Ví điện tử MoMo vừa công bố đạt 20 triệu người dùng vào tháng 9/2020, sau đúng 10 năm ra mắt thị trường. Theo các thống kê, MoMo hiện dẫn đầu các ví điện tử về lượng người dùng lẫn nhận diện thương hiệu.  

{keywords}
Một quán ăn nhỏ tại TP.HCM cho phép thanh toán bằng ví điện tử. (Ảnh: Hải Đăng)

MoMo ghi nhận tăng trưởng người dùng mạnh mẽ trong 5 năm trở lại đây. Đầu năm 2015, lượng người dùng MoMo ở mức 500.000, sau đó tăng lên 20 triệu tài khoản vào tháng 9 năm nay. Đặc biệt trong 2 năm gần đây, lượng người dùng ví này đạt mức tăng gấp đôi mỗi năm, từ 10 triệu vào thời điểm đầu năm 2019, và chạm mốc 20 triệu vào đầu tháng 9/2020. 

Sự tăng trưởng của MoMo nằm trong làn sóng đi lên của ngành fintech tại Việt Nam. Dễ thấy nhất là hai khoản đầu tư lớn nhất Việt Nam vào năm 2018 và 2019 đều rót vào bản thân MoMo và VNPay, với giá trị mỗi thương vụ lên tới hàng chục và hàng trăm triệu USD. 

Trong sách trắng về thanh toán điện tử ở châu Á do IDC phát hành hồi tháng 4/2020 cũng ghi nhận vai trò của Chính phủ trong việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam. Theo đó, Chính phủ hướng đến việc giảm sử dụng tiền mặt trong hệ thống tài chính thông qua rất nhiều cơ chế tiền tệ, bao gồm tích hợp ví điện tử trong việc xử lý các giao dịch công trực tuyến.

Báo cáo này nhận định sự kết hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp sẽ tạo động lực để Việt Nam hạn chế dùng tiền mặt trong tương lai.

Về phía người dùng, báo cáo của các nền tảng thương mại điện tử, ứng dụng gọi xe, ví điện tử... đều ghi nhận sự gia tăng của thanh toán kỹ thuật số. Do Covid-19, tỷ lệ giao dịch không tiền mặt càng tăng lên mạnh mẽ.

Một nghiên cứu công bố hồi tháng 5 của Visa cũng chứng minh rằng người Việt đang giảm thanh toán bằng tiền mặt. Theo đó, khảo sát thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện cho thấy 74% người tiêu dùng tại Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng cường thanh toán không tiền mặt trong 12 tháng tới. 

Số liệu từ mạng lưới xử lý thanh toán của Visa cho hay, tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam bằng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ Visa tăng 39% và tổng số giao dịch tăng 54% so với năm trước.

Sáu tháng đầu năm 2020, tổng số lượng và tổng giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống NAPAS tăng lần lượt 138% và 140,5% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Lý do người Việt tăng cường dùng thẻ thanh toán và ví điện tử là do tính dễ sử dụng, nhanh chóng và thuận tiện. Có 70% người tham gia khảo sát cho biết sử dụng thanh toán di động ít nhất một lần một tuần, trong đó 21% sử dụng mỗi ngày, theo khảo sát của Chimigo.

Sau khi đạt 20 triệu người dùng, ví điện tử “Make in Vietnam” đặt tham vọng trở thành siêu ứng dụng. Công ty đặt mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng số cho cho ngành bán lẻ và dịch vụ tại Việt Nam để mỗi người dân Việt Nam có thể tiếp cận mọi dịch vụ họ cần trên ứng dụng MoMo. 

Mô hình siêu ứng dụng sẽ được triển khai trong Quý IV/2020. Công ty sẽ xây dựng nền tảng để các đối tác nhỏ bé, đơn lẻ (như các tiểu thương, người bán hàng rong, các công ty khởi nghiệp...) có thể bán hàng và thanh toán trực tuyến.

Hải Đăng

Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh

Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh

Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng nhanh, đặc biệt thời gian trong và sau dịch bệnh.