Với mỗi người, gia đình ngoài ý nghĩa mái ấm còn là trường học đầu đời hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống. Dù ở thời đại nào, gia đình vẫn là tế bào, là cái gốc của xã hội, việc giáo dục đạo đức, lối sống luôn gắn liền với việc dưỡng dục của ông bà, cha mẹ dành cho con cháu.
Tuy nhiên, hiện nay, mặt trái của thời hội nhập đã phá vỡ nhiều mối quan hệ truyền thống trong gia đình. Biểu hiện cao nhất là tình trạng ly hôn gia tăng, con cháu thờ ơ với ông bà, cha mẹ. “Cái tôi” lớn dẫn đến sự xuống cấp về đạo đức, nhân cách trong không ít gia đình. Để hạn chế tình trạng này, giải pháp hiệu quả nhất là mỗi gia đình, dòng họ cần giáo dục con cháu lối sống có trách nhiệm, nhận thức rõ giá trị của gia đình ở mọi thời đại.
Bà Phạm Tuyết Bảo, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho rằng, với một gia đình sống có nền nếp, trên dưới thuận hòa, con cháu sẽ học được từ ông bà, cha mẹ kỹ năng ứng xử phép tắc; các thành viên trong nhà biết lắng nghe nhau nói và nói cho nhau nghe. Mọi người sống yêu thương, lành mạnh, biết làm việc tốt, tránh xa những cạm bẫy của tệ nạn xã hội.
Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa từ gia đình, các cấp, ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” và nhiều phong trào, cuộc vận động với mục đích tôn vinh, bảo vệ “thành trì” tổ ấm gia đình.
Trong những năm gần đây, thu nhập của người dân không ngừng tăng. Nếu như năm 2021 thu nhập bình quân đạt 95 triệu đồng/người, năm 2022 đạt 107 triệu đồng/người thì năm 2023 đạt 113 triệu đồng/người. Thu nhập tăng, theo đó là sự hưởng thụ về vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Logic kéo theo là việc nhiều hộ có điều kiện chia tách gia đình, con cháu được ông bà, cha mẹ hỗ trợ kinh tế mua đất, dựng nhà ra ở riêng. Nhiều mô hình gia đình truyền thống có 3 thế hệ trở lên được thay thế bằng mô hình gia đình có 2 thế hệ.
Một diễn biến tâm lý chung là sau nhiều năm “sống nghèo”, khi có kinh tế khá giả hơn khiến không ít bậc sinh thành thay đổi nhanh chóng nếp nghĩ, với mong muốn bù đắp, tạo cho con điều kiện thuận lợi nhất để con mình “bằng chị, bằng em”. Nhiều cha mẹ sẵn sàng thỏa mãn mọi đòi hỏi vật chất khi con đưa ra yêu cầu mà sao nhãng việc quản lý, dạy dỗ con về tính kỷ luật, nguyên tắc sống có tôn ty trật tự, kỹ năng ứng xử có phép tắc.
Việc chiều chuộng thái quá đã vô tình tạo cho con lối sống ich kỷ, chỉ biết đòi hỏi, không biết quan tâm tới cảm xúc của mọi người xung quanh, thiếu kỹ năng sống tự lập cần thiết, thiếu khả năng phòng vệ trước mọi cám dỗ nên dễ bị lôi kéo, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Cùng với đó, có không ít gia đình bất ổn vì bậc sinh thành sa ngã vào tệ nạn xã hội, trong nhà thường xuyên xảy ra bạo lực thân thể và tinh thần, hoặc có lối sống quá coi trọng đồng tiền mà thiếu đi cảm xúc tình người… Họ trở thành “tấm gương mờ”, sau này trẻ trưởng thành coi đó như một việc bình thường.
Trong mắt trẻ thơ, ông bà, cha mẹ luôn là hình ảnh đẹp, là tấm gương cho con cháu, học tập và làm theo. Bởi lẽ ấy, một gia đình có văn hóa chính là cái gốc rễ để xây dựng, kiến tạo nên một xã hội công bằng, văn minh. Vì vây, các cấp ngành chuyên môn của tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai, thực hiện có hiệu quả những văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác gia đình trong thời kỳ đổi mới. Tỉnh luôn coi trọng việc xây dựng gia đình văn hóa là một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển bền vững.