Thuần là dân giang hồ một thời, đã “rửa tay gác kiếm”. Không có anh, tôi khó có thể gặp và thâm nhập một góc nhỏ thế giới giang hồ Sài Gòn, để hiểu sự tàn bạo, sự đa mưu quỷ quyệt của những kẻ đòi nợ thuê kiểu… luật rừng.

Mềm thì nắn…

Ông Nguyễn Văn Đua là chủ công ty xây dựng ở quận Phú Nhuận ấn vào tay tôi tập hồ sơ công trình, giấy biên nhận từng giai đoạn và nằng nặc bắt tôi tìm cách đòi bằng được số tiền 3 tỷ đồng nhân công và VLXD từ Lý Hoàng Doanh ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh.

“Tôi xây xong nhà cho Doanh, kết toán công trình, nó chẳng trả, lại còn thách đố. Nhờ anh quen biết báo chí, cho nó một bài giúp tôi…”. Tôi giãy nảy, đến nợ nhau cũng đòi đưa lên báo sao được!

{keywords}
Ảnh minh họa

Anh Thuần, dân giang hồ những năm 1990 bảo: “Kinh tế khó khăn, kẻ nợ nần thì vẫn sống ung dung, thừa mứa, còn người bị nợ thì vạ vật, gia đình tan nát. Thôi, để tôi ra mặt nhờ mấy đứa đàn em ở bến xe Miền Đông, chúng nó giúp”.

Tò mò, chưa một lần biết giới giang hồ Sài Gòn mặt ngang mũi dọc thế nào, tôi nài nỉ anh Thuần cho đi cùng ông Đua. “Cấm chú tiết lộ những chuyện chú biết” – Thuần gằn giọng.

Long “Mai Dịch” có chừng 3 quán gội đầu máy lạnh và 1 quán karaoke ở quanh khu vực bến xe Miền Đông. Biết tôi đồng hương Hà Nội, Long hồ hởi chẳng giấu giếm: “Anh bị nợ tiền hả, em hứa giúp anh, bọn này em xử phát một à”.

Tôi hỏi chi phí, xong đặt điều kiện: Đòi bằng được tiền, không hành hung, không gây thương tích… Đúng 1 tuần, Long điện thoại hẹn gặp: “Anh thích kiểu gì, em đã đến tận nhà nói phải quấy nhưng thằng này cứng đầu. Đành dùng cách của em thôi”.

Tôi, Long và 4 đàn em của Long đi trên 3 xe máy, 7h sáng đợi ở chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh. 7h30, Doanh dắt xe ra cửa. Đám đàn em của Long bắt đầu bám theo, giữ một khoảng cách đủ để Doanh phát hiện… Chiều 17h, từ công ty của Doanh về nhà, kịch bản vẫn tương tự.

Sau nhiều ngày, thái độ của Doanh có vẻ lo lắng, hoảng hốt, thường xuyên ngó lại sau và tăng ga đột ngột. Long cười và bảo: “Nó bắt đầu biết sợ”. Long điện thoại cho đàn em: “Chúng mày liên tục ép xe nhưng không được để nó ngã”…

Chẳng biết vì tâm trạng bất ổn hay đường đông quá, đi chừng vài kilomet, Doanh đã tự đâm vỉa hè, ngã xây xát. Long phóng vọt xe lên, nhảy xuống đỡ Doanh hỏi: “Có sao không em, có cần anh đưa đến bệnh viện không?”.

Doanh líu lưỡi không nói được gì. Long điện thoại cho vợ Doanh nhắn đến đưa Doanh đi băng bó. Chiều, Long dặn tôi nhắn ông Đua. Ông Đua gọi điện đòi tiền và khi biết Doanh bị tai nạn, ông Đua mua quà đến thăm. Doanh run run đề nghị: “Anh cho em trả trước 1 tỷ, tháng sau em trả hết…”.

Chuyện thật như đùa

Công việc thành công, sau bữa nhậu cảm ơn, ông Đua lại nhờ tôi nói giúp Long “hỗ trợ” người bạn cũng bị quỵt tiền.

Ông Trần Đức Thiện ở quận 12 nhận thầu phụ đoạn Nhị Bình, Hóc Môn trong dự án xây kè hệ thống sông Sài Gòn. Đơn vị nhận thầu B là Công ty Đức Cường ở tận Long An đã quyết toán công trình với Ban Quản lý dự án TP.HCM lấy hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên Đức Cường tìm cách kéo dài thời gian rồi không trả ông Thiện số tiền 7 tỷ đồng.

Sau chừng 20 ngày, Long điện thoại: “Thằng Cường nó có mấy cái nhà trên thành phố, 1 cái nhà rất to ở ngay bến xe thành phố Tân An song nhà này bị nợ ngân hàng, may ra 1 căn ở đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh khoảng 3 tỷ, căn hộ ở Saigon Pearl chừng 4 tỷ và mảnh đất ở Thủ Đức là có thể ép đòi được”. Bất ngờ về khả năng thu thập thông tin của Long, tôi gặng hỏi.

Long cười: “Bọn em có quan hệ khắp Đông Nam bộ, miền Tây, giúp đỡ nhau cả thôi. Anh em xã hội, khi đã không bảo kê, không tranh giành địa phận thì phải làm ăn đàng hoàng, dùng cái đầu ngồi với nhau để bàn. Những thằng ác thì phải dạy cho nó biết sợ”.

Cái lý anh hùng kiểu này, nghe cũng hay, song nghe cũng thấy rùng mình vì... phạm luật.

Đang ngủ trưa, Long điện thoại dựng tôi dậy: “Đi với em, đã tóm được thằng Cường”. Tôi ú ớ lên ô tô chờ sẵn ngoài cửa. Tại một khách sạn ở Bà Điểm, Hóc Môn, Cường to béo bị quăng như heo ở xó phòng.

Cường rên rỉ: “Sao các ông bắt tôi, tôi la toáng lên bây giờ…”. Long cười khẩy: “Mày ăn chặn tiền của anh Thiện, mày có mấy cái nhà, nuôi bồ nhí, đi Lexus, còn anh Thiện nợ ngân hàng đầm đìa, nhà ở bị thế chấp, lãi tính cả trăm triệu, thế mà còn muốn ai bảo vệ mày…”.

Nói rồi, Long thủng thẳng đọc từng hợp đồng, từng giấy biên nhận chất lượng, tiến độ công trình, Long kiếm đâu ra cả tờ thanh lý hợp đồng và phiếu chuyển séc của Ban quản lý dự án chuyển vào tài khoản Đức Cường.

Cường im lặng. Thế rồi Long rủ rỉ khuyên… Mặt Cường vẫn lạnh tanh. Đã 8 giờ trôi qua. Long nhắc đàn em: “Cho nó đói ngày hôm nay” rồi kéo tôi bỏ đi. Lo lắng, tôi bâng quơ hỏi, không biết làm vậy có quá tay không? Long bảo: “Với cái loại loãng não, anh cứ để em trị”.

Hôm sau, Long và tôi đến khách sạn. Long mở cửa và bê bát phở, tận tay xúc từng thìa cho Cường, vừa đợi Cường ăn, vừa thuyết phục… Tôi choáng về cách dụ người của Long.

Sau khi Cường thư thả hút điếu Con Mèo, Long hỏi: “Ý em thế nào, trả tiền cho anh Thiện, cho anh ấy đỡ khổ. Nếu thiếu, gán mấy căn nhà để anh Thiện bán, cả 2 bên đều thanh thản, vẫn là anh em”.

Cường vẫn rất lỳ lợm. Long hầm hầm bắt đàn em lôi Cường ra cái chòi ở sân sau. Không nói không rằng, Long cầm nửa can xăng, hất ướt hết người Cường. Tôi tá hỏa giữ Long lại: “Không làm thế, không lấy được tiền thì thôi, đừng giết người…”. Mặc tôi líu ríu, Long lao thẳng vào nhà tìm chiếc Zippo, rồi xoẹt lửa, cứ thế lao thẳng ra chòi.

Khi cách chòi chừng 3m, mặt Cường cắt không còn hạt máu, nói không nên lời, đầu chỉ gật lắc lia lịa… “Mày có trả tiền không?”, Long quát. Cường gật mạnh một cái rồi gục xuống…

Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội: Có nhiều cách đòi nợ đúng luật

Khi chủ nợ cho vay tiền, giữa hai người đã hình thành hợp đồng vay tài sản. Nếu thỏa thuận này được lập thành văn bản thì đây là giao dịch vay và cho vay thông thường.

Do vậy, việc thu hồi số tiền vay sẽ được tiến hành theo một trong hai phương thức: Nếu người vay tiền có hành vi gian dối (tẩu tán tài sản, bỏ trốn) ngay từ thời điểm bắt đầu thực hiện giat hợp pháp dẫn đến không có khả năng thanh toán thì họ có thể bị to dịch nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng khoản tiền vay vào mục đích bấruy tố một trong các tội danh: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trong trường hợp này, chủ nợ cần làm đơn tố giác gửi cơ quan điều tra, đề nghị điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm của con nợ.

Còn trong trường hợp người vay tiền không có dấu hiệu phạm tội, việc không trả được nợ đúng hạn là do làm ăn thua lỗ hoặc do nguyên nhân khách quan, chủ nợ có quyền khởi kiện người vay ra tòa án, đề nghị con nợ phải trả lại tiền.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, những tài sản của người vay sẽ bị cơ quan thi hành án dân sự kê biên, phát mại để trả cho những người bị hại. Ngoài ra, trong quá trình xét xử, căn cứ đề đạt của con nợ và xem xét thực tế, toà án có thể quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như niêm phong, không cho chuyển dịch tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng của con nợ.

Trong trường hợp các chủ nợ là doanh nghiệp, các đơn vị này có thể cân nhắc, lựa chọn giải pháp bán nợ cho những doanh nghiệp chuyên mua bán nợ. Hơn nữa, việc nhờ dịch vụ thu hồi nợ cũng là một cách thức nên xem xét vì những thuận lợi của nó. Doanh nghiệp có thể khởi kiện con nợ ra tòa án có thẩm quyền để thu hồi nợ.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng - Đội trưởng Đội Thanh tra pháp luật - Văn phòng Cơ quan CSĐT- CATP Hà Nội: Thuê côn đồ: Con dao hai lưỡi

Trên thực tế, nhiều con nợ không có khả năng trả nợ trong thời gian ngắn. Do đó, nếu chủ nợ dù có thuê người đến đòi thì việc thu hồi nợ gần như không có kết quả. Có những chủ nợ, khi thuê “giới giang hồ” đòi được khoản nợ, đến lúc thanh toán tiền công còn cao hơn cả khoản tiền nợ đòi được, thậm chí một số chủ nợ không những không đòi được nợ còn phải mất thêm số tiền không nhỏ cho những đối tượng lưu manh, côn đồ.

Vậy là, tự họ đã đẩy mình vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Hơn nữa, bản thân các chủ nợ chính là những người phải chịu nhiều hệ lụy nhất. Họ có thể bị chính các đối tượng lưu manh họ thuê uy hiếp khi chúng không đòi được nợ từ con nợ sẽ quay ra ép chủ nợ phải thanh toán theo hợp đồng.

Còn nếu trong quá trình đòi nợ, các đối tượng côn đồ sử dụng các hành vi vi phạm pháp luật, người thuê đòi nợ sẽ đóng vai trò chủ mưu, phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của nhóm đòi nợ thuê.

Có thể nói việc chủ nợ thuê đối tượng côn đồ đi đòi nợ chẳng khác nào họ đang sử dụng con dao hai lưỡi. Trong tình hình vỡ nợ phổ biến như hiện nay, khi chủ nợ vướng vào tình cảnh con nợ không có khả năng chi trả, họ nên nhờ pháp luật can thiệp một cách hợp pháp.

Chủ nợ cũng nên tạo điều kiện cho con nợ làm ăn, thu hồi vốn, không nên quá thúc ép, hoặc có thể giãn nợ, giảm lãi suất hay khoanh nợ lại… Trong trường hợp không thỏa thuận được, chủ nợ có thể tiến hành các thủ tục khởi kiện con nợ ra tòa theo quy định của pháp luật, tránh trường hợp nóng vội, sử dụng các biện pháp đòi nợ mang tính rủi ro cao dẫn đến hậu quả khó lường…

(Còn tiếp)

(Theo An ninh thủ đô)