Khi sữa học đường góp phần kéo các con tới lớp, giúp những học sinh nghèo có thêm cơ hội phát triển thể lực, tầm vóc cân bằng thì dù phải ôm thêm việc, các thầy cô ở Nghệ An vẫn tự nguyện lo cho các con.
Cố gắng của nhà trường
Ngay khi Chương trình Sữa học đường được triển khai trong năm học 2015-2016, cô Lê Thị Hải Yến- Hiệu trưởng trường tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) đã trao đổi với các giáo viên, hội phụ huynh về lợi ích của Chương trình: “Ban đầu phụ huynh còn phân vân nhưng khi được biết các con được uống sữa tốt với giá cả hợp lý, học sinh nghèo được miễn phí, cha mẹ học sinh đều hào hứng tham gia”- cô Yến chia sẻ.
Cô Nguyễn Hải Yến - Hiệu trưởng trường tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn |
Thế nhưng, khi phụ huynh hào hứng thì các giáo viên trong trường lại có ý kiến vì nhiều việc, từ tiếp nhận sữa phát cho các con tới việc làm sổ sách, đăng ký số lượng trẻ uống sữa, theo dõi trẻ uống sữa tới việc… thu tiền đều tới tay các cô.
“Giáo viên tiểu học lúc nào cũng bận như bận con mọn, vì thế thêm việc là các cô mất thêm thời gian, công sức nên nhà trường cũng phải động viên rất nhiều”- cô Yến nói.
Thời gian dần qua, mỗi ngày số lượng học sinh tới lớp vui vẻ hơn, khỏe mạnh hơn, nhiều cô giáo bắt đầu thấy gắn bó với chương trình.
Cô Nguyễn Thị Hòa, Chủ nhiệm lớp 3A kể: “Hồi trước thì chưa có chương trình Sữa học đường thì những em có điều kiện gia đình tốt hơn sẽ mang sữa đến lớp uống, còn những em nghèo thì không có sữa uống. Như lớp tôi là có 3 em. Trẻ con hay tủi thân nên các em cũng buồn. Từ khi có chương trình Sữa học đường thì tất cả các em đều được uống sữa, từ đó các em rất hòa đồng với nhau, chơi đùa với nhau vui vẻ hơn”.
Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An và các thầy cô giáo rất quan tâm tới Chương trình Sữa học đường (ảnh chụp tại trường Quang Tiến, TX Thái Hòa, Nghệ An) |
Vì lợi ích của học sinh, cô Hòa cũng phải cố gắng hơn trong việc chuẩn bị sữa cho các học sinh uống hàng ngày. Đó là phần công việc ngoài chuyên môn nhưng cô vẫn lo chu toàn.
Đó cũng là niềm vui của cô Nguyễn Thị Minh Hiền, hiệu trường trường tiểu học Nghĩa Hội (huyện Nghĩa Đàn). Cô khẳng định phụ huynh đánh giá chương trình rất hiệu quả: “Khu vực xã Nghĩa Hội chúng tôi có nhiều gia đình công giáo, có 4-5 con đi học. Chương trình hỗ trợ các cháu uống sữa tại trường với chi phí hợp lý nên phụ huynh rất yên tâm, con đi học không nghỉ ngày nào”.
Tương tự, tại trường tiểu học Hòa Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An), giáo viên cũng rất tận tình với chương trình.
Học sinh huyện Đô Lương (Nghệ An) với niềm vui uống sữa học đường |
Chị Trần Thị Tùng, Chi hội trưởng lớp 2B cho biết: “Nhờ có chương trình Sữa học đường, các cháu đi học ở trường được uống sữa điều độ và thường xuyên hơn. Thậm chí, cháu nào nghỉ ốm các cô còn gửi sữa về cho từng cháu”.
Chính vì sự chu đáo ấy, năm học 2016-2017, chương trình lan tỏa tới 21/21 tỉnh thành của tỉnh Nghệ An (năm học 2015-2016 là 17/21 huyện thị), thu hút sự tham gia của hơn 311.000 học sinh. Trong đó có hàng trăm ngàn học sinh nghèo, cận nghèo được hỗ trợ uống sữa tươi học đường TH school milk miễn phí, các học sinh còn lại cũng được hỗ trợ tới 30% chi phí uống sữa tại trường.
Không có gì là … dễ cả
Ông Nguyễn Xuân Hồng- Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, một trong những hạt nhân xây dựng Đề án Sữa học đường tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Khi triển khai một chính sách an sinh xã hội thì khởi đầu của tất cả các chương trình không có gì là dễ cả. Trong Chương trình Sữa học đường, để huy động mấy trăm tỷ đồng ở Nghệ An cũng không phải là dễ! Rồi khó từ việc ai chủ trì xây dựng Đề án, quan điểm uống sữa như thế nào là phù hợp, rồi tới vận động phụ huynh, nhà trường… Những việc như thế chúng tôi và ngành giáo dục đều làm rất tỉ mỉ. Tất cả đều hiểu đây là chương trình vì thế hệ vàng của đất nước mà cố gắng.
Hiện nay, tại nhiều tỉnh thành vẫn có các trường mẫu giáo, tiểu học tổ chức cho trẻ uống sữa, nhưng là chương trình thương mại, phụ huynh đóng tiền 100% và các thầy cô được hỗ trợ chi phí vận hành.
Tham gia chương trình sữa học đường quốc gia, học sinh thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ 100% chi phí uống sữa, học sinh hộ cận nghèo được hỗ trợ 50% và diện còn lại được hỗ trợ 30%. |
Với Chương trình Sữa học đường quốc gia, UBND tỉnh sẽ vào cuộc hỗ trợ với các giải pháp về tài chính và dinh dưỡng để đảm bảo các mục tiêu phát triển thể lực, tầm vóc cho trẻ. Vì vậy, sữa đưa vào trường học sẽ được quản lý chặt cả về tiêu chuẩn và giá thành. Đặc biệt về giá thành, Chương trình vận hành không theo hướng thương mại mà theo hướng xã hội hóa: Phụ huynh, ngân sách và doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ. Vì vậy, chi phí phụ huynh phải đóng góp giảm đi rất nhiều, chi phí vận hành cũng giảm.
Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng, khi vận hành Chương trình, các giáo viên tham gia rất sâu và gần như triển khai mọi việc trong khối nhà trường. Vì vậy, sự nỗ lực của giáo viên sẽ quyết định thành công của Chương trình. Sắp tới, Vụ sẽ ban hành hướng dẫn triển khai Sữa học đường trong trường học, làm căn cứ để các trường có sự phân công phù hợp, đảm bảo giáo viên hiểu và ủng hộ chương trình theo đúng tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”
Phan Dương