Chiều ngày 24/12, tại Hà Nội, Thanh tra Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thanh tra Ngành TT&TT năm 2019 và định hướng công tác thanh tra năm 2020. Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn tới dự và chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 64 điểm cầu.
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ TT&TT, năm 2019, ngành thanh tra TT&TT đã chuyển mạnh từ thanh tra sang giám sát, nắm tình hình, thu thập thông tin, phát hiện cảnh báo sớm; chuyển dịch từ thanh tra định kỳ sang thanh tra các vấn đề nóng, phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Tiến hành công khai các kết luận thanh tra trên Cổng TTĐT của Bộ để cơ quan báo chí và nhân dân biết, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cũng trong năm 2019, Thanh tra toàn Ngành TT&TT đã triển khai tổng cộng hơn 1.200 cuộc thanh tra tại gần 4.100 đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, đại lý hoạt động trong các lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin, Tần số Vô tuyến điện, Báo chí, Xuất bản, Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử.…
Cụ thể, đối với thanh tra chuyên ngành; Cục Tần số vô tuyến điện và 08 Trung tâm Tần số vô tuyến điện đã thực hiện thanh tra theo kế hoạch 26 cuộc; Thanh tra đột xuất 01 cuộc; Kiểm tra theo kế hoạch 146 cuộc; Kiểm tra đột xuất 264 cuộc. Các cuộc thanh tra, kiểm tra phát hiện 277 tổ chức, cá nhân vi phạm. Nội dung vi phạm chủ yếu phát hiện qua thanh tra, kiểm tra là các vi phạm về sử dụng thiết bị vô tuyến điện không có giấy phép, sử dụng tần số vô tuyến điện không đúng tần số quy định trong giấy phép;
Cục Viễn thông tiến hành 13 cuộc thanh tra trong đó 12 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 01 cuộc thanh tra đột xuất đối với 13 tổ chức. Kết quả sau khi thanh tra các doanh nghiệp viễn thông đã chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục thiếu sót, tồn tại và nghiêm chỉnh thực hiện các kiến nghị và quyết định xử lý vi phạm của Cục Viễn thông;
Cục Báo chí đã tiến hành thanh tra 05 cuộc thanh tra đối với 05 tổ chức. Các vi phạm chủ yếu phát hiện qua thanh tra là; vi phạm các quy định của pháp luật về nội dung thông tin; vi phạm các quy định của pháp luật về tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo; vi phạm các quy định của pháp luật về quyền tác giả;
Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử tiến hành thanh tra 07 cuộc thanh tra; ban hành 19 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là hơn 500 triệu đồng;
Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tiến hành 04 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về xuất bản, in, phát hành; tiến hành 01 cuộc kiểm tra đột xuất và 12 cuộc kiểm tra theo kế hoạch liên ngành. Qua thanh tra đã nhắc nhở và chấn chỉnh các đơn vị thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động xuất bản.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ đã bám sát việc xây dựng các văn bản quy định trực tiếp trong lĩnh vực công tác thanh tra được Chính phủ, Bộ trưởng giao, gồm: Hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản và hoạt động in thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; Hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thay thế Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện; Xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành văn bản số 3139/BTTTT-TTra ngày 17/9/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố về việc thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động.
Công tác tiếp công dân tại Bộ TT&TT, các đơn vị thuộc Bộ được duy trì thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và Quy chế tiếp công dân của Chính phủ. Cũng trong năm qua,Bộ TT&TT đã tiếp 27 lượt công dân (21 vụ việc), trong đó, Lãnh đạo Bộ trực tiếp tiếp 03 lượt, không có vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp. Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Bộ đã nhận được 814 đơn, trong đó có 691 đơn đủ điều kiện xử lý (bao gồm: 85 đơn tố cáo; 342 đơn khiếu nại; 264 đơn kiến nghị, phản ánh)...
Tại Hội nghị, đã có nhiều ý kiến thẳng thắn đóng góp ý kiến, đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động thanh tra Ngành TT&TT phát triển.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đánh giá cao các hoạt động thanh tra Ngành TT&TT trong năm 2019 vừa qua và cơ bản nhất trí với các phương hướng, nhiệm vụ thanh tra ngành TT&TT đặt ra trong năm 2020. Thứ trưởng yêu cầu, lưc lượng thanh tra trong ngành TT&TT cần chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị với nhau, nhất là các Cục có chức năng thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Sở và các đơn vị có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với Thanh tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, để kế hoạch công tác thanh tra năm 2020 đạt hiệu quả cao nhất, góp phần vào việc hoàn thành xuất sắc chương trình công tác của Bộ năm 2020.
Đặc biệt, trong năm 2020, lực lượng thanh tra cần tập trung thanh - kiểm tra chuyên ngành là chính; các Sở TT&TT thanh tra chuyên ngành về mặt nghiệp vụ, tránh tình trạng gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp, người dân. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải đặt vấn đề thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Đồng thời, Thanh tra Bộ TT&TT cần tập hợp các ý kiến, kinh nghiệm hay được chia sẻ tại Hội nghị của các Sở TT&TT, doanh nghiệp và giải đáp công khai trên Cổng TTĐT của Bộ.
Mặt khác, thanh tra ngành TT&TT cần tập trung kiện toàn bộ máy để hoạt động có hiệu quả hơn trong thời gian tới và có sự phối hợp chặt chẽ để cung cấp, chia sẻ thông tin với các cơ quan có liên quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Mặt khác, cán bộ, công chức thanh tra ngành TT&TT cần giữ được cái tâm trong sáng, nâng cao bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp nhằm thực hiện thắng lợi chương trình, kế hoạch công tác năm 2020.