TIN LIÊN QUAN
Nội thất lạ tàu vũ trụ Thiên Cung 1
Dự định thật của Trung Quốc với tàu Thiên cung
Tân Hoa Xã ngày hôm nay cho hay, Thần Châu 8 được Trung Quốc phóng lên quỹ đạo sáng ngày 1/11 vừa qua đã thực hiện thành công cuộc ghép nối với phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 1. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực hiện thành công một cuộc ghép nối trong không gian và cũng là nước thứ ba (sau Mỹ và Nga) thực hiện được việc này.
Bức ảnh minh họa cảnh ghép nối giữa Thiên cung 1 và Thần châu 8. Ảnh: THX. |
Cuộc ghép nối giữa Thần Châu 8 và Thiên Cung 1 đã diễn ra vào khoảng 1h30 phút giờ Bắc Kinh (khoảng 12h30 đêm giờ Việt Nam) ở độ 343 km trên bầu trời Trung Quốc. Toàn bộ quá trình ghép nối giữa hai tàu vũ trụ khôn người lái chỉ diễn ra trong vòng 10 phút, thông tin trên Tân Hoa Xã cho hay.
Theo BBC, Thần Châu 8 và Thiên Cung 1 đã sử dụng radar và các thiết bị cảm ứng quang học để tính thoán khoảng cách giữa 2 phương tiện rồi tiến lại gần và tiếp xúc với nhau. Cuộc ghép nối được thực hiện tự động song vẫn được giám sát bởi Trung tâm điều khiển các chuyến bay vũ trụ tại Bắc Kinh.
Theo kế hoạch, Thần Châu 8 và Thiên Cung 1 sẽ bay cùng nhau khoảng 12 ngày trước thực hiện thử nghiệm ghép nối một lần nữa. Sau cuộc ghép nối lần thứ 2, Thần Châu 8 và Thiên Cung 1 sẽ bay cùng nhau thêm 2 ngày nữa trước khi Thần Châu 8 trở về Trái đất vào ngày 17 tháng này.
Cuộc ghép nối giữa Thần Châu 8 và Thiên Cung 1 là một bước thử nghiệm quan trọng về công nghệ đối với Trung Quốc để nước này bắt đầu thực hiện tham vọng xây dựng một trạm vũ trụ của riêng nước này.
Sau Thần Châu 8, tàu vũ trụ không người lái, vào năm 2012 tới, Trung Quốc dự định sẽ thực hiện tiếp 2 cuộc ghép nối khác giữa Thiên Cung 1 với Thần Châu 9 và 10, trong đó Thần Châu 10 sẽ là tàu vũ trụ có người lái. Cũng theo kế hoạch này thì trạm vũ trụ của Trung Quốc sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2020.
Nam Phong