Cuộc khủng hoảng chính trị leo thang tại Thái Lan trong những tuần vừa qua đã gây xáo trộn và ảnh hưởng đến cuộc sống của dân thường nước này.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Bùng nổ hồi tháng 11 xuất phát từ một dự luật ân xá của chính phủ, những người biểu tình chống chính quyền Yingluck Shinawatra đã liên tục tuần hành rầm rộ, đòi nữ Thủ tướng phải từ chức. Họ cáo buộc bà là con rối cho anh trai, cựu Thủ tướng đang sống lưu vong Thaksin Shinawatra giật dây.

Giới chuyên gia kinh tế lo ngại bất ổn chính trị kéo dài ở Thái Lan sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế đất nước này. Không những các ngành công nghiệp chính như ôtô, tài chính, ngân hàng... bị tác động nghiêm trọng mà ngành du lịch cũng hứng chịu tổn thất nặng nề do lượng khách nước ngoài đến Thái Lan giảm mạnh.

Nhiều nước đã ra khuyến cáo công dân nên cân nhắc các kế hoạch tới Thái Lan khi xung đột chưa chấm dứt.

Theo Bộ trưởng Giáo dục Chaturon Chaisaeng, có tới hơn 900 trường học với hàng trăm nghìn học sinh và giáo viên bị ảnh hưởng bới biểu tình. Việc học tập bị gián đoạn khiến cho Bộ này cùng với các cơ quan liên quan phải lập kế hoạch cung cấp các lớp học bổ sung để giúp học sinh bù đắp kiến thức bị bỏ lỡ.

Cuối tuần qua, hàng nghìn cảnh sát chống bạo động của Thái Lan đã được triển khai ở Bangkok trong nỗ lực giành lại các địa điểm biểu tình quanh những tòa nhà chính phủ bị phe chống chính phủ chiếm cứ nhiều ngày qua.

Trong bối cảnh khủng hoảng chưa có dấu hiệu kết thúc, những gì đang xảy ra ở Thái Lan hiện nay khiến nhiều người quan ngại về tác động lâu dài lên nền kinh tế nước này. Chính phủ lâm thời của bà Yingluck hiện nay không có khả năng phê chuẩn chi tiêu cho các dự án hạ tầng mới mà nếu được triển khai sẽ góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế.

Thanh Hảo (Tổng hợp)