Hàng trăm năm làng bưởi Tân Triều

Về nguồn gốc của bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), có giả thuyết cho rằng vào những năm cuối của thập niên 1860, một cha xứ người Pháp trong một lần đi giảng đạo mang theo vài cây bưởi giống có nguồn gốc từ Brazil về trồng tại nhà thờ Tân Triều. Không biết có phải nhờ vào nắng, gió, cùng thổ nhưỡng hết sức đặc biệt của vùng đất này mà trái bưởi Tân Triều có chất lượng nổi trội hơn bưởi ở những nơi khác.

{keywords}
Đường vào làng bưởi.

Trải qua nhiều trăm năm, ngày nay mỗi khi đến Tân Triều du khách không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những mảnh vườn bưởi bạt ngàn trĩu quả. Nhiều giống bưởi khắp các nơi được đưa về đây trồng thử nhưng cuối cùng cũng chỉ còn tồn tại 2 giống chủ lực là da xanh và đường cam.

Một chủ vườn cho biết, đã từng trồng thử bưởi Năm Roi trên đất Tân Triều. Cây phát triển tốt. Trái rất sai nhưng ruột thì nhão, đầy nước và nhanh hỏng. Vì thế loại bưởi này không thể có mặt tại đây.

Cây bưởi có mặt khắp các xã của huyện Vĩnh Cửu nhưng chỉ ở các vùng Tân Triều, Tân Bình, Bình Lợi và Bình Long - những địa phương có sông Đồng Nai ngang qua, bưởi mới đạt chất lượng và được gọi chung là bưởi Tân Triều.

{keywords}
Dưới mỗi gốc đều để sẵn một bao phân chuồng.

Chúng tôi đi trên những con đường trong khu vực làng bưởi Tân Triều. Hai bên đường, nhà nào cũng hàng trăm, hàng ngàn cây bưởi đang trổ hoa, ra trái. Những miếng giấy, miếng vải che cho từng trái tạo nên một bức tranh sống động.

Mỗi vườn chỉ một vài người chăm. Không ồn ào, họ lầm lũi đến từng gốc, xem từng trái. Có những trái bị vứt bỏ, cũng có những trái được nâng niu. Khách phương xa tìm đến, không ai không xuýt xoa trước những trái bưởi tươi xanh vừa được chủ vườn cắt xuống.

{keywords}
Chưa cận Tết nên các vựa mua bán bưởi vắng khách.

Thương bưởi như con

Vườn bưởi của chị Phạm Kim Lang (63 tuổi) ở Ấp 4 xã Bình Lợi. Khu vườn rộng 2,6 ha với hơn 1500 gốc bưởi. Chị đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện. Là một nhà nông, trải qua 3 đời làm nghề bưởi, trông chị rất khỏe mạnh.

Chị cho biết, nghề bưởi sống quanh năm. Bởi thế nên dù là Tết hay ngày thường, con số bán ra cũng chừng mực. Trên mỗi cây bưởi, mặc dù có thể có cả ngàn trái nhưng chủ vườn chỉ giữ lại từ 40 - 50 trái/cây. Số trái này không ra cùng lúc nên trái nào ra trước, chín trước được bán trước.

{keywords}
Vườn bưởi của chị Lang. Trái bưởi được bao lại che nắng.

Việc chăm bón hàng ngàn cây như thế rất vất vả nhưng chị Lang nói, chị không quản ngại. Mỗi ngày chị dậy sớm bơm nước tưới cho cả vườn. 'Phải tưới sớm để trái và lá đều ướt, sâu không ăn được', chị Lang nói.

Chị cũng chỉ cho chúng tôi xem, ở mỗi gốc bưởi đều có một bao phân chuồng. Mỗi năm, một gốc như vậy được bón đến 4 bao. Lần lượt từng bao được bỏ ngay gốc như thế để lúc bón đỡ vất vả hơn.

Chị cho biết thêm, bưởi Tân Triều đa số đều dùng phân hữu cơ và tránh phân hóa học nên bưởi lúc nào cũng mọng nước và để được lâu.

Bưởi trong vườn của chị, trái lớn nhất có thể lên đến 2,8kg nhưng cả vườn cũng chỉ được vài trăm trái. Phần lớn giao động từ 1,2kg đến 1,7kg/trái. Khách hàng ít người thích bưởi lớn vì giá cao.

Năm nay, chị cho biết, giá cả không tăng hơn năm ngoái. Hàng giao cho khách được hái sau rằm và những ai mua tại vườn phải đến 26 -27 tháng Chạp mới bán được.

{keywords}
 Chị Lang giới thiệu cặp bưởi để bán Tết.

Nhờ thu hoạch quanh năm nên thu nhập của gia đình chị khá ổn định. Chị cho biết, Tết năm ngoái, giá bưởi 90.000đ/kg chị cũng kiếm được vài trăm triệu. Trừ chi phí các khoản, số tiền còn lại cũng giúp cho gia đình chị có cái Tết đầy đủ, tươm tất.

'Người làm bưởi thương bưởi như thương con bởi cây bưởi đã mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình ở Tân Triều', một anh chủ vườn chúng tôi gặp trên đường về đã bày tỏ nỗi niềm như thế.

Gia đình nặng lòng với nghề đan quạt ở Tây Ninh

Gia đình nặng lòng với nghề đan quạt ở Tây Ninh

 Chiếc quạt có hình trái tim. Màu lá trắng tươi và khi khe phẩy, mùi thơm của lá quyện trong gió...  


Trần Chánh Nghĩa