- Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2012 có nhiều điểm mới có thể sẽ được thay đổi trong hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Thông tin dự báo cuộc cải cách tuyển sinh này làm nhiều trường ĐH cũng như học sinh nhận thức lại việc học hành, chọn ngành và thi cử.

Trưng cầu ý kiến thi ĐH 6 môn

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận xác định nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục ĐH năm học 2011-2012. Trong đó, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2012 về cơ bản giữ ổn định theo giải pháp “3 chung” và sẽ bổ sung thêm một số khối thi.

Hiện tại, hai trường ĐHQG (Hà Nội và TP.HCM) đang được Bộ đề xuất nghiên cứu phương án tuyển sinh.


Ảnh Lê Anh Dũng

Theo Tiền Phong, có phương án thi ĐH, CĐ lên tới 6 môn. Theo đó, sau khi có kết quả thi, các trường sẽ tùy yêu cầu của chuyên ngành đào tạo mà lựa chọn thí sinh theo điểm thi của một số môn nhất định nào đó. Điểm sàn sẽ áp dụng theo từng môn.

Bộ sẽ tổ chức trưng cầu ý kiến về phương án chỉ thi tuyển sinh theo 6 môn và không phân biệt theo các khối. Nếu phương án này là tối ưu và được nhiều ý kiến ủng hộ nhất thì sẽ được chọn thực hiện chính thức vào năm nay.

Trước thông tin cải cách tuyển sinh từ chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm của bộ trưởng, lãnh đạo nhiều trường cho rằng đây là hướng đổi mói có lợi cho thí sinh khi có thêm nhiều lựa chọn phù hợp với năng lực. Các trường đã chờ đợi điều này từ lâu và đang rục rịch phương án thay đổi khối thi. Trong đó, phương án thi cả khối thi truyền thống và khối thi mới có thể được nhiều trường lựa chọn trong bối cảnh thông tin muộn và cập rập như hiện nay.

Trên báo Tuổi trẻ, TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết nếu có sự thay đổi trong tuyển sinh, trường sẽ chọn môn ngoại ngữ thay vì môn hóa. Chuẩn đầu ra hiện nay của trường yêu cầu chuẩn ngoại ngữ ở tất cả các hệ đào tạo. PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) cũng đề xuất thi tuyển cả khối A1 gồm Toán, Lý, Ngoại ngữ và khối A truyền thống cho ngành công nghệ thông tin. Nhiều trường khác cho biết đang chờ thông báo chính thức của Bộ sẽ đưa ra khối thi phù hợp với trường mình.

Có khó, Bộ cũng quyết làm

Trước những thông tin có thể thay đổi ở kỳ thi ĐH, CĐ, có ý kiến cho rằng, sự thay đổi quá vội vàng và là muộn nếu áp dụng ngay cho năm nay. Thí sinh hầu như đã chọn khối, đầu tư học theo khối từ năm lớp 10. Như vậy, nếu trường nào có sự thay đổi hoàn toàn sẽ gây sốc cho học sinh vì trở tay không kịp.

Nếu thi cả khối mới và khối truyền thống, xu hướng học sinh sẽ chọn thi khối truyền thống để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, vấn đề xét nguyện vọng đối với khối thi mới sẽ thực hiện như thế nào? PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đánh giá đây là điểm khó nhất cho đổi mới tuyển sinh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trao đổi trên báo Tuổi trẻ: “Việc này phải chờ đến sau hội nghị tuyển sinh ĐH-CĐ dự kiến tổ chức ngày 14/1/2012 mới quyết định. Nhưng theo chỉ thị của bộ trưởng, trong kỳ thi tuyển sinh tới, bên cạnh việc giữ nguyên các khối thi truyền thống là A, B, C, D... theo đề nghị của các trường, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét việc tổ hợp các môn thi khác nhau phù hợp với yêu cầu tuyển sinh của các trường.”

Bộ GD-ĐT sẽ tập hợp đề nghị của các trường, thảo luận và có quyết định chính thức sau hội nghị tuyển sinh. Sau khi có quyết định chính thức, các trường có thể tùy theo yêu cầu của mình mà lựa chọn tổ hợp môn thi mới.

Để tránh gây xáo trộn lớn cho học sinh, trường có thể chọn phương án cùng lúc vừa tuyển sinh theo khối thi truyền thống vừa tuyển theo tổ hợp môn thi mới.
Tinh thần của Bộ được thứ trưởng Ga cho biết: Sự đổi mới này là hướng tới sự thuận tiện, giản đơn cho người học, tăng cơ hội đăng ký dự thi của các thí sinh và phục vụ sát với nhu cầu đào tạo nên có khó bộ cũng quyết làm.

Theo ông, thi theo tổ hợp môn thi mới là “bước đệm” cho việc tổ chức thi vào ĐH bằng nhiều môn trong tương lai. Theo đó, về lâu dài bộ chủ trương tổ chức nhiều môn thi ĐH, thí sinh thi vào trường có yêu cầu thi tuyển các môn thi nào sẽ chủ động thi các môn đó để xét tuyển. Bộ sẽ có trách nhiệm thông báo trước ít nhất 3 năm để học sinh chuẩn bị kế hoạch học tập hợp lý.

Nguyễn Hường (tổng hợp)

Thi Tốt nghiệp: tăng cường tự chủ

Thông tin trên báo Tiền Phong cho hay, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (TN THPT) năm tới sẽ tăng cường trách nhiệm của trưởng ban chỉ đạo thi của các tỉnh, thành phố và lãnh đạo sở GD. Theo đó, ở các địa phương, lãnh đạo sở và trưởng ban chỉ đạo địa phương sẽ chịu trách nhiệm từ khâu tổ chức thi đến khâu chấm thi, không cần đưa thanh tra tỉnh khác đến và gửi bài thi của học sinh đi địa phương khác để chấm chéo.

Thay vào đó, tỉnh nào sẽ chấm thi cho tỉnh đó nhưng giáo viên chấm sẽ đổi chéo để đảm bảo giáo viên không được chấm bài thi của chính học sinh mình.