- Trước những tranh cãi về "sự già" quá mức của Đỗ Nhật Nam - độc giả Hoàng Quỳnh Phương (THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương) nêu quan điểm: "Thần đồng cũng chỉ là một đứa trẻ. Hãy nhìn nhận một cách công bằng hơn..."
Các tin liên quan |
Bé Đỗ Nhật Nam, 12 tuổi |
"Cơn sóng dữ dội..."
"To be old and wise, you must be young and stupid" (Để trưởng thành và khôn ngoan, đầu tiên phải thơ dại và ngốc nghếch) - Đây là xứng đáng là câu nói của tháng khi mà nó đang hot 100 độ trên hầu như tất cả các trang mạng xã hội.
Khôn ngoan không đơn thuần là sự thông minh mà còn là trải nghiệm và hiểu đời. Trưởng thành không đơn thuần là sự hoàn thiện của thể chất mà còn là hoàn thiện trong suy nghĩ, cách hành động và dám chịu trách nhiệm với hành động. Đó là kết quả của thời gian, của trải nghiệm không ngừng trong nỗ lực hoàn thiện bản thân ở mỗi con người. Nếu gọi khôn ngoan và trưởng thành là kết quả thì thơ dại và ngốc nghếch chính là buổi ban đầu.
Chúng ta chẳng ai muốn nhận mình là kẻ ngốc nghếch và khờ dại.
Và vì thế câu nói "To be old and wise, you must be young and stupid" được trích dẫn trên khắp các trang mạng, được lấy làm statust sau khi xuất hiện trong một bài viết nhận xét về bé Đỗ Nhật Nam - thần đồng 12 tuổi. Cơn sóng dữ dội trong cộng đồng mạng lần này bắt nguồn từ một clip phỏng vấn Nhật Nam. Bạn đã xem rồi chứ?
Người ta không tìm thấy những khờ dại
Nhật Nam từ lâu đã nổi tiếng thần đồng với những thành tích học tập đáng nể cũng như các hoạt động xã hội. Sự chín chắn và già dặn của em khiến nhiều người khá ngạc nhiên. Từ cách nói chuyện, cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể cho đến những vấn đề bàn luận dễ khiến người ta liên tưởng đến một nhà hùng biện thực thụ. Nhưng vấn đề là tài năng ấy không được tán thưởng mà cộng đồng mạng sôi lên chỉ trích thái độ "tự tin thái quá và có phần hơi chảnh", "không ngồi ngay ngắn và nhìn thẳng vào mắt người lớn khi nói chuyện"…
Tôi đã đọc lá thư nhận xét đang nhận được rất nhiều sự đồng tình của một facebooker nhận là sinh viên báo chí. Bài nhận xét đã trích dẫn câu nói "To be old and wise, you must be young and stupid" và khuyên "Đừng tập nhảy trước khi tập chạy, đừng tập chạy trước khi tập đi, và đừng tập đi trước khi tập đứng. Em càng vội, khi vấp ngã em sẽ càng đau". Vậy, có phải bé Nhật Nam đang đi quá vội?
12 tuổi, Nhật Nam đã có những bước tiến dài, đạt được những thành tích mà người lớn cũng phải ngưỡng mộ. Em biết, hiểu, và có khả năng nói một cách mạch lạc về những vấn đề chính trị - xã hội phức tạp. Em tự tin nói về những điều mình biết. Người ta không tìm thấy những khờ dại của một đứa trẻ 12 tuổi. Nhưng như thế đã đủ cơ sở để kết luận em đánh mất tuổi thơ chưa?
Tôi hi vọng bạn nhớ chúng ta đang nhìn nhận bé Nhật Nam với tư cách một thần đồng. Vượt trội về năng lực, một thần đồng có thể đi những bước rất dài, làm được những điều mà người thường không làm nổi. Vậy việc đem thước đo của người bình thường áp lên đo sự nhanh chậm của một thần đồng không thể nào chính xác. Người đi nhanh hơn ta chưa chắc đã là người đang chạy.
Người viết lá thư đang muốn nói điều gì khi trích dẫn câu "To be old and wise, you must be young and stupid”? Bạn muốn khuyên Nhật Nam đừng nhảy cóc trong quá trình trưởng thành? Đúng là cách nói chuyện của Nhật Nam không trẻ con một chút nào nhưng nó không có nghĩa đó không phải là một đứa trẻ. Chính người viết cùng đã thừa nhận đấy thôi "em tự tin đến là lạ. Nhưng em ạ, nó không chững chạc một chút nào".
Đỗ Nhật Nam đạt kỷ lục "Dịch giả nhỏ tuổi nhất" |
Hãy nhìn nhận một cách công bằng
Đem sự tự tin của một đứa trẻ 12 tuổi để đòi hỏi sự chững chạc, chẳng phải chính người viết đang đòi hỏi ở Nhật Nam sự trưởng thành một cách hoàn thiện hay sao? Người ta gọi em là "ông cụ non" nhưng không khó để tìm thấy những nét thơ trẻ. Trẻ con hồn nhiên và thoải mái. Nhưng sự hồn nhiên ấy khi bộc lộ trước ống kính máy quay lại bị chỉ trích là thái độ không nghiệm túc, "không ngồi ngay ngắn, không nhìn thẳng vào mắt người đối diện". Trẻ con trong sáng và thích nói thẳng. Nhưng sự thẳng thắn trong chia sẻ của em lại trở thành sự "chảnh" của một thần đồng.
Thần đồng cũng chỉ là một đứa trẻ....
Xung quanh câu chuyện của Nhật Nam có khá nhiều ý kiến trái chiều. Có nhiều người chỉ trích bố mẹ Nhật Nam nuôi dạy em không đúng cách, thậm chí có người ác khẩu hơn còn nói họ đã "đầu độc" con mình, nhiều người tiếc em đã đánh mất tuổi thơ, "giỏi quá cũng chưa hẳn đã tốt". Chính Nhật Nam đã chia sẻ em thích học, thích đọc sách chứ không phải vì bố mẹ ép buộc. Việc mà bố mẹ em làm là định hướng và tạo điều kiện cho em phát huy hết khả năng.
Còn nếu bạn tiếc cho tuổi thơ của em? Không có những trò ngây ngô vụng dại, không có Đoremon hay Shugoku, chưa hẳn đã là một tuổi thơ không hạnh phúc. Có hạnh phúc hay không phải là do Nam tự cảm nhận chứ không phải là điều mà chúng ta có thể áp đặt từ quan điểm cá nhân chủ quan của mình.
"Đừng làm chim đi theo bầy..."
Ta cũng cần nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện. Hãy quay đầu mũi tên đang chỉ vào Nhật Nam theo hướng ngược lại.
Rõ ràng có sự bất ổn trong cách một phần đông cộng đồng mạng phản ứng thái quá đối với câu chuyện về thần đồng 12 tuổi này. Mỗi người một ý kiến nhưng cách mà một đám người lớn xúm lại "ném đá" một đứa trẻ 12 tuổi thực không thể chấp nhận được.
Cộng đồng mạng đang đặt em dưới áp lực dư luận mà có lẽ một thanh niên 18 tuổi chưa chắc đã chịu đựng được. Đó không phải quyền lực thuộc về số đông mà là lạm dụng quyền lực đám đông. Đừng làm chim đi theo bầy. Ta cần nhìn rõ ràng nguyên do mọi sự.
Những người chỉ trích em chủ yếu tức khí bởi câu nói "truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn". Đấy là ý kiến của mẹ em, và em đã chọn nghe theo ý kiến ấy. Truyện tranh cũng là một loại hình nghệ thuật, nó đã nâng đỡ tuổi thơ của rất nhiều đứa trẻ.
Tôi cũng rất thích truyện tranh, đọc nhiều, mua nhiều. Tôi thậm chí từng tự hào với bạn bè vì nhẵn mặt ở các hàng thuê truyện trong thành phố. Nhưng cũng chính vì đọc nhiều nên tôi hiểu, nói "truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn" không phải là hoản toàn vô lí.
Với cách xuất bản truyện tranh chạy theo lợi nhuận hiện nay, bạn không khó để tìm thấy những bộ truyện 18+ hay 22+ nhưng ngoài bìa ghi "truyện tranh dành cho tuổi thiếu niên". Thậm chí ngay cả những cuốn truyện tranh được cho là có nội dung giáo dục thì với tranh vẽ cẩu thả, lời thoại ngây ngô hoặc không thực ăn nhập với tranh, không hợp tâm lí trẻ em cũng đủ khiến ai có tình yêu trẻ nhỏ phải lo ngại.
Vấn đề này đã từng tranh cãi rất nhiều trên mạng. Thế nên đừng quy chụp tội lỗi một cách mù quáng. Đó chỉ là một quan điểm, một lựa chọn, bạn có thể đồng ý hoặc không.
• Hoàng Quỳnh Phương (THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương)