Giá trị hơn cả vàng, lợi nhuận hơn cả buôn ma túy, đó là sừng tê giác, loại "thần dược" được đồn thổi có tác dụng chữa bách bệnh. Cũng vì ma lực hấp dẫn trên, xuất hiện ngày càng nhiều những kẻ lừa đảo làm giả sừng tê giác với thủ đoạn hết sức tinh vi khiến không ít đại gia sập bẫy một cách ngoạn mục…

Người "giải mã" sừng tê giác

Theo y học cổ truyền, sừng tê giác có vị đắng, mặn, tính lạnh, không độc vào 3 kinh tâm, can, vị thuộc nhóm thuốc thanh nhiệt giải độc, an thần giảm đau… Tuy nhiên cho đến nay, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về công dụng của sừng tê giác. Nhưng ở Việt Nam và nhiều nước châu Á thì từ lâu, sừng tê giác đã được đồn thổi thành một loại thần dược chữa được đủ thứ bệnh, kể cả những bệnh nan y mà y học phương Tây "bó tay" như ung thư. Đây là một nguyên nhân khiến tình trạng săn lùng, buôn bán sừng tê giác gia tăng trong thời gian qua.

Quan ngại trước tình trạng người Việt Nam sinh sống tại Nam Phi lợi dụng việc xin phép săn bắn tê giác hợp pháp ở nước này để buôn bán sừng tê giác về Việt Nam, từ đầu năm 2012, phía Nam Phi đã ngừng việc cấp phép săn bắn tê giác hợp pháp đối với người Việt.

Tiến sĩ Đặng Tất Thế - Trưởng phòng Hệ thống học phân tử và di truyền bảo tồn, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là chuyên gia duy nhất được đào tạo ở Mỹ về kỹ thuật giám định phân tử ADN (giám định gen) đối với động vật hoang dã từ những năm 1998-1999. Vì thế được anh em công an mệnh danh là "tài sản quý của quốc gia", bởi cho đến thời điểm hiện tại, anh là chuyên gia đầu ngành về giám định động vật hoang dã bằng công nghệ giám định gen trên toàn quốc.

Theo Tiến sĩ Đặng Tất Thế, xét nghiệm ADN là phương pháp ngắn và đơn giản nhất để biết sừng đó có phải là sừng tê giác thật hay không. Những mẫu đem đến Viện xét nghiệm thời gian qua có tới 70% là giả. Có hàm lượng của sừng tê giác thật nhưng rất ít, còn lại là hợp chất sừng trâu, bò, tóc người...

Tuy nhiên, Việt Nam cũng chỉ là địa bàn trung chuyển để các đối tượng đưa sừng tê giác sang Trung Quốc tiêu thụ. Do vậy, giá cả sừng tê giác ở Việt Nam cũng phụ thuộc vào thị trường tại Trung Quốc. Những năm trước, giá sừng tê giác trên thị trường khoảng 50-60 triệu đồng/lạng. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây thì giá bỗng nhiên tăng vọt lên khoảng trên dưới 100 triệu đồng/lạng. Cao điểm nhất là năm 2011, giá lên tới 140-150 triệu đồng/lạng.

Đại gia cũng mắc bẫy


Tiến sĩ Đặng Tất Thế phân tích, lừa bán sừng tê giác khá dễ. Đơn giản vì ở Việt Nam, tê giác đã tuyệt chủng nên có mấy ai biết mặt mũi con tê giác thế nào. Mà đã không nhìn thấy thì đưa ra cái sừng trâu, sừng bò mà bảo rằng đó là sừng tê giác thì ai mà chẳng tin. Thế nên mới có chuyện các đối tượng lừa đảo dùng sừng trâu, sừng bò để chế tác ra những chiếc "sừng tê giác" có hình thù khá kỳ quái, như tạo vết lõm, hoặc tạo thêm rất nhiều mấu.

Thông thường đường dây buôn sừng tê giác hoạt động trên phạm vi rất rộng, qua đường hàng không hoặc quá cảnh các nước khác rồi vào Việt Nam qua đường bộ. Điển hình như vào tháng 11/2012, Hải quan sân bay Nội Bài đã phát hiện bắt giữ vụ vận chuyển 7 chiếc sừng tê giác châu Phi còn tươi nguyên. Nếu không có đường dây mang tính quốc tế, thì vì sao 7 chiếc sừng to tướng như vậy lại lọt lên máy bay từ châu Phi, qua các quốc gia khác để về đến Việt Nam như vậy?

Là hàng cấm, lại có giá trị cao nên đương nhiên việc làm ăn, buôn bán sừng tê giác cũng có những nguyên tắc riêng mà người lạ không thể tiếp cận được. Vì vậy nếu có anh nào tự nhiên khoe mua được sừng tê giác, thì chắc chắn dính phải đồ rởm. Nên chuyện đại gia cũng bị lừa khi đi mua sừng tê giác cũng là chuyện… thường thôi.

Tiến sĩ Đặng Tất Thế dẫn chứng bằng chuyện của một ông bạn trong TP.HCM chuyên nghề chế tác sừng thủ công mỹ nghệ. Mỗi năm doanh nhân này nhập hàng tấn sừng trâu, sừng bò châu Phi về để chế tác. Mỗi lần nhập hàng về, lập tức có mấy gã đến mua lại. Họ thường chọn những chiếc sừng to, mập, có hình dáng giống như sừng tê giác. Có lần những gã này nói thẳng mua về để làm sừng tê giác giả. Số lượng mỗi lần mua như vậy có đến vài tạ. Điều đó cũng có nghĩa là vài tạ sừng tê giác rởm được chúng tung ra thị trường.

Một lần, Tiến sĩ Đặng Tất Thế được mời xuống cảng Hải Phòng để giám định lô hàng chuẩn bị cập cảng. Trong lúc chờ đợi, ông vào quán cà phê gần đó uống nước. Chưa nóng chỗ thì một chiếc ôtô sang trọng đỗ xịch trước cửa quán. 3 người đàn ông ra dáng đại gia khệnh khạng xuống xe, chọn vị trí trung tâm của quán. Không gọi đồ uống như mọi người, một đại gia đặt lên bàn chiếc đĩa sứ, lấy một miếng sừng ra mài khá điệu nghệ. Mọi con mắt trong quán đổ dồn về phía 3 đại gia đầy ngưỡng mộ. Không nói thì ai cũng hiểu đó là sừng tê giác. 3 đại gia thay nhau mài sừng, rồi nâng ly mời nhau.

Ngạc nhiên trước sự chịu chơi của 3 đại gia đất Cảng, cộng thêm "bệnh nghề nghiệp", Tiến sĩ Thế lại gần 3 đại gia. Liếc mắt nhìn chiếc sừng, suýt nữa thì Tiến sĩ Thế bật cười vì bằng con mắt nhà nghề, biết ngay đó chỉ là… sừng trâu nước.

Những mẫu sừng tê giác giả thu giữ trong các vụ án lừa đảo.

Lần khác khi công tác miền Nam, một ông giám đốc doanh nghiệp nọ thuộc hàng "đại gia" nghe tiếng đã đích thân đánh ôtô đến tận nơi đón Tiến sĩ Đặng Tất Thế để nhờ vả. Ông ta đưa ra một mẩu sừng, nói có đàn em ở tận Lào, Campuchia săn lùng mua giúp. Ông này đang độ tuổi xế bóng mà cô bồ lại kém tới vài chục tuổi. Thế nên lo cái khoản “đàn ông” không đáp ứng được, ông ta nhờ người săn lùng "thần dược" để tăng cường cho cái khoản kia đang ngày một giảm sút phong độ. Nghe Tiến sĩ phán "đồ rởm", mặt đại gia tiu nghỉu. Chắc buồn vì sừng tê giác rởm thì ít mà lo về "người đàn ông" cho bản thân thì nhiều hơn.

Tiến sĩ Thế thở dài bảo rằng, chính vì những lời đồn đại tác dụng chữa bách bệnh nên đối với những gia đình có người bệnh trọng, nhất là bệnh ung thư đã tìm mọi cách để tìm mua sừng tê giác với hy vọng kéo dài sự sống cho người thân. Tác dụng chữa bệnh đâu chưa thấy nhưng thực tế thì rất nhiều người bị rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo.

Có lần một cô gái trẻ tìm đến ông khóc lóc, trình bày rất thương tâm rằng bố cô đang bị ung thư. Có người mách nếu được uống sừng tê giác, bố sẽ khỏi bệnh nên cô quyết tâm báo hiếu bằng việc bỏ ra toàn bộ số tiền tích cóp được trong mấy năm đi làm để mua "thần dược" cho bố. Nay biết tiếng ông là chuyên gia giám định sừng tê giác nên nhờ ông xem giúp. Từ chối thì không đành lòng.

Cầm miếng sừng ước chừng vài lạng của cô gái đưa, mới nhìn qua cũng biết là đồ rởm. Tiến sĩ Thế thở dài an ủi, thôi đã trót mua rồi thì cứ mang về mài cho ông cụ để giải quyết vấn đề tâm lý cho người bệnh. Sừng trâu nước, có uống thì cũng vô hại, bởi ngày xưa trong bài thuốc dân gian, các cụ vẫn dùng sừng trâu nước để giải độc, chữa sốt, nhưng tác dụng so với sừng tê giác thì không đáng kể.

Thật - giả khó lường

Các chuyên gia bằng mắt thường cũng có thể phân biệt sản phẩm giả và thật, nhưng người thường thì khó nhận ra. Ví dụ, thớ sừng tê giác to hơn với sợi thô hơn sợi trên sừng trâu, bò. Nếu tinh mắt có thể nhận thấy sừng trâu bò có nguồn gốc từ sọ nên khi để khô thường có vết nứt đồng tâm giống như vòng tròn tăng trưởng phía trong, còn sừng tê giác không có dấu hiệu này. Tuy nhiên, để che mắt người mua, những kẻ làm giả thường bôi dầu, sáp lên sừng trâu, bò để chống nứt. Gốc sừng tê giác có lông cứng như lông bàn chải, nên những kẻ làm giả lấy lông của loài khác rồi dính vào. Cấu tạo sừng trâu, bò ở giữa có lõi trắng. Các đối tượng làm giả liền "khắc phục" bằng cách nhuộm đen đều…

Cũng có khi thủ đoạn làm giả rất quái chiêu. Đối tượng sử dụng phần gốc sừng là đồ thật, có da và lông phủ, sau đó mài giũa, ghép phần ngọn là sừng trâu. Phần ghép nối được khéo léo che giấu bằng cách phủ một mảng da và lông thật lên trên. Với thủ đoạn này thì ngay cả những tay buôn "có nghề" cũng dễ bị lừa chứ đừng nói đến người chưa nhìn thấy sừng tê giác bao giờ.

Thậm chí, công nghệ làm sừng tê giác giả của nhiều đối tượng đạt đến độ tinh vi khiến bằng mắt thường chuyên gia cũng không thể phân biệt được. Khi đó chỉ có cách phân biệt bằng phương pháp giải mã gen. Cách đây 3 năm, qua phương pháp giám định gen, Tiến sĩ Thế từng phát hiện một vụ sản xuất sừng tê giác giả bằng tóc người đặc biệt tinh vi. Xem xét tất cả các mặt cắt thì chiếc sừng này có đặc điểm, màu sắc và kết cấu giống hệt sừng tê giác thật. Tuy nhiên khi thực hiện quy trình giải mã gen, máy đọc lại báo kết quả là… gen người.

Sau khi xem xét kỹ, Tiến sĩ Thế đã tìm ra cách thức làm giả đặc biệt tinh vi. Đối tượng dùng tóc người, cũng là chất liệu sừng, trộn với phụ gia để ép, tạo hình thành chiếc sừng tê giác. Khi mài thử, chiếc sừng tóc này cũng cho kết quả mùi vị hơi khét của chất sừng.

…Trong câu chuyện vui xoay quanh chiếc sừng tê giác, Tiến sĩ Đặng Tất Thế dí dỏm bảo rằng, nếu như trước đây, muốn lên đẳng cấp đại gia phải có hổ báo nuôi trong nhà, thì nay đẳng cấp đại gia đã được chuyển sang một loại thú mới. Đó chính là tê giác.

Ở Việt Nam hiện nay, tê giác đã có mặt tại một số vườn thú, trang trại tư nhân. Miền Nam có Vườn thú Đại Nam, Công viên nước Củ Chi. Ở miền Bắc, nghe đâu vị đại gia bán chung cư giá "sốc" cũng nuôi 2 con tê giác ở trang trại tại Nghệ An; ở Thiên đường Bảo Sơn cũng có mấy con. Thiên hạ đồn đoán chi phí để nhập một con tê giác châu Phi về Việt Nam mất khoảng vài tỉ đồng. Trong khi giá 1 chiếc sừng tê giác lên tới hàng chục tỉ đồng, thì có lẽ mua hẳn 1 con tê giác đương nhiên là lãi.

Là phỏng đoán thế. Chứ để được các cơ quan chức năng quốc tế cấp phép nuôi tê giác không dễ. Chủ nuôi phải có đủ điều kiện chuồng trại, nguồn thức ăn, bác sĩ chuyên ngành động vật hoang dã… Rồi việc vận chuyển con tê giác nặng cỡ chục tấn thì đóng cũi thế nào, phương tiện vận chuyển ra sao cũng phải tính toán chứ không đơn giản.

Nghe nói đến thế thôi đã chóng cả mặt rồi. Chao ôi là đại gia! Chao ôi là tê giác. Ôi chao là sừng tê giác!

(Theo ANTG)