Với những cáo buộc đã quá rõ ràng, Van-Seyla Mork, 25 tuổi hiện sống tại Kalamazoo, Michigan đã thừa nhận mọi hành vi trước tòa án liên bang San Jose, Mỹ.

Thanh niên “chơi chiêu” trả hộp rỗng và lừa Apple 1 triệu USD đối diện với bản án lên tới 40 năm tù - Ảnh 1.

Chiêu trò của Mork là sử dụng chính sách hoàn tiền của Apple để lừa lấy tiền của hãng bằng cách gửi trả lại các vỏ hộp điện thoại rỗng với lý do không nhận được hàng từ cửa hàng trực tuyến của Apple.

Thay mặt cho khách hàng (thực tế đã nhận được sản phẩm và nói dối rằng chưa nhận được), Mork sẽ gọi cho bộ phận hỗ trợ của Apple và khẳng định chỉ nhận được một hộp trống khi nhận hàng. Sau khi xác minh thông tin, phía Apple sẽ hoàn lại tiền cho phía khách hàng. Số tiền này được Mork cất giữ trong nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau nhằm đánh lạc hướng nếu có điều tra.

Khi thừa nhận tội danh, Mork khẳng định đã biết các khách hàng nhận được máy. Tuy nhiên làm thế nào để Mork có thể thu thập được các khoản tiền trên và cách anh này liên hệ với các khách hàng kia như thế nào vẫn chưa được làm sáng tỏ. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang tích cực tìm hiểu thêm các chi tiết còn dấu kín và các đồng phạm với Mork.

Thanh niên “chơi chiêu” trả hộp rỗng và lừa Apple 1 triệu USD đối diện với bản án lên tới 40 năm tù - Ảnh 2.

Cách thức lừa đảo theo dạng hộp rỗng này không hẳn quá mới nhưng nó vẫn còn giữ nguyên tác dụng đối với một số hãng như Apple. Dạng lừa đảo này thường lợi dụng chính sách hoàn tiền bằng cách tạo "hiện trường giả" và đánh lừa bên bán rằng họ không nhận được hàng vì một lý do nào đó. Trong đa số trường hợp, các nhà cung cấp thường phải hoàn lại tiền.

Trước đây, các trang thương mại điện tử như Amazon hay eBay cũng từng gặp phải trường hợp tương tự nên đã thay đổi chính sách giao nhận hàng. Theo đó, nếu khách hàng sau khi xem hàng và ký nhận gói hàng từ nhân viên vận chuyển sẽ không được phép hoàn trả lại nhà cung cấp nữa. Đây là cách chuyển trách nhiệm sang cho khách hàng nhằm tránh các vụ việc lợi dụng chính sách hoàn tiền.

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, đôi khi khách hàng phải nhận các gói hàng thực sự không có gì bên trong.

Van-Seyla Mork nhận cáo buộc với tội danh âm mưu lừa đảo qua đường dây viễn thông, 5 tội danh lừa đảo qua mạng và 4 tội danh rửa tiền. Mặc dù vậy nhờ bào chữa, Mork chỉ còn phải nhận hai tội danh lửa đảo và rửa tiền. Tội gian lận và lừa đảo qua điện thoại có nguy cơ phải ngồi tù tối đa 20 năm và phạt số tiền 250 ngàn USD. Trong khi đó, hình phạt tối đa cho tội rửa tiền là 20 năm tù và khoản tiền phạt 500 ngàn USD.

Dự kiến, toàn sẽ tuyên án chính thức về bản án của Mork vào ngày 21/10 tới đây.

Cách đây không lâu, Apple cũng dính phải một vụ lừa đảo khác khi hai sinh viên kỹ thuật Trung Quốc tại Oregon, Mỹ đã lợi dụng chính sách đổi sản phẩm mới của Apple để lừa đảo số tiền lên tới gần 1 triệu USD. Có thể thấy, chính sách giám sát bảo hành, đổi trả sản phẩm hay hoàn tiền của Apple đang có vấn đề và hãng cần sớm giải quyết để tránh những thiệt hại về sau này.

Tham khảo Apple Insider