Đây là một câu chuyện lớn, không phải chỉ bởi mọi ánh mắt đang đổ dồn vào khu vực giữa thời điểm địa chính trị vô cùng nóng bỏng và đầy rủi ro, theo Les Abend, một chuyên gia phân tích hàng không của hãng tin CNN trong một bài viết ngày 9/1. 

{keywords}
Vụ máy bay 176 người rơi tan tành ở Iran qua góc nhìn một cơ trưởng kỳ cựu

Les Abend, mới về hưu sau 34 năm làm cơ trưởng máy bay Boeing 777 cho hãng American Airlines và còn là cộng tác viên cấp cao của Tạp chí Flying, đã có những đánh giá về vụ rơi máy bay ở Iran dưới góc nhìn và quan điểm của một phi công kỳ cựu. Ông cũng nhấn mạnh rằng, có nhiều cách giải thích khác nhau về vụ tai nạn, nhưng chỉ có qua điều tra mới tìm được câu trả lời chính xác về mọi vấn đề liên quan thảm kịch này.

Theo Les Abend, đánh giá thông qua những mảnh vỡ vương khắp một khoảng cánh đồng hiện trường cho thấy máy bay va chạm mặt đất ở tốc độ cao với một lực rất mạnh. Nói cách khác, máy bay không trượt trên mặt đất, không vượt qua các rào cản bất động như cây, đá... trong một cú hạ cánh khẩn cấp. Máy bay lao xuống và vỡ tan. Điều này chứng tỏ máy bay lúc đó không nằm trong sự điều khiển trực tiếp của các phi công.

Nếu video lưu truyền trên các trang mạng Iran là của vụ việc thì máy bay có thể đã bị cháy trước khi va chạm.

Một vụ cháy điện trên máy bay, một vụ nổ từ đâu đó bên trong thân máy bay, hoặc cháy động cơ đều có thể là nguyên nhân tiềm ẩn. Nhưng với một vụ cháy động cơ thì phi hành đoàn đã được đào tạo cho một tình huống như vậy. Các hệ thống bên trong cho phép phi công xả vật liệu chống cháy trực tiếp vào động cơ. Một máy bay cũng được thiết kế để hoạt động chỉ với một động cơ.

Tuy nhiên, nếu xảy ra sự cố động cơ thảm khốc - giả sử một lưỡi tuabin hoặc lưỡi máy nén bị hỏng - và các mảnh vỡ động cơ không được dồn lại trong ca-pô thì các mảnh đó có thể bị đẩy ra. Và nếu các mảnh vỡ bắn ra rồi va vào các bảng điều khiển bay quan trọng thì máy bay có thể sẽ trở nên không thể kiểm soát được.

Các nhà sản xuất động cơ thiết kế nắp ca-pô để ngăn các cánh quạt, cánh turbine và các trụ đệm thoát ra và văng vào các khu vực quan trọng của máy bay, nhưng không phải tất cả mọi loại sự cố động cơ nguy hiểm đều diễn ra giống như khi thử nghiệm, và ca-pô có thể không đảm đượng được nhiệm vụ.

Liệu một tên lửa tầm nhiệt có thể gây ra một thảm họa như vậy không? Câu trở lời ngắn gọn: Có. Nhưng đó vẫn chỉ là suy đoán.

Phát ngôn viên của quân đội Iran khẳng định vụ việc không phải do bất kỳ một hành động quân sự nào, nhưng theo một bản tin mới trên CNN, Giám đốc Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraina Oleksiy Danilov viết trên Facebook rằng một cuộc gặp đã diễn ra ngày 9/1 (giờ địa phương) với các nhà chức trách Iran, tại đó nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới thảm họa PS752 "được nghiên cứu". Trong số này có cả giả thuyết máy bay trúng một tên lửa phòng không, theo ông Danilov.

Trong bài viết của mình, cựu cơ trưởng Les Abend khuyên mọi người hãy chờ thêm thông tin. Theo ông, thảm kịch cần phải được xử lý như bất kỳ cuộc điều tra tai nạn nào, không đưa ra kết luận cho đến khi mọi yếu tố được làm rõ. Một phương pháp có tổ chức và mang tính hệ thống cho các cuộc điều tra như vậy phải được thực hiện theo hướng dẫn của ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế).

Nếu Iran muốn xác định nguyên nhân máy bay rơi, nước này nên chia sẻ với các bên liên quan, chẳng hạn như nhà sản xuất máy bay - Boeing, các mảnh chứng cứ có giá trị nhất: máy ghi âm buồng lái và hộp dữ liệu chuyến bay kỹ thuật số. Nhưng đến giờ, Tehran từ chối làm điều đó, và họ tuyên bố sẽ hợp tác với giới chức Ukraina về cuộc điều tra.

Thanh Hảo