- Thảo luận dự thảo luật Tiếp công dân tại UB Thường vụ QH hôm nay (16/8), Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc thấy quy định về trách nhiệm người đứng đầu trong tiếp công dân còn “nhẹ”.

“Cái chính là trách nhiệm người đứng đầu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, bức xúc của dân”, ông Hạnh Phúc nói. “Còn nếu chỉ cử cán bộ ra tiếp thì chỉ là tiếp cho xong, chỉ là nhận đơn”.

Phản ánh thực tế việc tiếp dân mà có người đứng đầu cơ quan sẽ thiết thực, hiệu quả hơn, Chủ nhiệm VPQH không hài lòng khi thấy quy định trong dự thảo luật còn “nhẹ” quá.

Dự thảo luật chỉ nói chung chung “tiếp công dân là trách nhiệm thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, tổ chức và quản lý hoạt động tiếp công dân, đồng thời trực tiếp thực hiện”.

Theo ông Hạnh Phúc, nếu không quy định rõ ràng, “họ cứ tránh, cứ ủy quyền cho người khác, thì trách nhiệm đến đâu, cơ quan nào giải quyết”.

Chủ nhiệm VPQH lấy ví dụ: dự luật cho phép người đứng đầu, khi có nhiều người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tập trung, có thể cử cán bộ hoặc trực tiếp tiếp người đại diện cho công dân.

“Khiếu kiện đông người tức là rất bức xúc rồi, trở thành ‘điểm nổ”, cần ‘tháo van’ mà chỉ cử cán bộ đến thì sao giải quyết được, khi ấy nhất định phải là người đứng đầu xuất hiện”, ông Hạnh Phúc nói.

{keywords}
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Lê Anh Dũng

Dân đứng ngoài thì cán bộ có ra gặp không?

Chủ nhiệm VPQH đề nghị trụ sở tiếp dân cũng tổ chức theo mô hình “một cửa”: Không chỉ nhận và chuyển đơn thư mà cũng chính là nơi người dân đến để nhận câu trả lời từ các cơ quan chức năng.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh QH Nguyễn Kim Khoa đồng tình: Trụ sở tiếp công dân không có chức năng giải quyết khiếu kiện, nhưng phải là nơi trả lời cho dân, đôn đốc các cơ quan đảng, nhà nước giải quyết cho dân.

“Không thì dân lại phải đi đến hết cơ quan này đến cơ quan khác để hỏi, vì không biết đơn đã lòng vòng đi lên đi xuống thế nào”, ông Khoa nói.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Trương Thị Mai cũng muốn trụ sở tiếp dân các cấp phải có sự kết nối, chia sẻ thông tin, thậm chí phối hợp xử lý để dân không phải gửi đơn trùng lắp đi khắp nơi.

Các ủy viên Thường vụ QH cũng băn khoăn về việc trụ sở tiếp công dân có thể có con dấu riêng. Phó Tổng Thanh tra CP Nguyễn Văn Thanh giải trình con dấu này không đồng nghĩa với tư cách pháp nhân mà chỉ để xác nhận để công dân yên tâm.

“Cần có dấu này, vì các trụ sở tiếp dân thường phải làm việc đến 7-8 giờ tối, thời điểm họp QH có khi đến 9-10 giờ, không có dấu đóng đã nhận đơn thì dân nhất định không về”, ông Thanh nói.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, dự thảo luật cho thấy hệ thống các nơi tiếp công dân có quy mô quá lớn.

“Nhưng quy mô này đáp ứng thế nào tình hình thực tiễn, mở nhiều trụ sở thế có dân đến để tiếp không, vì chỉ nhận đơn chứ có cách nào giải quyết được”, ông Sơn nhận định.

Phó Chủ tịch QH phản ánh: Nhiều nơi dân không vào trụ sở tiếp công dân, mà đứng ngoài đường, trước cửa các cơ quan đảng, nhà nước, đặc biệt của trung ương, để hô hào, gây sức ép…

“Nếu công dân không vào trụ sở mà cứ đứng ngoài thì cán bộ có ra ngoài gặp dân không?”, ông Sơn đặt vấn đề.

Phó Tổng thanh tra CP Nguyễn Văn Thanh giải trình rằng “không có ý định phình to bộ máy, nhưng rõ ràng là không thể thu hẹp”.

Các thành viên UB Thường vụ cũng lưu ý những trường hợp dân gây mất trật tự tại trụ sở tiếp công dân, đe dọa thậm chí tấn công cán bộ tiếp dân.

Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý, luật có thể cân nhắc đến “quyền khước từ” của cơ quan này. Nhưng chỉ ở cấp địa phương, “vì thực tế nhiều lãnh đạo địa phương mất rất nhiều thời gian để tiếp những trường hợp vô ích, cù nhầy, không thiện chí”.

“Cấp trung ương thì khác, vì dân đã đến tận cấp này thì đến 80% là oan thật, phải tiếp nghiêm túc”, ông Lý nhận định.

Dự thảo luật Tiếp công dân sẽ được QH cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp tới.

Chung Hoàng