- Mặc dù mua bán sáp nhập (M&A) có vẻ tấp nập nhưng thực tế, có tới 60-90% thương vụ thất bại. M&A cũng như một cuộc hôn nhân cần sự tìm hiểu kỹ từ hai phía.

Vội vã "cưới" để rồi trục trặc

Một thông tin bất ngờ được GS.Nigel Denscombe, nhà tư vấn quản trị chiến lược quốc tế đưa ra tại Hội thảo mới đây, theo nghiên cứu, có tới 80% doanh nghiệp cảm thấy không hài lòng sau khi tiến hành các thương vụ M&A.

Nguyên nhân là bởi nhiều DN thường tập trung vào việc làm thế nào để đàm phán một thương vụ M&A thành công thì lại hay bỏ qua những chiến lược để làm việc với đối tác sau đó. Ông Nigel Denscombe đánh giá: “Tôi nhận thấy các công ty Việt Nam ai cũng nhiệt tình với hoạt động mua bán sáp nhập, nhăm nhe chốt hợp đồng một cách nhanh chóng mà không tìm hiểu kỹ thông tin, hành động lại dựa trên cảm tính chứ không phải là logic nên dễ mắc sai lầm”.

Theo cách ví von của ông Marc Djandji, Phó Giám đốc Công ty chứng khoán dầu khí PSI, hoạt động M&A đúng như một cuộc hôn nhân, cả hai phải dành ra thời gian để tìm hiểu đối tác của mình là ai, họ mong muốn gì, văn hóa và tính cách của họ thế nào. Bởi lẽ, có hiểu rõ nhau thì mối quan hệ mới bền vững được.

Nguyên nhân khác dẫn tới M&A thất bại, theo ông Carl Gordon, Giám đốc Khối tư vấn M&A thuộc KPMG Vietnam, đó là do bên bán có sự kỳ vọng về mức giá bán một cách không hợp lý, hoặc hai bên có những quan điểm khác nhau về mục tiêu cần đạt được.

{keywords} 

“Nếu bên bán có kỳ vọng hợp lý hơn về mức giá, cũng như có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình soát xét để tránh những bất ngờ không đáng có thì khả năng giao dịch thành công sẽ cao hơn”, ông Carl Gordon phân tích.

Bên cạnh đó, có những thương vụ mà ý chí bên mua - bên bán rất thuận, thì lại bị bế tắc vì pháp lý. Quy định pháp lý chi phối trực tiếp hoạt động M&A hiện rất phân tán và nằm ở các văn bản luật và quy định khác nhau, như Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.

Không chỉ mua bằng tiền

Đối với các hoạt động M&A, nhiều tiền không có nghĩa là thành công. GS. Nigel cho rằng, có rất nhiều vấn đề DN cần tính toán trước khi tiến hành M&A như mục tiêu chiến lược, làm sao giữ được nhân tài, làm sao tạo sức mạnh tổng hợp... Ngoài ra, DN cũng không nên thanh toán chi phí M&A tốn kém quá.

Trong các thương vụ M&A, thiếu thông tin là khó khăn lớn nhất, cản trở bên bán, bên mua đi đến thống nhất. Chuyên gia Nhật Bản cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam thường cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc sai lệnh, nên ngay từ những bước đầu đã dẫn các bên đến với nhau theo một con đường sai lầm, từ đó dẫn đến những rắc rối, đổ vỡ về sau.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Tài, đại diện một DN chia sẻ, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam nghĩ một đằng, nói một nẻo. Đó chính là lý do mà đến nay ông vẫn thất bại trong việc đi mua lại các doanh nghiệp trong ngành viễn thông và công nghệ.

“Trong giới tài chính có rất nhiều nhà môi giới chuyên nghiệp. Họ giống như các chàng trai đang tìm kiếm cô gái để cưới làm vợ. Nếu bạn là một cô gái xinh đẹp, thông minh và giỏi giang, thì nhất định họ sẽ tìm đến bạn”, ông Tài chia sẻ.

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam đang là thị trường lớn, dành được sự chú ý đặc biệt của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Giá trị các thương vụ sát nhập tại Việt Nam năm 2012 tăng tới 77% so với năm 2011.

Hiện các công ty có chiến lược đi thâu tóm đang tập trung mục tiêu vào những doanh nghiệp cùng ngành, lĩnh vực để tăng trưởng và phát triển theo chiều ngang, đồng thời phát triển theo chiều dọc chuỗi giá trị; hoặc thâu tóm khác ngành, lĩnh vực để phát triển nhóm công ty đa dạng.

D.Anh