- Thầy cô giáo giỏi luôn là những người mà phụ huynh mong muốn sẽ là tấm gương sáng cho con cái họ. Nhưng mặt khác, những người thầy kém cũng vẫn có ý nghĩa to lớn trong việc giúp lũ trẻ trưởng thành bằng cách không-lặp-lại những khiếm khuyết đó.

Dưới đây là phân tích của cây bút Linda Flanagan trên tờ Huffington Post.

Hình minh họa. Nguồn ảnh: AP

Năm học mới bắt đầu, các bậc phụ huynh lại bận rộn chuẩn bị cho năm học mới của con cái. Trong số những điều được phụ huynh quan tâm nhất là vấn đề chất lượng của giáo viên. Tôi từng không khỏi lo lắng khi biết cậu con trai sắp vào lớp 8 của mình sẽ phải học một ông thầy môn tiếng Anh mà với ông việc phát âm không thể nào chính xác. Chúng tôi sợ thời gian thằng bé phải học với những thầy dạy kém sẽ bị lãng phí và có thể khiến nó thấy chán học, khó chịu, hay bị lừa dối.

Tôi luôn thích những giáo viên giỏi. Bọn trẻ nhà tôi, 13, 15, 16 tuổi, đều được học rất nhiều thầy cô giỏi. Nhưng đôi khi chúng vẫn phải học những môn rất quan trọng và khó với các thầy dạy kém. Mà thường thì những thầy cô này đều không quan tâm lắm tới học sinh hay nhận khuyết điểm trước học sinh.

Không giống như những giáo viên giỏi – với nhiệt huyết, lòng yêu nghề và sự tận tâm – mỗi giáo viên kém lại đều có những nhược điểm riêng của mình. Có thể kể ra bốn dạng cơ bản sau:

Dạng thứ nhất là giáo viên kém về chuyên môn: giả sử như các ông thầy dạy Toán mà không biết phép tính liên quan tới phân số, dạy tiếng Anh mà lại phát âm sai. Thực tế, các bậc phụ huynh thường hay phàn nàn về kiểu giáo viên yếu kém này nhất.

Thứ hai là dạng giáo viên không có óc thực tế, luôn bảo thủ với những quan niệm cũ ngay cả trong lớp học. Giáo viên môn Sinh học của con tôi (lúc 7 tuổi) thiếu thực tế đến mức luôn tin rằng Chúa tạo ra vũ trụ trong vòng bảy ngày và thậm chí còn hỏi cả lớp rằng: “Ai trong lớp này tin vào tiến hóa không?”

Dạng thứ ba là giáo viên thờ ơ với học sinh. Họ thường ghét công việc của mình và có thể cả chuyên môn của mình. Dấu hiệu rõ ràng nhất để nhận biết là sự chậm chễ trong việc trả bài cho học sinh – sau cả tháng, chứ không phải hàng tuần – thậm chí nói thẳng với học sinh rằng các em chỉ cần viết hoàn chỉnh trang đầu của bài viết giữa kỳ là được, vì sẽ không ai đọc được hết những gì các em viết.

Chưa hết, những giáo viên này còn thường xuyên xin nghỉ phép với lý do bệnh nặng hoặc bận việc gia đình. Có giáo viên lại không nhận ra rằng bài vở của mình nhàm chán đến mức học sinh chỉ mong đến ngày nghỉ. Khi cô con gái của tôi (lúc 3 tuổi) thổ lộ “mong ước” này với thầy giáo thì bị thì bị thầy kết luận là “con bé chán học”. Họ đã biến đầu óc luôn muốn khám phá của bọn trẻ trở thành những hòn đá thụ động và thờ ơ trước mọi thứ.

Dạng cuối cùng và đáng nói nhất là mẫu giáo viên độc đoán, hình ảnh thu nhỏ của Mussolini (trùm phát xít Ý) - người luôn chỉ quan tâm sao cho tàu chạy đúng giờ chứ không cần biết có hành khách nào trên tàu hay không.

Một giáo viên kiểu này đã từng dạy tiếng Anh cho con tôi ở trung học, và con bé đã học thuộc lòng đủ thứ quy định: thầy chỉ thu bài viết trên giấy gấp đôi khổ 8½: 11; có điền tên trên góc trên của mỗi trang; bài phải gồm ba đoạn, mở bài, thân bài, và kết luận, nếu không sẽ bị trừ điểm; "PHẢI SÁNG TẠO"; "các em nên nhớ là tôi chỉ gặp các em vào sáng thứ Hai, từ 7:30 đến 7:50", "không ngoại lệ", phải xếp hàng vào lớp, không xô đẩy, và "Tôi không lãng phí thời gian quý giá trên lớp để trả lời những câu hỏi không đâu vào đâu".

Rõ ràng, với việc bắt học sinh phải tuân theo những quy định tùy tiện này, có lẽ giáo viên không muốn để bất cứ “việc học” nào khác cản trở kế hoạch giảng dạy ban đầu của mình. Họ cũng không ngại chỉ trích thậm tệ trò nào làm thiếu bài tập về nhà ngay trước mặt cả lớp.

Nhưng xin hỏi, các con bạn có thể học được gì từ những giáo viên kém chất lượng này? Đằng sau khả năng giảng dạy kém của họ, mỗi giáo viên kém này ít nhất cũng dạy cho bọn trẻ những điều mà chúng không học được từ các nhà giáo giỏi.

Giáo viên trình độ kém dạy cho chúng biết rằng “người có toàn quyền” không phải cái gì cũng biết. Nói cách khác, chỉ vì bạn giữ vị trí có có quyền cao hơn tôi, không có nghĩa là bạn lúc nào cũng đúng. Trong cuộc sống, có khi phải mất nhiều thời gian người ta mới “dám” hiểu thực tế này, và đôi khi là không bao giờ.


Giáo viên trình độ kém dạy cho chúng biết rằng “người có toàn quyền” không phải cái gì cũng biết. Nói cách khác, chỉ vì bạn giữ vị trí có có quyền cao hơn tôi, không có nghĩa là bạn lúc nào cũng đúng. Trong cuộc sống, có khi phải mất nhiều thời gian người ta mới “dám” hiểu thực tế này, và đôi khi là không bao giờ.

Một giáo viên thiếu thực tế sẽ giúp học trò dám thách thức những suy nghĩ lạc hậu. Bạn giải thích thế nào về hóa thạch, khủng long, và gene? Phải chăng tất cả là do Đấng Tạo hóa? Giả dụ như vậy thì có thể đây là một cuộc tranh luận không cân sức giữa người lớn và trẻ nhỏ, nhưng việc được tiếp xúc với những ý kiến không phổ biến hay thậm chí sai lầm sẽ buộc bọn trẻ phải đào sâu suy nghĩ hơn. Cảnh báo: bài học này chỉ áp dụng khi có một người lớn khác luôn lý giải cặn kẽ các vấn đề đứng ở giữa “hai phe” để kiểm chứng thực tiễn.

Điều thể hiện rõ trên khuôn mặt của các ông thầy lười và thờ ơ với học trò là: “Tôi đã chán ngấy rồi, và chắc các em cũng thế”. Nhưng một giáo viên thờ ơ có thể giúp những học sinh năng động biết tự phấn đấu theo đuổi và bảo vệ lợi ích của riêng mình. Em phải tự mình làm điều đó, bởi tôi sẽ không giúp em. Không ỷ lại vào sự giúp đỡ của người lớn và “nhờ” có những ông thầy này mà một số đứa trẻ đã trở nên tự lập hơn. Theo kinh nghiệm của tôi, việc học tốt nhất là khi chỉ có bạn và sách.

Còn những ông thầy kiểu “bạo ngược”? Ở mức độ mà giáo viên quyết định điểm số, yêu cầu cao về bài tập về nhà, và phạt giữ học sinh ở lại lớp sau buổi học, họ kiểm soát cuộc sống của học sinh, và cái sức mạnh đó khó có thể lay chuyển chỉ đơn giản vì thầy vô lý, không chịu hiểu vấn đề hay không tốt bụng.

Nhưng thực tế trong cuộc sống con cái của chúng ta chắc chắn sẽ vấp phải những bất công như vậy. Vậy chúng bắt đầu được học nghệ thuật chất vấn người cầm quyền một cách khéo léo trong khi vẫn tôn trọng, lịch sự và mạnh mẽ ở nơi đâu tốt hơn trường trung học. Những kỹ năng này rất có ích khi chúng phải đi xin cấp lại bằng lái xe, tranh cãi về thanh toán bảo hiểm hay tiền cáp truyền hình. Có một giáo viên như thế sẽ giúp bọn trẻ ý thức được tại sao phải chống lại sự lạm dụng quyền lực trong cuộc sống.

Dĩ nhiên chúng ta đều muốn có “các nhà tư tưởng” thông thái, tận tụy, và sẵn sàng tiếp thu cái mới dạy dỗ con cái chúng ta. Chúng ta muốn những người thầy ấy không ngại nói câu “Ồ, cái này tôi cũng chưa rõ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!” khi đối mặt với ý tưởng xa lạ.

Chúng ta luôn muốn có những người thầy sẵn sàng về muộn, trả lời điện thoại của phụ huynh ngay trong ngày, và thấu hiểu khi nào con cái chúng ta gặp khó khăn hay thấy không thoải mái.

Nhưng cuộc sống vốn không hoàn hảo, ngay cả ở trong trường học cũng vậy. Quan trọng là chúng ta và con cái chúng ta có thể rút ra những bài học từ cuộc sống muôn màu ấy.

  • Đình Ngân (theo Huffington Post)