì cũng bị đánh. Đã lên lớp 10 thì chuẩn bị tinh thần bị “ăn” đánh”.

"Mới cách đây ba hôm (ngày 18/9) chúng lao vào nhà tôi đánh nhau. Chúng đánh nhau tợn lắm nhưng vì ở nhà một mình nhìn thấy kinh mà không dám làm gì. Nhiều vụ xô xát ở cổng trường bảo vệ cũng chỉ biết đứng nhìn" - một người dân khác thêm lời.

Con trưởng thôn cũng không ngoại lệ

Nhiều người dân đều cho rằng, một năm trở lại đây thì HS ít xô xát hơn vì có sự vào cuộc của công an. Tuy nhiên, nhiều HS vào học lớp 10 Trường THPT Mê Linh vẫn phải chịu đòn. Việc xô xát thường diễn ra trong 1 - 2 tuần đầu học kỳ 1 lớp 10.

Về nguyên nhân HS cứ vào lớp 10 là bị “tẩn” theo kiểu “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, một phụ huynh lo lắng: “Lớn nhất là chuyện thanh niên các xã xô xát, HS phải chịu đòn thay.

Như con tôi học không giỏi nhưng cháu rất ngoan. Vậy mà các HS lớp 11 cùng trường, khác xã vẫn lao vào đánh ngay tại lớp chỉ bởi lí do như trên. Chỉ cần biết ở xã A hay xã B là các cháu bị đánh. Có trường hợp trời mùa đông, cháu HS đi học về bị bắt cả mặc cả giày dép, áo quần lội hết quãng nước sâu, dép giày tụt bắt đi vào, hết đường mới tha”.

Vị phụ huynh ngậm ngùi: “Tôi đã nghe chuyện HS lớp 10 vào trường này kiểu gì cũng bị đánh, có cháu còn bị cầm tóc, đập đầu xuống đất, cháu thì bị quây vào đánh hội đồng,… nhưng cháu học kém nên chẳng thể xin học ở đâu. Giờ cháu đi học mà bố mẹ đứng ngồi không yên".

Có buổi, 12 giờ trưa chưa thấy con về, phụ huynh này phải nháo nhác đi tìm con. Hai tiếng sau con mới về được nhà vì phải trốn tạm ở nhà dân, do sợ bị đánh.

Một phụ huynh khác thêm lời: “Xô xát trong lớp còn nhẹ, ra khỏi cổng trường mới ghê ghớm. Có khi là cầm dao, phớ, côn đuổi nhau vào nhà dân. Có người nào đứng nhìn mà bị phát hiện là dễ bị vạ lây lắm. Khiếp lắm! Biết là thế, thương các cháu mà nhiều khi đành bất lực.

Rồi chuyện các HS cũ của trường thi cử không được mang tức giận đổ lên đầu học sinh lớp dưới, đặc biệt là lớp 10 cũng không phải hiếm”.

Một vị trưởng thôn đã có con tốt nghiệp ở trường tâm sự "con tôi, cháu tôi bắt đầu vào lớp 10 cũng bị đánh rúi đánh rụi xuống ruộng lúa".

Xót con nhưng ông trưởng thôn cũng chỉ biết an ủi con vì thường thì hết học kỳ 1 năm lớp 10 là mọi việc lại yên ắng.

"Đây gần như là "lệ" rồi nên chúng tôi thường nói chuyện với con khi chúng đã trưởng thành: Ra đời còn nhiều cái khổ hơn nên cứ coi như đó là những "bài học" đầu đời..." - ông trưởng thôn nói thêm.

  • Nguyễn Hiền – Phong Đăng