Những năm gần đây, người ta thấy giới chức Nga xuất hiện nhiều hơn trong các phiên họp hoặc hội nghị của ASEAN. Sự hiện diện của người Nga ở Đông Nam Á cho thấy cũng như Washington, Moscow dường như đang đặt châu Á làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình.



 ASEAN đang là một trong những khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất trên thế giới
Ngoài hợp tác quốc phòng với một số quốc gia ASEAN, Nga đang nỗ lực thực hiện chính sách mở rộng hợp tác kinh tế với Đông Nam Á nói riêng và các nước châu Á – Thái Bình Dương nói chung theo Sắc lệnh ngày 7/5/2012 do Tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành.

Trong bối cảnh đó, các bộ, ngành và trung tâm nghiên cứu nước này tiến hành đánh giá tổng quan hiện trạng hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Nga với các nước ASEAN và đưa ra kiến nghị thúc đẩy trong thời gian tới.

Nghiên cứu dưới đây của ông Ylia Ushov - giảng viên khoa nghiên cứu phương Đông, trường Kinh tế cao cấp Moscow và Alexandr Orlov, sinh viên năm thứ hai Trường Kinh tế cao cấp Moscow sẽ phần nào phác họa bức tranh này.

 1. Bruney

 Là một trong những nước ASEAN mà Nga có hợp tác kinh tế kém nhất, năm 2012 kim ngạch song phương chỉ đạt 1 triệu USD và chưa thấy triển vọng các dự án lớn. Tháng 4/2010 Nga mới đặt ĐSQ tại Bruney. Cũng trong năm ngoái, tập đoàn Zaruberneft và Petrolium Bruney ký bản ghi nhớ về thành lập liên doanh khai thác - chế biến dầu khí tại Bruney và nước thứ ba.

Nga quan tâm đến thị trường khí đốt hóa lỏng, năng lượng, thủy điện, khai thác và chế biến cát silic. Bruney cần công nghệ giá rẻ của Nga. Hai bên cố gắng nâng kim ngạch thương mại lên 50 - 75 triệu USD trong những năm tới.

 2. Myanmar

 Hợp tác thương mại Nga – Myanmar vẫn còn ở mức rất thấp, mặc dù có tăng mạnh so với năm 2000 nhưng mới đạt 113 triệu USD năm 2011, trong đó Nga xuất siêu tuyệt đối. Nga xuất sang Myanmar chủ yếu là máy móc, các thiết bị và phương tiện vận tải, gỗ, bột giấy, kim loại và hóa chất; nhập các sản phẩm dệt may, giày da, nguyên liệu gỗ, thực phẩm, gạo và hải sản.

 Năm 2012 hai bên đạt được thỏa thuận Nga cung cấp cho Myanmar 2 máy bay Sukhoi Super Jet - 100 trong năm 2013.

Hợp tác đầu tư giữa hai nước cũng chậm phát triển. Nga hiện chỉ có duy nhất một dự án lớn ở Mynamar là nhà máy luyện thép trị giá 150 triệu euro, công suất 200 nghìn tấn - liên doanh giữa công ty xuất khẩu công nghiệp nặng Nga và một công ty con của bộ quốc phòng Myamar.

 Nga xuất máy công, nông nghiệp, tham gia vào các dự án hạ tầng, năng lượng, chế tạo máy, viễn thông, tin học, khai khoáng và các nguyên tố đất hiếm;

 Myanmar quan tâm phát triển giáo dục, hiện mỗi năm cử 500 sinh viên sang Nga đào tạo và hơn 1000 quân nhân đang được huấn luyện tại các trường quân sự của Nga.  

 3. Campuchia

 Hợp tác kinh tế thương mại với Nga còn ở mức thấp, năm 2012 kim ngạch song phương mới đạt 73,5 triệu USD (năm 2002 là 3,6 triệu). Cơ cấu hàng hóa chưa đa dạng. Nga xuất nguyên liệu giấy, các sản phẩm dùng cho ngành in ấn, xe tải và phụ tùng (Kamaz), một số dược phẩm (hãng Polisan), vật liệu xây dựng, phân bón và phụ tùng cho máy bay; nhập chủ yếu các sản phẩm chế biến gỗ.

 Về đầu tư, năm 2008 tập đoàn Vimpelcom chiếm 90% cổ phần của nhà mạng di động Sotelco với giá trị 267 triệu USD. Đến năm 2011, Vimpelcom chiếm 7,6% thị phần dịch vụ điện thoại di động của Campuchia. Nga còn đầu tư 300 triệu euro vào tập đoàn Investment group của Campuchia để thực hiện dự án khai thác một hòn đảo ở tỉnh Sianukvili và xây dựng cầu cảng lớn nhất Đông Nam Á với trị giá 30 triệu USD.

Hợp tác du lịch: năm 2011 có 65 nghìn lượt khách Nga thăm Campuchia. Trong tương lai hợp tác hai nước có thể hướng đến khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản, kể cả thăm dò và khai thác dầu trên thềm lục địa Campuchia và xây dựng các nhà máy điện.

 4. Philippines

 Hợp tác kinh tế Nga – Philippines chủ yếu ở lĩnh vực thương mại và thực hiện qua các trung gian quốc tế chứ không trực tiếp. Năm 2011 kim ngạch ngoại thương hai nước đạt 1,64 tỷ USD, trong đó Nga xuất siêu (76%).

 Cơ cấu xuất khẩu của Nga gồm: dầu (đứng thứ 5 ở thị trường Philippines), phân bón, hóa chất, giấy, rượu cồn; nhập: hoa quả, hạt điều, linh kiện điện tử, hàng may mặc, giày da, dầu cọ và mỹ phẩm.

 Về hợp tác đầu tư, hai nước chỉ có duy nhất một dự án liên doanh là công ty vận tải Filsov shipping Company với 40 % cổ phần của Nga.

 Nga quan tâm lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, hạ tầng giao thông, viễn thông, nông nghiệp và chế biến gỗ. Philippines cần lĩnh vực điện năng và xuất khẩu lao động sang Nga, thu hút du khách Nga (năm 2012 đạt 20 nghìn lượt). Hai bên đang cố gắng thiết lập quan hệ trực tiếp và nối đường bay thẳng.

 5. Thái Lan

 Là một trong những đối tác thương mại chủ yếu của Nga ở ĐNA, kim ngạch thương mại năm 2011 đạt 4,1 tỷ USD. Nga xuất sang Thái Lan dầu mỏ (chiếm 7 % tổng khối lượng xuất khẩu sang châu Á), kim loại đen (gần 40 % tổng xuất khẩu của Nga) và phân bón. Thái Lan xuất sang Nga chủ yếu là thiết bị và phương tiện vận tải, điện tử, polimer, cao su và đường. Kim ngạch ngoại thương với Nga hiện chiếm 1, 2 % tổng trao đổi thương mại của Thái Lan.

 Hợp tác hàng không: Orient Thaiairlines đã đặt mua của Nga 12 máy bay Sukhoi Super Jet - 100, sẽ cung cấp trong giai đoạn 2013 – 2014. Thái Lan còn quan tâm đến lĩnh vực viễn thông và hệ thống vệ tinh Glonas của Nga để định vị tàu thuyền và phương tiện giao thông.

Đầu tư trực tiếp Nga vào Thái Lan đạt khoảng 200 triệu USD. Hai nước đang lên kế hoạch thành lập liên doanh sản xuất đồ trang sức và chế biến đá quý với 90 triệu USD góp vốn của Nga. Tập đoàn công nông nghiệp Charoen Pokphand Food của Thái Lan đã đầu tư 200 triệu USD vào lĩnh vực chăn nuôi lợn, có hệ thống phân phối thịt rộng khắp ở Nga với lượng xuất chuồng khoảng 1 triệu con/1năm.

 Về du lịch, Thái Lan hàng năm đang thu hút khoảng 700 nghìn lượt khách Nga.

 6. Malaysia

 Cũng là đối tác thương mại lớn của Nga ở ĐNA, kim ngạch thương mại song phương năm 2011 đạt 2 tỷ USD. Nga xuất phân bón, hóa chất; nhập từ Malaysia chủ yếu là các thiết bị điện tử, thực phẩm và hàng bán thành phẩm (chiếm 50% thị trường Nga). Hai nước vừa ký hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao.

Tập đoàn phần mềm diệt virus máy tính Kaspersky của Nga đã có mặt ở Malaysia từ năm 2007, trúng thầu nhiều dự án trang bị hệ thống máy tính cho các trường phổ thông và bán sản phẩm diệt virus. Tập đoàn internet của Nga cũng hợp tác với các nhà mạng Phone Redtone và Telecom Malaysia trong lĩnh vực thông tin di động.

Trong lĩnh vực vũ trụ, Nga đã phóng thành công cho Malaysia 3 vệ tinh liên lạc, hiện đang đàm phán hợp tác trong hệ thống định vị toàn cầu Glonas.

Bên cạnh đó, năm 2010 Malaysia mua của Nga 50 máy bay chở khách tầm trung do hãng Irkut sản xuất, trị giá 4 tỷ USD. Hai bên đang tiếp tục đàm phán việc Malaysia mua của Nga 4 máy bay vận tải Sukhoi Super Jet - 100.

 Hợp tác năng lượng: năm 2006 Petronas mua cổ phần của Rosneft trị giá 1 tỷ USD. Năm 2007 Gazprom và Petronas ký thỏa thuận hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí trên lãnh thổ hai nước và nước thứ ba. Hai tập đoàn này đã trúng thầu một dự án thăm dò ở vịnh Mexico.

Trong khía cạnh đầu tư, các doanh nghiệp Malaysia là người đi đầu toàn ĐNA trong việc thâm nhập khu vực Viễn Đông của Nga. Từ năm 1997 tập đoàn Rimbunan Group của Malaysia đã đến Viễn Đông thành lập một loạt xí nghiệp chế biến gỗ. Hiện Malaysia đang chiếm 20% tổng đầu tư nước ngoài vào Viễn Đông của Nga. Sản lượng sản xuất gỗ đạt 1 triệu m3/năm và đảm bảo 14 % tổng tiêu thụ gỗ của Nga.

(Còn nữa…)

Ylia Ushov, Alexandr Orlov (*)

Biên tập và giới thiệu: Cao Cường

Đôi nét về tác giả

gioi thieu

1. Ilya Usov: Phó tiến sỹ lịch sử, giảng viên khoa nghiên cứu phương Đông, trường Kinh tế cao cấp Moscow; chuyên gia nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, là tác giả của hàng chục công trình nghiên cứu về các mối quan hệ chính trị, kinh tế và lịch sử giữa Liên bang Nga và các nước ASEAN

2. Orlov Alexander, sinh viên khoa nghiên cứu phương Đông, trường Kinh tế cao cấp Moscow.