"Máy bay cất cánh được chừng 30 - 40 phút, trong khoang hành khách bốc mùi khét "như mùi cao su cháy", chúng tôi được hướng dẫn tháo giày dép, chuẩn bị cho việc hạ cánh khẩn cấp xuống biển...."

Một hành khách trên chuyến bay VN1159 từ Hà Nội đi TP.HCM miêu tả phen hú vía khi bay VietNam Airlines (VNA) ngày 24/5/2012.

Chuyến bay nghẹt thở 


Phản ánh đến báo VietNamNet, anh Lê Anh (TP.HCM) kể: "Sau khi bay khoảng 30-40 phút, trong khoang máy bay không còn không khí khiến toàn bộ hệ thống mặt nạ oxy bung xuống. Tôi và mọi người cố kéo để đeo vào mặt nhưng vẫn thấy khó thở. Tôi nghe tiếng một nữ tiếp viên kêu hành khách bỏ mặt nạ ra để thở vì trong mặt nạ không có oxy. Tôi dần cảm thấy hoa mắt, chóng mặt. Ai cũng phát hoảng; rất may là trẻ em được dùng những bình oxy dự phòng nhỏ".

Theo lời anh Lê Anh, hành khách trên chuyến bay VN1159 chịu đựng tình trạng ngột ngạt như vậy khoảng 20 phút, cho đến khi máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Đà Nẵng. Nhưng, trên sân bay không có xe cấp cứu hay cứu hỏa. Hành khách rời máy bay trong trạng thái hoảng loạn và kiệt sức; nhiều người nằm lịm trên sân bay.

Hành khách này cũng khẳng định anh phải vạ vật trên sân bay đến 22h50 phút, không thấy nhân viên hàng không nào đến trấn an các hành khách. Chỉ nghe thông báo phát 01 chai nước uống/hành khách; không thấy hỗ trợ về thực phẩm.

23h cùng ngày, anh Lê Anh cùng mọi người mới được đưa lên một máy bay khác và đến 0h, máy bay mới cất cánh, rời Đà Nẵng đi TP.HCM.

VNA: "Đó chưa phải là sự cố lớn"

Trao đổi với PV VietNamNet qua điện thoại, ông Lê Trường Giang, người phát ngôn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) khẳng định: Trên chuyến bay VN1159 hoàn toàn không có hiện tượng mùi khét như bạn đọc Lê Anh phản ánh mà chỉ có hiện tượng thay đổi áp suất. Còn về việc mặt nạ không có oxy, ông Giang cho hay là "chưa có báo cáo".

Theo đại diện Vietnam Airlines, phi hành đoàn đã xử lý theo đúng quy trình an toàn, không có ai bị thương. Nguyên nhân của các sự cố này vẫn đang được điều tra, làm rõ. Ông Giang cũng cho rằng "Đây chưa được coi là sự cố lớn. Với những sự cố lớn, VNA sẽ có thông cáo chính thức".

Điều đáng nói, đây không phải là sự cố duy nhất khiến hành khách VNA hú vía trong tháng 5/2012. Chiều 27/5 (3 ngày sau chuyến bay VN1159), đã có cảnh báo trục trặc động cơ số 2 của máy bay Airbus A321 số hiệu VNA356 (chuyến VN 1552 từ Cam Ranh đi Hà Nội), khi khối sắt này đang chạy đà với tốc độ hơn 100km/giờ.

Trước đó, ngày 6/5, chuyến bay VN503 từ Quảng Châu đến TP.HCM gặp sự cố khi máy bay hạ cánh vượt quá đường cất hạ cánh khoảng 50m trên sân bay Tân Sơn Nhất.

  • An An - Gia Văn