Typography, nghệ thuật sắp đặt và ghép chữ trong in ấn, có thể kể những câu chuyện động trời.
Tờ JSTOR Daily đã viết về một người đàn ông với biệt danh "thám tử font chữ", người có thể phát hiện ra những tình tiết lừa đảo hoặc mạo danh nhờ nhìn vào font chữ và cách bố trí văn bản.
"Font Detective"
Vào năm 2017, Gerald McGoey, một doanh nhân người Canada, tuyên bố phá sản.
Hồ sơ phá sản được đưa ra nhiều năm sau khi công ty viễn thông có trụ sở tại Ontaria của ông thất bại. Trong đó, McGoey muốn giữ lại ngôi nhà và trang trại ven hồ ở vùng Muskoka, số tài sản này được ủy thác cho các con của ông.
Nhận thấy điều không ổn, các luật sư đã gọi Thomas Phinney, người tự xưng là "thám tử font chữ".
"Font chữ có thể cho bạn biết nhiều điều, tùy vào hoàn cảnh..." Chuyên gia typography có trụ sở tại Portland nói. Phinney cũng là CEO của FontLab, chuyên cung cấp font chữ cho giới design.
Và sự thật, Phinney nhanh chóng phát hiện ra điều bất thường trong giấy tờ của McGoey.
Tài liệu ủy thác của McGoey được ký vào năm 1995. Tuy nhiên, nó lại được in bằng Cambria, font chữ của Microsoft được ra mắt vào năm 2007.
Phinney cũng tìm thấy tài liệu về trang trại được viết bằng sans serif Calibri, cũng được phát hành vào năm 2007.
Đây là một trong nhiều vụ việc liên quan đến giấy tờ, tài liệu mà Phinney giúp làm sáng tỏ.
Phinney từng làm quản lý tại Adobe, bước ngoặt đến với ông vào năm 1999.
Khi đó, ông là cá nhân duy nhất có hứng thú với tính hợp pháp và toàn vẹn của tài liệu thông qua font chữ và cách nó được in ấn. Chính điều này đã đem đến nghề nghiệp "phụ" chẳng giống ai cho Phinney.
Người đàn ông này có bằng thạc sĩ về in ấn và áp dụng kinh nghiệm với font chữ để đánh giá tính hợp pháp của tài liệu, rất giống với công việc của các nhà sử học.
Để làm được công việc này, các "thám tử phông chữ" cần làm rõ các chi tiết trong tài liệu in ấn, có kiến thức về tình hình lịch sử trong nhiều giai đoạn nhưng cốt lõi là "nhận dạng phông chữ."
Phinney là một trong số ít những cá nhân có thể phản biện với tòa án, thuyết phục thẩm phán về tính chính xác của giấy tờ nhờ "độ tròn của chữ a" và "viền của chữ m."
Tham khảo JSTOR Daily