Ông Vũ Hữu Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, dự án nâng cấp, sửa chữa, đảm bảo an toàn hồ Đá Bàn được UBND tỉnh đầu tư gần 9 tỷ đồng. Công trình do Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty CP xây dựng và tự động hóa Đức Anh (có địa chỉ tại TP Thanh Hóa).

Hiện tại dự án trên đã thi công xong và chưa bàn giao để đưa vào khai thác sử dụng.

Theo ông Tuấn, nguyên nhân là do cuối tháng 12/2020, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện Như Thanh, cử tri xã Phú Nhuận phản ánh và kiến nghị UBND huyện kiểm tra và có biện pháp xử lý các vị trí thấm qua thân đập hồ Đá Bàn.

{keywords}
Nước thấm qua thân đập làm sạt trượt đất

Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, hồ Đá Bàn đã đạt đến cao trình mực nước dâng bình thường. Vai hữu hạ lưu đập từ cọc 4 đến cọc 7 (khoảng cách khoảng 40m) xuất hiện các vị trí thấm nước qua thân đập rất mạnh.

Đặc biệt, vị trí thấm từ cọc 4 đến cọc 5 tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đập trong quá trình vận hành, do tại vị trí này không có thiết kế thiết bị thoát nước hạ lưu.

{keywords}
Mặc dù đã được khắc phục nhưng nước vẫn thấm qua thân đập

“Đoạn này hiện trạng là lòng khe cũ, được nhân dân xã Phú Nhuận đắp thủ công (đất đắp lẫn nhiều dăm sạn, không lu lèn), một số vị trí đã bị sự cố vỡ đập trong các đợt mưa lũ trước đó”, ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, sau khi có phản ánh, đơn vị thi công khắc phục sự cố trên bằng việc đắp đất, lót đá một vùng rộng và làm một con mương nhỏ. Tuy nhiên, hiện tượng nước rò rỉ, ngấm qua thân đập chảy ra bên ngoài vẫn không chấm dứt.

{keywords}
Nhiều đoạn đê chắn sóng nứt toác mà chủ đầu tư không biết

“Huyện đã đề nghị chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra giải pháp kỹ thuật của nhà thầu tư vấn thiết kế, quá trình thi công hạng mục đập đất của nhà thầu thi công để có biện pháp xử lý triệt để. Nếu không xử lý dứt điểm được các sự cố trên, huyện sẽ không nhận bàn giao công trình. Bởi có nhận công trình mà dân không có nước để phục vụ sản xuất cũng bằng không”, ông Tuấn nói.

Ngoài việc thân đập bị thấm nước nhiều điểm, dọc đê chắn sóng cũng xuất hiện nhiều các vết nứt…

{keywords}
Nguyên đơn của của đê chắn sóng bị nứt toác

Ông Đậu Mạnh Hiệp, Trưởng phòng Điều hành Dự án 3, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, về nguyên tắc, đập đất được phép thấm qua thân, nhưng quan trọng nó thấm ra chỗ nào.

“Hiện đơn vị thi công đã khắc phục, tuy nhiên vẫn đang còn hiện tượng nước thấm qua thân đập. Việc thấm theo hướng nào ra cũng chưa được xác định. Còn các vết nứt trên đê chắn sóng, khi đơn vị đi kiểm tra chưa có, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại và khắc phục ngay”, ông Hiệp cho biết.

Lê Dương

Đập ở Thanh Hóa vừa đầu tư 9 tỷ nâng cấp đã nứt

Đập ở Thanh Hóa vừa đầu tư 9 tỷ nâng cấp đã nứt

Đập Đá Bàn ở xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) được đầu tư gần 9 tỷ đồng để nâng cấp nhưng đến nay chưa thể bàn giao do thân đập bị thấm nước, xuất hiện nhiều vết nứt.