- Trong xã hội bây giờ có một số niềm tin không còn hợp lý nữa. Chẳng hạn, chỉ giáo dục được "học sinh cá biệt" khi các em sợ mình. Trò chuyện với VietNamNet về bức xúc này, tiến sĩ tâm lý học Trần Thành Nam (giảng viên ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) nhận định.

Không hẹn mà gặp, trong tuần qua, dư luận chưa dứt vụ việc "thầy trò so găng trên bục giảng" ở Bình Định thì đón nhận thông tin "thầy bạt tai làm trò thủng màng nhĩ' ở Hà Tĩnh. Thưa ông, những sự kiện trên tiềm ẩn nguy cơ gì của giáo dục?

TS. Trần Thành Nam: Tôi nghĩ rằng, những vụ việc này khi đọc thấy rất giận. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là bề nổi của tảng băng thôi. Nó vẫn xảy ra hàng ngày hàng giờ ở một nơi nào đó, nhưng chưa được truyền thông đưa tin mà thôi.

Theo tôi, nguy cơ trong tương lai là có thể chúng ta sẽ có một thế hệ nghiễm nhiên cho rằng khi chúng bị xúc phạm, xâm phạm thì chúng có quyền nổi nóng, có thể có những hành vi bạo lực đối với người khác và điều đó là được chấp nhận.

{keywords}
TS Trần Thành Nam
Một điều nữa, tôi cũng muốn nói là, khi tôi có dịp được tiếp xúc với các nền giáo dục nước ngoài thì nhận thấy là bao giờ người ta cũng có một bộ phận an ninh kiểm tra tiền sử của những người làm việc với trẻ em, những người trong ngành sư phạm, xem họ đã từng lạm dụng trẻ em hay chưa, có vấn đề gì về rối loạn tâm thần hay không… Thế nhưng, ở Việt Nam thì chưa chú ý đến vấn đề này lắm.

Nơi xảy ra sự việc "thầy tát trò trên bục giảng" ở Bình Định là ở một trường ngoài công lập. Nhiều trường thuộc hệ thống này được mặc định là tập trung nhiều học sinh lười, nghịch, cá biệt. Theo ông, từ những câu chuyện thầy dùng vũ lực với trò, ngành giáo dục có nên điều chỉnh lại cách đánh giá về “giáo viên giỏi”?

TS Trần Thành Nam: Tôi nghĩ rằng việc xét giáo viên giỏi hiện nay cũng còn rất nhiều bất cập.

Ở Hà Nội hay ở những nơi có điều kiện cao, tiêu chuẩn đánh giá giáo viên giỏi phải khác với những trường ở địa bàn khó khăn.

Ví dụ như với khu vực vùng sâu, vùng xa, mục tiêu tiên quyết của giáo viên là đưa học sinh tới trường, chứ không phải là bao nhiêu học sinh giỏi. Chúng ta phải điều chỉnh những tiêu chí như thế.

Tuy nhiên, cầu và cung còn nhiều sự vênh nhau, cho nên những trường như vậy cũng khó thu hút được những giáo viên hội tụ đủ cả kinh nghiệm ứng xử với học trò cũng như trình độ chuyên môn giỏi để làm việc với những học sinh có vấn đề ấy.

Tôi nghĩ là mình cũng không nên đổ tại cơ chế hoặc tại cái này cái kia nên dẫn đến những sự việc như clip vừa rồi.

Như tôi đã nói, với những ngành đặc biệt thì cũng phải có những tiêu chí đặc biệt hơn khi tuyển chọn đầu vào.

Chúng ta đều biết rằng mục tiêu của giáo dục bây giờ không chỉ là cung cấp kiến thức nữa, mà là phát triển nhân cách con người.

Thế thì người giáo viên phải là một hình mẫu trong việc phát triển nhân cách. Trong khi trong quá trình tuyển dụng, chúng ta chỉ nhìn vào tấm bằng, mà chưa có một hình thức nào để đánh giá về mặt nhân cách, về nguy cơ của người đó.

Một điều mà tôi cũng cần phải nói nữa là trong xã hội bây giờ có một số niềm tin đã không còn hợp lý nữa rồi.

Với trường hợp thầy Tuấn, tôi nghĩ rằng, đây không phải lần đầu tiên thầy ấy đánh học trò.

Có lẽ là thầy ấy có một niềm tin rằng đối với những học sinh như thế này, mình sẽ chỉ giáo dục được chúng khi chúng sợ mình và mình phải làm cho chúng cảm thấy ngượng, xấu hổ thì lúc đó học sinh mới có thể thay đối được hành vi.

Niềm tin ấy sẽ dẫn lối cho hành vi, cách ứng xử và cách nhìn nhận đối với học sinh.

"Có những cái tát khiến học sinh nên người", không phải chỉ là cái tát ở riêng vụ việc này mà có thể là những hình thức xâm phạm thân thể khác của thầy với trò. Quan điểm này có đúng không, thưa ông?

TS Trần Thành Nam: Với quan điểm giáo dục hiện đại bây giờ thì không đúng nhiều hơn.

Trước đây, ông cha ta có nói là “yêu cho roi cho vọt”. Đó là một thành kiến từ rất lâu của chúng ta.

Nhưng ngày xưa các cụ nếu đánh con một roi thật đau thì sau đấy mẹ vào bếp có thể là khóc, và cả một xã hội đều nói rằng “đấy, mẹ con làm như vậy là đau lòng lắm đấy…”.

Tức là đi kèm với hành động bao giờ cũng có những lời giải thích, hỗ trợ, làm cho đứa trẻ ấy nhận ra được rằng mẹ đánh mắng mình nhưng mẹ vẫn yêu mình.

Nhưng trong trường hợp này, hành động của thầy được dư luận nhìn nhận và đánh giá rằng đó là hành vi cố làm cho đứa trẻ bị đau, bị tổn thương, và một chút gì đó giống như việc trả thù lại việc dám thách thức, dám xâm phạm cái tôi của người thầy.

Một đứa trẻ bình thường nếu bị gán nhãn là học sinh cá biệt thì không bao giờ trở thành học sinh tốt được.

Các em sẽ nghĩ rằng vậy thì mình chẳng việc gì phải cố gắng nữa, và sẽ làm đúng như những gì mà người ta mong đợi. Phương pháp “kỷ luật không nước mắt” nói rằng cách thức để giảm những hành vi tiêu cực tốt nhất là khuyến khích những hành vi tích cực.

Hiện tượng "bạo hành" học sinh đến nay không còn cá biệt. Theo ông, giáo viên hiện nay gặp phải những áp lực gì và cách tháo gỡ nên là như thế nào?

TS Trần Thành Nam: Câu hỏi này phải dành cho các cơ sở giáo dục đào tạo ngành sư phạm và ngành sư phạm phải xác định được những mục tiêu, sau đó phải cho “ra lò” được đội ngũ giáo viên đạt chuẩn như thế nào, không chỉ về mặt kiến thức mà còn về mặt nhân cách.

Tôi nghĩ là thời kỳ nào cũng có những thách thức với người thầy.

Bây giờ học sinh có cá tính hơn, du nhập nhiều văn hóa phương Tây và có cái “tôi” mạnh hơn.

Nhưng nếu giáo viên hiểu được tâm sinh lý của học sinh, tại sao trong hoàn cảnh đó các em lại làm như vậy thì sẽ làm cho cảm xúc của giáo viên nguôi đi rất nhiều.

Trong những tình huống bất ngờ, gây cảm xúc tiêu cực, trước khi nổi nóng, giáo viên có thể làm xao nhãng cảm xúc của mình để làm giảm sự nóng giận nhất thời, sau đó sẽ xử lý bằng lý trí.

Và chúng ta phải ý thức được rằng đã là người thầy thì phải biết kiểm soát được cảm xúc của bản thân mặc dù lúc đó mình có nóng giận đến mức nào đi chăng nữa.

Cảm ơn ông!

  • Nguyễn Thảo (Thực hiện)

Ý kiến học sinh

Nguyễn Xuân Thành, lớp 9C, Trường THCS Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội

Theo em, hành động của thầy giáo và học sinh đều không đúng. Việc thầy tát học sinh là hành động sai, không phù hợp. Dù học sinh có bất kỳ lỗi gì đi chăng nữa thì thầy cũng không nên dùng vũ lực với trò.

Em nghĩ là nếu việc dùng vũ lực với học sinh ở dạng nhẹ nhàng như đánh vào tay khi viết chữ xấu như khi em còn học tiểu học thì còn có thể chấp nhận được, nhưng đánh đến mức như trong clip thì không nên.

Em mong muốn các thầy cô hiểu bọn em, hiểu vì sao dẫn đến những phản ứng của bọn em trong trường hợp đó. Và nếu có chuyện gì thì nên trao đổi riêng với bọn em, chứ không nên gây tổn thương trước lớp như thế.

Nguyễn Đức Anh, lớp 8A, Trường THCS Nguyễn Trãi, TP Sơn La, tỉnh Sơn La

Mặc dù lỗi ban đầu là do các bạn làm ồn nhưng thầy giáo hoàn toàn sai khi đánh học sinh. Theo em, giáo viên không có quyền đánh học sinh mà chỉ nên nhắc nhở. Việc các bạn học sinh đánh lại thầy cũng là hành động vô lễ với thầy giáo.

Cũng có nhiều thầy cô mà bọn em thấy không hợp, không thích cách giảng của giáo viên, nhưng em chưa thấy một bạn nào dám đứng lên nói với thầy là thầy giảng khó hiểu hoặc cách giảng của thầy không hợp với bọn em… Em nghĩ nếu bọn em nói thì giáo viên sẽ điều chỉnh thôi, nhưng bọn em thường là ngại ngùng.

  • Nguyễn Thảo (Ghi)