Gần đây, truyền thông đưa tin về một cựu sinh viên đại học có tên Wang Xiaolin được phát hiện chết trong nhà vì không chịu làm việc 14 năm nay. Hàng xóm cho rằng anh chết vì đói.

Ngày 12/3, khi một người hàng xóm nhìn qua cửa số thì thấy cơ thể anh đã cứng. Không ai biết Wang chết từ khi nào. Tin này được lan truyền tai khắp nơi, trong khi dân làng thương tiếc cho anh.

Wang sinh năm 1970 và từng khiến nhiều người trong ngôi làng thuộc tỉnh Hồ Bắc từng phải ghen tị khi năm 1991, anh là người đầu tiên trong làng đỗ đại học. Giáo viên cũ của Wang nhớ lại, khi học tiểu học, Wang rất thông minh, tiếp thu nhanh. Anh từng đứng thứ 3 trong kì thi Toán của huyện Shiyan Yun. Cho đến bây giờ, cô vẫn nhớ rất rõ về anh như một học sinh học giỏi, ngoan ngoãn.

Sau khi tốt nghiệp năm 1995, anh được phân công giảng dạy ở một trường bách khoa.

Mâu thuẫn trong công việc ở trường, anh về nhà sống với mẹ. Rất ít khi giúp mẹ làm đồng, một lần, Wang cãi nhau với mẹ, thậm chí làm mẹ anh gãy xương. Bà mẹ thất vọng về con trai, đã chuyển đến ở với gia đình con gái.

Suốt 14 năm, anh không làm việc, suốt ngày đi lang thang quanh làng. Anh sống nhờ lén lút trộm cắp nông sản của dân làng, hầu hết là thực phẩm còn sống. Trong 2 năm, người ta nhìn thấy anh ngủ trên một tấm ván gỗ vào mùa hè và trong tủ quần áo vào mùa đông.

Chị gái Wang mỗi lần đến đều mang theo đồ ăn. Hàng xóm thấy thương tình, thỉnh thoảng cho anh một ít tiền. Wang dùng tiền đó để mua mì ăn qua ngày. Mùa đông, gần như anh chỉ ăn rau sống. Thậm chí, Wang không có cả bếp để nấu ăn.

Đây là một bi kịch không chỉ với gia đình Wang, mà với cả xã hội và hệ thống giáo dục của Trung Quốc. Hiện tại, có khoảng 65% gia đình Trung Quốc, trong đó bố mẹ vẫn phải chu cấp tài chính cho những đứa con đã trưởng thành. 30% người trẻ đã trưởng thành vẫn sống nhờ cha mẹ.

Rõ ràng, sự nuông chiều và bảo vệ thái quá của cha mẹ đã khiến con cái họ trở nên phụ thuộc và không tự tin.

Cái chết của Wang cũng làm bi kịch hóa sự thất bại của các cơ sở giáo dục – nơi bị giới hạn chỉ bằng việc kiểm tra kiến thức chuyên ngành.

Họ đã thất bại ở những mục đích lớn hơn như phát triển tính cách cho trẻ và giúp trẻ thích nghi tốt hơn với sự phức tạp của cuộc sống hiện đại.

  • Nguyễn Thảo (Theo Chilicity, Chinadaily)