"Nhà nước vừa có quyết định thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa MobiFone".

TIN BÀI KHÁC
Giải mã bí ẩn của những chiếc điện thoại Samsung, LG,…
Ngày hội của các "đại gia" công nghệ
Những thắc mắc phổ biến nhất về TV HD
10 thiết bị công nghệ ngốn điện nhất

Thông tin trên được ông Phan Hoàng Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tiết lộ tại buổi tọa đàm trên kênh VTC2 với chủ đề “Viễn thông Việt Nam và một năm không yên lành”, diễn ra tại Hà Nội, ngày 24/4.

Ông Đức cho biết, hiện tại, tiến trình cổ phần hóa MobiFone vẫn đang được triển khai, nhưng do MobiFone là một doanh nghiệp có giá trị rất lớn và đây là giá trị của Nhà nước, nên nhà Nước phải thận trọng trong quá trình chỉ đạo tiến trình cổ phần hóa của MobiFone.

Theo lời ông Đức, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo tìm kiếm đối tác chiến lược tham gia quá trình cổ phần hóa MobiFone. Bên cạnh đó, do việc cổ phần hóa của MobiFone hết sức đặc thù và được chỉ đạo trực tiếp từ chủ sở hữu, "vì thế, ban chỉ đạo cổ phần hóa của MobiFone là do Chính phủ quyết định, chứ VNPT không có quyền quyết định", ông Đức cho hay.

Chính vì vậy, việc thực hiện cổ phần hóa MobiFone, vấn đề quan tâm lúc này là làm sao phải đảm bảo lợi ích của quốc gia, vì Mobifone sẽ tham gia thị trường quốc tế, đồng thời doanh nghiệp này cần tìm được đối tác tốt không chỉ có có vốn, công nghệ mà còn có kinh nghiệm quản lý.    

Cách đây chưa lâu, trả lời VnEconomy, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết, trong năm 2011, bắt buộc MobiFone phải thực hiện cổ phần hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Minh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, Chủ tịch Hội đồng Thành viên của MobiFone cũng khẳng định, MobiFone lúc nào cũng sẵn sàng cổ phần hóa và vẫn đang chờ sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Theo Nghị định 25/2011/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành và sẽ hiệu lực từ 1/6, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông.

Điều đó đã đặt ra những khả năng như VNPT hoặc là sẽ phải hợp nhất hai mạng MobiFone và VinaPhone hoặc là phải cổ phần hóa một trong hai mạng (nhưng cũng không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần). Và nhiều thông tin nhìn nhận, khả năng VNPT thực hiện hợp nhất hai mạng di động của mình sẽ cao hơn vì để đảm bảo lợi ích của tập đoàn này.

Tuy nhiên, với thông tin được ông Phan Hoàng Đức tiết lộ, cùng với khẳng định của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp và ông Lê Ngọc Minh thì việc cổ phần hóa MobiFone sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới.

M. Chung (Theo VnEconomy)