Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc dự kiến sẽ được khởi công tháng 6/2015 bằng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản và hoàn thành xây dựng hạ tầng vào năm 2018.
Mô hình khu trung tâm công nghệ cao Hòa Lạc |
Ngày 29/1, Ban quản lý khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc đã làm việc với UBND TP Hà Nội để phối hợp trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư.
Theo Trưởng ban Quản lý khu CNC Hòa Lạc Phạm Đại Dương, tính đến thời điểm hiện tại, đã giải phóng mặt bằng được 990 ha, xây dựng cơ bản hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến tháng 6/2015 sẽ khởi công xây dựng dự án Phát triển cơ sở hạ tầng khu CNC Hòa Lạc bằng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản và hoàn thành công tác xây dựng hạ tầng năm 2018.
Về thu hút đầu tư, có 69 dự án đã được cấp giấy chứng nhận với tổng số vốn đăng ký khoảng 57 nghìn tỷ đồng trên diện tích khoảng 345 ha. Đến nay đã có 28 dự án triển khai hoạt động trên diện tích khoảng 100 ha, 9 dự án đang thi công xây dựng trên diện tích khoảng 28 ha.
Theo ông Phạm Đại Dương, có 4 điều kiện để xây dựng thành công khu CNC Hòa Lạc. Đó là quy hoạch tốt, có đủ vốn để triển khai cơ sở hạ tầng, có cơ chế ưu đãi, môi trường đầu tư và sự ủng hộ của các nhà đầu tư. Đến thời điểm này, khu CNC Hòa Lạc đã có 3/4 điều kiện thành công, chỉ còn điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng và GPMB là điểm “vướng” cần giải quyết dứt điểm.
Thực tế, nhiều hộ dân tái định cư đã nhận tiền đền bù nhưng không có đất định cư nên chưa thể di dời. Tổng nhu cầu tái định cư của khu CNC Hòa Lạc khoảng gần 1.300 suất và hơn 1.400 hộ dân phải trả đất dịch vụ. Đến nay, Hà Nội mới hoàn thành một khu tái định cư 7,8 ha, đáp ứng được một phần nhỏ các suất tái định cư.
Tại buổi làm việc, Ban quản lý khu CNC Hòa Lạc đã đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Thạch Thất, Quốc Oai và các cơ quan liên quan quyết liệt hoàn thành kế hoạch GPMB theo chỉ đạo của Thủ tướng, đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch để khởi công dự án phát triển cơ sở hạ tầng bằng vốn vay ODA Nhật Bản trong tháng 3/2015. Đồng thời, xây dựng kết nối hạ tầng khu CNC Hòa Lạc với quốc lộ 21 và đại lộ Thăng Long.
Cụ thể: Kết nối giao thông khu CNC Hòa Lạc với đường gom của đại lộ Thăng Long và quốc lộ 21, kết nối giao thông từ làn đường cao tốc và làn đường gom của đại lộ Thăng Long để đi vào khu CNC Hòa Lạc, mở rộng đường dẫn của cầu vượt Bắc Phú Cát, kết nối hạ tầng ngang qua đại lộ Thăng Long, cung cấp thông tin về hệ thống đường sắt và nhà ga tàu điện.
Hiện, Ban quản lý khu CNC cũng đang gấp rút hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu CNC Hòa Lạc đến năm 2030 để trình Thủ tướng phê duyệt trong quý I/2015.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã có chỉ đạo cụ thể các sở, ban, ngành liên quan cùng phối hợp để đẩy nhanh tiến độ GPMB, quản lý môi trường, quản lý đô thị, an ninh trật tự và thực hiện tái định cư cho người dân.
Ông Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu hai huyện Quốc Oai và Thạch Thất chủ động rà soát chính sách đặc thù để kịp thời đề xuất, báo cáo Ban chỉ đạo GPMB thành phố kết quả thực hiện cũng như khó khăn, vướng mắc để giải quyết theo quy định. Trong trường hợp có thắc mắc, kiến nghị thì kịp thời chỉ đạo, giải quyết theo quy định của luật Khiếu nại; tăng cường tuyên truyền, vận động để người bị thu hồi đất hiểu, đồng thuận với chủ trương thu hồi đất của Nhà nước. Trường hợp đã thực hiện đầy đủ các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đã tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhưng người bị thu hồi đất vẫn cố tình không chấp hành, cần có biện pháp kiên quyết để thu hồi đất theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND TP giao hai huyện trên tổng hợp nguồn tài chính, tập trung giải ngân có hiệu quả, không để xảy ra tình trạng không sử dụng hết nguồn vốn đã được bố trí. Mặt khác, các huyện cũng chủ động đề xuất phương án bố trí, sử dụng kinh phí còn thiếu để phục vụ cho công tác GPMB của dự án khu công nghệ cao Hoà Lạc, GPMB các dự án tái định cư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư được đảm bảo.
Theo VGP