Đắk Nông là tỉnh nằm ở khu vực cửa ngõ phía tây nam của vùng Tây Nguyên, có vùng đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu nhiệt đới ôn hòa nên rất thuận lợi để trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, ứng dụng khoa học - công nghệ chất lượng cao, bền vững…

Với thế mạnh sẵn có cùng với chiến lược phát triển phù hợp, hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương đã và đang có những đóng góp xứng đáng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 40% tỷ trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Sản phẩm nông nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú, sản lượng hàng hóa xuất khẩu ngày càng tăng. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đắk Nông hiện nay, như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, lúa, ngô, xoài, bơ, sầu riêng,… từng bước khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đến cuối năm 2023, ngành nông nghiệp Ðắk Nông đã có bước phát triển tương đối toàn diện, tiếp tục đóng vai trò là một trong ba trụ cột trong nền kinh tế của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, từng bước thích ứng biến đổi khí hậu; phát huy lợi thế địa phương; chú trọng ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng định hướng, giảm về tỷ trọng, tăng về giá trị. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm chi phí sản xuất ngày càng được chú trọng.

W-anhmohinh.png
Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Đăk N’Drung huyện Đăk Song 

Tăng trưởng khu vực nông nghiệp luôn giữ mức khá, ước chiếm tỷ trọng hơn 37,11% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất nông nghiệp đạt 90 triệu đồng trong năm 2022; đã hình thành 65 liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị thuộc chín ngành hàng nông sản và có sự tham gia của gần 10 nghìn hộ dân liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã; có 37 vùng trồng, 10 cơ sở đóng gói; đã công nhận được 93 sản phẩm OCOP của 79 chủ thể và một chỉ dẫn địa lý hồ tiêu Ðắk Nông; có 38/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Ðắk Nông đang tập trung nguồn lực để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; hỗ trợ và khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như một nguồn nguyên liệu tái tạo, thân thiện với môi trường; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương, nhất là tạo vùng nguyên liệu tập trung, bền vững, vùng nguyên liệu xanh cho phát triển công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tỉnh tập trung triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp, góp phần làm thay đổi mạnh mẽ nền tảng số trong chuỗi sản xuất-chế biến-kinh doanh nông sản; tiếp tục đổi mới tổ chức, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển thị trường trong nước và nâng cao hiệu quả xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Và đặc biệt, tỉnh chú trọng hình thành lớp người nông dân mới, đó là những người nông dân văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế, đóng vai trò chủ đạo vào quá trình chuyển đổi xanh, bền vững, vì một nền nông nghiệp thịnh vượng.

Diệu Bình và nhóm PV, BTV