- UBND TPHCM vừa phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Thảo Cầm Viên Sài Gòn, tại địa điểm số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1.

Về giới hạn khu vực quy hoạch, phía Đông Bắc: giáp hành lang bảo vệ Rạch Thị Nghè rộng khoảng 20 m. Phía Đông Nam: giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đến Cầu Thị Nghè 2). Phía Tây Nam: giáp đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, lộ giới 20m. Phía Tây Bắc: giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai, lộ giới 35m.

{keywords}

Thảo Cầm Viên Sài Gòn nhìn từ trên cao

Tính chất của khu vực quy hoạch: là vườn thực vật của TP, công viên bách thảo đa chức năng.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn có diện tích dự kiến quy hoạch 16,770 ha, bao gồm các khu chức năng chính như sau: hệ thống thảm cỏ, cây xanh, mặt nước (12,032 ha); khu hành chánh - văn phòng (0,07 ha); khu vực Chuồng trại nuôi thú (1,536 ha); khu phụ trợ, nhà vệ sinh, trạm nghỉ chân, biển hướng dẫn (0,11ha); khu vực kinh doanh và dịch vụ (0,56 ha); khu vực sân bãi đậu xe (0,280 ha); hệ thống giao thông (2,182 ha)…

Thảo Cầm Viên Sài Gòn (tên gọi tắt: Thảo Cầm Viên, người dân quen gọi Sở thú) là công viên bảo tồn động vật - thực vật ở TPHCM, Việt Nam. Đây là vườn thú có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới.

Khuôn viên rộng lớn này hiện tọa lạc gần hạ lưu kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với hai cổng vào nằm ở số 2B đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và số 1 đường Nguyễn Thị Minh Khai phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã được tu sửa nhiều lần. Năm 1924 – 1927 được trải nhựa đường nội bộ trong khuôn viên, xây dựng các chuồng thú có quy mô lớn và kiên cố như chuồng lồng tròn để nuôi khỉ, chuồng cọp v.v...

Năm 1956 được tu sửa, tái thiết và đổi tên là Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Năm 1984, Thảo Cầm Viên được xây dựng mới nhiều hạng mục công trình, như: kè đá dọc kênh Thị Nghè, cải tạo hệ thống thoát nước và hệ thống dây điện trần, trải nhựa và bê tông đường nội bộ, xây dựng tường rào dọc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm...

Đặc biệt là từ năm 1990, nhiều chuồng thú được cải tạo và mở rộng cho phù hợp với đời sống của từng loài thú, đã nâng tổng diện tích chuồng thú sau năm 1975 từ 8.500 mét vuông lên đến năm 2000 là 25.000 mét vuông.

Trước đó, có một số thông tin trên mạng xã hội, diễn đàn cho rằng sẽ di dời thú quý hiếm, động vật hoang dã từ Thảo cầm viên Sài Gòn đi nơi khác để phục vụ dự án xây dựng cao ốc văn phòng, giao thông.

Tuy nhiên, với việc TPHCM công bố quy hoạch 1/500 cho thấy các thông tin, lo ngại trên là thiếu căn cứ. Việc chuyển thú (nếu có) chỉ là di chuyển bớt một số thú về vườn thú tại Công viên Safari (H.Củ Chi) để nuôi dưỡng, chăm sóc.   

V.Đ