Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956) của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đề ra mục tiêu mỗi năm sẽ đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ công chức xã. Đề án được chia làm nhiều giai đoạn: giai đoạn 2009 - 2010; giai đoạn 2011 – 2015 và giai đoạn 2016- 2020.
Nông dân sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức để thoát đói, giảm nghèo. Ảnh minh họa |
Chi 7 tỷ đồng để triển khai Đề án 1956
Triển khai Đề án 1956, Thanh Hóa đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” từ cấp tỉnh đến xã và xây dựng quy chế hoạt động để thực hiện.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng đã phê duyệt phân bổ kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người khuyết tật thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019. Tổng dự toán kinh phí phân bổ cho chương trình là 7 tỷ đồng.
Cụ thể, dạy nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn là 6 tỷ đồng; dạy nghề cho người khuyết tật là 1 tỷ đồng. Mức hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn cho học viên tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng theo quy định tại quyết định số 3443/QĐ-UBND ngày 12/9/2017 và quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 19/1/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hoá hiện có 87 cơ sở dạy nghề (47 cơ sở dạy nghề công lập và 40 cơ sở dạy nghề ngoài công lập). Để xây dựng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì và phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân tỉnh các huyện, thị xã, thành phố điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bồi dưỡng cán bộ, công chức trên địa bàn, đồng thời, xây dựng danh mục các nghề, soạn thảo giáo trình, chương trình dạy nghề...
Các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đều phát huy hiệu quả
Trong giai đoạn hiện nay, Thanh Hóa chọn huyện Nga Sơn (vùng biển) và huyện Thọ Xuân (vùng đồng bằng trung du) làm thí điểm 2 mô hình dạy nghề nông và mô hình dạy nghề phi nông nghiệp. Về đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, đề án của Thanh Hóa đặt ra mục tiêu sẽ hoàn thiện vào năm 2013.
Riêng đối với 7 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, sẽ triển khai lập dự án đầu tư xây dựng các trung tâm dạy nghề ngay tại địa phương. Tính đến ngày 14/5/2010 đã có 16/27 huyện, thị xã, thành phố nộp đề án.
Theo kế hoạch, vào năm 2011, năm đầu tiên thực hiện đề án, tỉnh Thanh Hoá đặt ra mục tiêu đưa tỷ lệ lao động đào tạo đạt trên 43%, trong đó dạy nghề trên 29%, tuyển đào tạo nghề cho 58.500 người.
Đánh giá hiệu quả từ các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, bà Nguyễn Thị Hương, Phó trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, cho biết: Hầu hết các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đều phát huy hiệu quả.
Thông qua các mô hình góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho người học nghề có cơ hội tìm việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ngọc Anh