Nghiên cứu mới nhất ở 5 tỉnh thành của Việt Nam cho thấy tham nhũng trong quản lý đất đai đang lan rộng - Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Lis Rasmussen Rosenholm cho hay ngày 24/11.

Báo cáo này do Đại sứ quán Thụy Điển cùng Đại sứ quán Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới thực hiện nhằm đánh giá các yếu tố rủi ro gây tham nhũng trong quản lý đất đai phục vụ cho cuộc Đối thoại Phòng Chống Tham nhũng lần thứ 8 diễn ra ngày mai giữa các cơ quan phòng, chống tham nhũng của Chính phủ và các đối tác phát triển quốc tế. 

 
 
Nghiên cứu được tiến hành ở 5 tỉnh: Bắc Ninh, Tiền Giang, TP.HCM, Bình Định và Lạng Sơn.

Trao đổi với báo chí trước thềm Đối thoại ngày 24/11, nhóm đối tác phát triển thực hiện báo cáo trên đã trao đổi một số vấn đề xoay quanh chủ đề tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai.

Tham nhũng đất đai tăng lên

Kết quả nghiên cứu cho thấy có rủi ro cao ở các khâu khác nhau trong quá trình và thủ tục liên quan tới tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Lis Rasmussen Rosenholm cho hay.

Việc chuyển hình thức sử dụng đất với giá đền bù thấp so với giá thị trường, khiến những người nông dân càng nghèo, trong khi các nhà đầu tư được lợi.

"Bên cạnh đó, tham nhũng trong đất đai ngày càng lan rộng, đó thực sự là vấn đề", bà Lis nói. Bà dẫn số liệu  85% hộ gia đình ở 5 tỉnh nhận thấy có tham nhũng, 43% doanh nghiệp khẳng định cần có quà và chi phí không chính thức để nhận được chứng nhận cho quyền sử dụng đất.

Tham nhũng trong đất đai ngày càng tăng lên, làm cho người nghèo càng nghèo, người giàu càng giàu hơn. 

Tham nhũng trong đất đai thường xảy ra ở những nơi, những cơ quan còn độc quyền trong lĩnh vực của mình, có quyền hạn lớn, liên quan tới những người đưa ra các quyết định, những người ít thể hiện trách nhiệm giải trình, bà Lis thông tin.

Đại sứ Thụy Điển Staffan Herrstrom thì nhấn mạnh, chìa khóa cho sự thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng ở tất cả mọi nơi, đặc biệt là trong quản lý đất đai của Việt Nam là tính cởi mở, minh bạch, tiếp cận thông tin, trách nhiệm giải trình, báo chí năng động và những người tố cáo tham nhũng được bảo vệ.

"Cò đất” và sự phổ biến của tham nhũng

Cận cảnh quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất hay còn gọi "sổ đỏ", một trong những loại hình dịch vụ quản lý đất đai chủ chốt do Nhà nước cung cấp, nhóm nghiên cứu phát hiện nhiều vấn đề.

Thực trạng tham nhũng trong cấp sổ đỏ theo nghiên cứu là "rất phổ biến", đặc biệt ở khu vực nông thôn phát triển hay khu vực thành thị, nơi người sử dụng rất quan tâm đến việc lấy sổ đỏ vì giá trị của đất cao hơn, có thể chuyển quyền sử dụng đối với đất phi nông nghiệp.

Một trong tác giả nghiên cứu, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ cho biết tham nhũng phổ biến nhất trong đất đai liên quan đến những người trung gian, hay còn gọi là “cò” đất. Loại tham nhũng này làm trì trệ thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu, cũng như đăng ký các giao dịch về bất động sản. Người dân thường phải sử dụng dịch vụ “cò”, để làm nhanh thủ tục.

Theo ông Võ, loại tham nhũng này có mức độ không lớn do chi phí mỗi lần không cao nhưng lại phổ cập, vì gần như ở tất cả các nơi đều cần “cò” giúp hoàn thành thủ tục.

Dạng tham nhũng nặng nề hơn mà ông Võ nhấn mạnh đó là tham nhũng xảy ra trong thu hồi đất và giao đất. Theo nhóm nghiên cứu, tham nhũng xảy ra khi đất được giao với giá thấp hơn, chính quyền cấp tỉnh tự định giá và tự quyết định giá trong việc nhà đầu tư phải nộp bao nhiêu. Hình thức giao đất chủ yếu vẫn là giao cho nhà đầu tư được chỉ định. Bên cạnh đó, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tính giá đất không phù hợp, khiến người bị thu hồi đất bị thất thiệt.

"Tham nhũng dạng này ở mức độ lớn hơn, giá trị lớn hơn nhưng không phải xảy ra ở tất cả các nơi", ông Võ cho biết.

Theo nghiên cứu, 78% những người được hỏi tin rằng có "tình trạng tham nhũng liên quan đến quá trình giao/cấp đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư".

Đối thoại Phòng Chống Tham nhũng lần thứ 8 diễn ra ngày mai (25/11) với trọng tâm thảo luận những yếu tố rủi ro dẫn đến tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai ở Việt Nam và các giải pháp có thể thực hiện.

Đại sứ Thụy Điển Staffan Herrström nhấn mạnh các đối tác phát triển quốc tế ủng hộ chủ đề trên vì tham nhũng nói chung và tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai nói riêng gây mất niềm tin, nó ảnh hưởng đến mọi người, đặc biệt là người nghèo và cản trở sự phát triển của Việt Nam.

  

X.Linh