Chủ động, tích cực áp dụng công nghệ số

Ngay trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, công nghệ số đã khẳng định sự cần thiết, góp phần hiệu quả phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh, quản lý, vận hành xã hội. Đồng thời khôi phục, duy trì và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, Sở cũng triển khai sâu rộng việc sử dụng các ứng dụng như: Bluezone, nền tảng QR và khai báo y tế điện tử, thiết lập kênh Zalo của Ban Chỉ đạo tỉnh, Bản đồ số kiểm soát dịch bệnh tỉnh; phần mềm phòng, chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 trong doanh nghiệp...

{keywords}
Chuyên trang về phòng, chống dịch Covid-19 và ứng dụng Smart Thanh Hóa.

Ông Trần Ngọc Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa) cho biết, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động triển khai đưa chuyên trang về phòng, chống dịch Covid-19 vào thực tiễn.

Chuyên trang thông tin phòng, chống dịch bệnh tỉnh Thanh Hóa tại địa chỉ: http://covid19.thanhhoa.gov.vn nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo Covid-19 tỉnh. Chức năng của trang cho phép thông báo, cập nhật thông tin mới về dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, tại Việt Nam và trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tổng hợp các văn bản chỉ đạo về phòng, chống Covid-19 của Trung ương cũng như của tỉnh Thanh Hóa. Cung cấp hệ thống tài liệu hỏi đáp, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch dưới dạng tệp, âm thanh, video...

Ngoài ra, cho phép người dân phản ánh về các trường hợp nghi có người nhiễm Covid-19, lợi dụng tình hình dịch bệnh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; phản ánh giá cả thị trường trang thiết bị y tế đến các cơ quan chức năng liên quan; giám sát, phản ánh về các trường hợp cách ly trong cộng đồng.…

Ngoài chuyên trang thông tin phòng, chống dịch Covid-19 nói trên, mới đây Sở Thông tin và Truyền thông cũng tiếp tục phát triển ứng dụng phần mềm Smart Thanh Hóa trên nền tảng di động (Android, iOS).

Khi cài đặt ứng dựng Smart Thanh Hóa, các cơ quan chức năng có thể theo dõi, giám sát được các trường hợp F1,2,3 đang được cách ly tại nhà, cách ly tập trung có thực hiện đúng theo quy định hay không. Trường hợp đối tượng đang trong diện cách ly mà bỏ đi nơi khác, lập tức thông qua phần mềm này sẽ báo về hệ thống.

Ứng dụng Smart Thanh Hóa cũng tích hợp bản đồ, dịch tễ hỗ trợ theo dõi, giám sát và xác định mức độ lây lan dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Những kết quả nổi bật

Theo thống kê của Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, chuyên trang thông tin điện tử https://covid19.thanhhoa.gov.vn được đưa vào sử dụng từ tháng 4/2020, đến nay đã có hơn 140.800 lượt người truy cập; kênh Zalo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh có hơn 32.900 người dùng quan tâm, theo dõi; đã hỗ trợ gửi 14.653.000 lượt tin nhắn về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, ứng dụng Smart Thanh Hóa có gần 15.000 lượt người tải và cài đặt trên thiết bị di động thông minh; ứng dụng Bluezone có 615.025 người tải và ứng dụng.

Đặc biệt, Bản đồ kiểm soát dịch bệnh Thanh Hóa cung cấp đầy đủ thông tin về điểm bán hàng thiết yếu; trạm y tế, điểm khai báo y tế; địa điểm xét nghiệm Covid-19; khu vực phong tỏa, điểm cách ly tại nhà. Trên bản đồ chia theo các mức độ nguy cơ tương ứng với các màu sắc khác nhau; cung cấp hơn 300 điểm bán hàng thiết yếu theo hình thức trực tuyến trong tỉnh và sẽ được cập nhật thường xuyên.

Hiện tại, tỉnh Thanh Hóa còn có 207 doanh nghiệp ứng dụng phần mềm phòng, chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 trong doanh nghiệp. Hệ thống Tổng đài tự động truy vết phòng chống dịch Covid-19 đã thực hiện hơn 26.500 cuộc gọi đến các đối tượng F1, F2 và hơn 31.900 cuộc gọi đến các đối tượng từ vùng dịch trở về địa bàn tỉnh, Hệ thống cũng tiếp nhận hơn 8.100 cuộc gọi từ người dân vào tổng đài để khai báo y tế; ghi nhận và chuyển Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hỗ trợ 287 cuộc gọi của người dân có dấu hiệu bất thường về sức khỏe; đã phối hợp lắp đặt, vận hành tại 46 điểm cách ly tập trung với 157 camera…

Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các đơn vị tăng cường điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử. Hiện nay, 100% các cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và trên 99% UBND cấp xã đã thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Tỷ lệ ký số cá nhân đạt trên 98,5%, tỷ lệ ký số cơ quan đạt trên 99%; tỷ lệ văn bản được gửi hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 99,8%.

Toàn tỉnh hiện có 356 điểm cầu hội nghị truyền hình trực tuyến, gồm 40 điểm cầu tại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện và 316 điểm cầu UBND cấp xã thuộc 14 huyện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Điển hình như  việc triển khai ứng dụng nền tảng tiêm chủng Covid-19 tại các điểm tiêm chủng chưa triệt để và khoa học, các bước tiêm và cơ sở dữ liệu tiêm chủng, đối tượng tiêm vẫn còn chủ yếu thực hiện thủ công. Ngoài ra, việc thiếu nhân lực, trang thiết bị công nghệ thông tin tại các cơ sở tiêm chủng ảnh hưởng nhiều đến tiến độ cập nhật dữ liệu tiêm chủng...

Thanh Hà