- Dự án di dời 150ha rừng phòng hộ, nắn đê số 8 của Thái Bình sẽ tạo được mặt bằng khoảng 320ha. Tại quỹ đất này, Thái Bình đã lập quy hoạch phân khu trong đó bao gồm cả khu đô thị.
Dù dự án đang trong giai đoạn lập hồ sơ xin ý kiến các bộ ngành để trình Thủ tướng phê duyệt, nhưng Thái Bình đã lập quy hoạch phân khu xây dựng tại mặt bằng 320ha lấn biển từ giữa tháng 12/2016.
354 hộ dân thuộc diện di dời lo lắng về việc sẽ làm gì khi không còn đất nuôi trồng thủy sản. |
Cụ thể: Ngày 14/12/2016, tại quyết định số 3677, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Diên đã phê duyệt nhiệm vụ và dự toán quy hoạch phân khu này. Theo đó, đây là phân khu đa chức năng, bao gồm khu công nghiệp, khu đô thị và thương mại dịch vụ có tên Phân khu đa chức năng Xuân Hải, huyện Thái Thụy.
Phạm vi quy hoạch của phân khu này nằm hoàn toàn trên vị trí 150ha rừng phòng hộ mà tỉnh đang trình xin di dời.
Quy mô diện tích khoảng 310ha, phía Đông Nam giáp rừng ngập mặn xã Thụy Xuân - Thụy Hải; phía Tây Nam giáp sông Diêm Hộ.
Khu công nghiệp tổng hợp đa ngành nghề chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo có tính chất công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp ít gây ô nhiễm, các loại ngành công nghiệp các-bon thấp. Lý do Thái Bình lựa chọn những ngành nghề công nghiệp “sạch” này nhằm đảm bảo vấn đề môi trường biển, gắn với bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ.
Tuyến đê biển số 8 nằm trong dự án sẽ được nắn để phục vụ dự án công nghiệp, dịch vụ của địa phương |
Huyện Thái Thụy không có rừng tự nhiên. Rừng phòng hộ ở khu vực này là rừng trồng do các dự án trồng rừng qua các năm |
Khu đô thị mới tại phân khu Xuân Hải có diện tích khoảng 1/3 tổng quỹ đất (khoảng 80ha) được định hướng phát triển đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn về khoảng cách ly an toàn vệ sinh môi trường. Khu thương mại, dịch vụ quy hoạch xây dựng được lập dự án quy mô khoảng 30ha.
Ngày 17/1/2017, UBND tỉnh Thái Bình công bố văn bản về việc kêu gọi thu hút các nhà đầu tư tại phân khu Xuân Hải gắn với bảo vệ rừng gửi các sở, ngành: Kế hoạch Đầu tư, Xây dựng, GTVT, NN&PTNT, BQL các khu công nghiệp…
725 tỷ san ủi tạo mặt bằng
Trưởng BQL dự án đầu tư các công trình nông nghiệp, Sở NN&PTNT Đặng Văn Thái cho hay, dự án Nâng bãi ổn định đê biển số 8 tại huyện Thái Thụy có tổng kinh phí là 725 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn từ ngân sách, không thực hiện phương án xã hội hóa.
Cánh đồng làm muối rộng 100ha nằm trong đê có được cùng do việc quai đê lấn biển theo thời gian |
Ngày 23/11/2016, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Ca đã ký quyết định số 3386 phê duyệt phương án đầu tư này.
Số tiền 725 tỷ đồng này sẽ thực hiện các phần việc: san lấp toàn bộ khu vực bãi bồi rộng 320ha...
Số tiền dùng để trồng lại 150ha rừng thay thế tương đương gần 45 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2017 đến 2020.
“Nhiệm vụ của BQL dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT là trồng hoàn trả lại rừng bị ảnh hưởng, sau đó san ủi mặt bằng để có quỹ đất cho tỉnh cũng như xây dựng tuyến đê mới. Sau khi hoàn thành mặt bằng sạch, chúng tôi sẽ bàn giao lại cho BQL các dự án công nghiệp của tỉnh thực hiện tiếp các nhiệm vụ thu hút đầu tư về phân khu Xuân Hải” - ông Thái cho hay.
Tuyến đê số 8 là tuyến đê nối đê hữu sông Thái Bình ở phía Bắc và đê tả sông Trà Lý ở phía Nam tạo nên vòng khép kín bảo vệ một nửa phía Bắc huyện Thái Thụy. Tuyến đê này nằm giữa hai cửa sông là cửa Thái Bình và cửa Diêm Điền, phía trước đê là bãi bồi rộng lớn được bồi đắp bởi chính hai cửa sông trên.
Thời điểm thích hợp để triển khai?
Theo tìm hiểu của VietNamNet, dự án xin nâng bãi ổn định đê biển số 8 của Thái Bình không phải đến thời điểm này mới là lần đầu tiên được đưa ra. 4 năm trước, tỉnh đã có văn bản trình xin ý kiến của Chính phủ và các bộ ngành.
Cụ thể, UBND tỉnh đã gửi tờ trình số 191 ngày 16/10/2013 xin ý kiến Thủ tướng, xin ý kiến các Bộ Kế hoạch Đầu tư, NN&PTNT về việc điều chỉnh, bổ sung đoạn đê biển số 8 tại huyện Thái Thụy.
Ngày 6/11/2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký đồng ý về chủ trương điều chỉnh tuyến đê biển số 8.
Chính phủ yêu cầu, UBND tỉnh Thái Bình tiếp thu ý kiến Bộ NN&PTNT để làm cơ sở lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo đúng quy định; Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, hướng dẫn, thỏa thuận phương án kỹ thuật (cụ thể vị trí tuyến đê, cấp đê, các thông số kỹ thuật của đê…) đảm bảo an toàn, phù hợp với quy hoạch chung hệ thống đê biển được nên rõ tại quyết định số 58.
Vì sao dự án được Thủ tướng có ý kiến đồng ý về chủ trương điều chỉnh tuyến đê số 8 từ năm 2013 nhưng 4 năm sau, Thái Bình mới khởi động dự án?, Trưởng BQL các dự án đầu tư nông nghiệp Đặng Văn Thái lý giải, đây là thời điểm thích hợp để thực hiện dự án này.
Kiên Trung