Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành khoá XIX trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX khai mạc sáng 12/10, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên Bùi Xuân Hòa cho biết, trong nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh kết nạp được trên 16 nghìn đảng viên.
Công tác quy hoạch cán bộ “động và mở”
Theo ông Hòa, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của Đảng được triển khai thực hiện với quyết tâm cao, tích cực, đồng bộ, bước đầu đạt được kết quả tích cực.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên Bùi Xuân Hòa |
Cụ thể, trong nhiệm kỳ, Thái Nguyên giảm 30 đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, 99 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 173 cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên.
Từ đó, tỉnh giảm số biên chế và số người hưởng lương ngân sách nhà nước so với nhiệm kỳ trước theo quy định nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, công tác cán bộ có nhiều đổi mới, chủ động, bám sát yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, các khâu trong công tác cán bộ được triển khai thực hiện đồng bộ theo kế hoạch, quy trình, quy định, quy chế cụ thể, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đúng quy định của pháp luật.
Trong đó, công tác đánh giá cán bộ được thực hiện đa chiều, bám sát vào tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với từng chức danh cán bộ, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện nền nếp, bảo đảm phương châm “động và mở”.
Công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện kịp thời, gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, chủ động không để xảy ra tình trạng thiếu hụt cán bộ.
Công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ được chú trọng, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chính sách cán bộ được bảo đảm, thực hiện đầy đủ.
Xây dựng và thực hiện khung kiến trúc chính quyền điện tử
Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, các xóm, tổ dân phố, toàn tỉnh thực hiện sáp nhập 1.294 xóm, tổ dân phố để thành lập 598 xóm, tổ dân phố mới, giảm 696 xóm, tổ dân phố, từ 3.032 xóm, tổ dân phố xuống còn 2.336 xóm, tổ dân phố (1.816 xóm và 520 tổ dân phố).
Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính giữa thành phố Thái Nguyên và 3 huyện Phú Bình, Phú Lương, Đồng Hỷ; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo đúng quy định của pháp luật (giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã). Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh có 178 xã, phường, thị trấn (137 xã, 32 phường, 9 thị trấn).
Tỉnh cũng thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính; sắp xếp, hợp nhất, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên. 100% cơ quan, đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên khai mạc sáng 12/10 |
Đến nay, tỉnh đã xây dựng và thực hiện khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Thái Nguyên. Bước đầu hoàn thiện nền tảng kết nối chính quyền điện tử của tỉnh tại các hệ thống thông tin dùng chung, bảo đảm phục vụ 100% cơ quan Đảng, Nhà nước đáp ứng sự chỉ đạo liên thông, xuyên suốt 4 cấp từ Chính phủ đến cấp xã và ngược lại.
Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng, áp dụng 570 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Về mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2020 -2025, Thái Nguyên nhấn mạnh đến việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Cùng với đó là xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu 2020 – 2025: - Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 8%/năm trở lên. Nhu cầu vốn để thực hiện chỉ tiêu này là trên 280 nghìn tỷ đồng. - Cơ cấu kinh tế năm 2025: Công nghiệp, xây dựng 61%; dịch vụ 31%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 8%. - Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân từ 7%/năm trở lên; trong đó, xuất khẩu địa phương tăng bình quân từ 11%/năm trở lên. - Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không bao gồm thu tiền sử dụng đất và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết) tăng bình quân từ 10%/năm trở lên. - GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt từ 150 triệu đồng trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 100 triệu đồng trở lên. - Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm (theo chuẩn mới) từ 1% trở lên. |
Thu Hằng - Kiên Trung
Phó Thủ tướng: Xây dựng Thái Nguyên thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại
Sáng nay, (12/10), Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 chính thức khai mạc.