- Chúng tôi gọi thầy là “ông giáo già” có dáng hình cũ kĩ. Ông sẵn lòng dạy thêm không lấy tiền nếu kiến thức chúng tôi bị hổng. Không chỉ thế, chiều đến ông đạp xe quanh làng rồi rẽ vào nhà một học sinh nào đó, ngồi nói chuyện với bố mẹ dăm ba phút ra về....Đến khi lớn, trưởng thành - nghĩ về thầy chúng tôi lại rưng rưng nhớ "thầy giáo làng" - Trần Văn Xương.

Ảnh có tính chất minh họa (Nguồn: Tuổi Trẻ)

Trường tôi đa phần là các thầy cô giáo trẻ. Họ đều đến từ những xã lân cận, không có ai là người trong làng. Điều đó làm cho tôi và phần lớn bạn bè cảm thấy có chút gì đó thiếu thốn, mặc cảm. Bởi vì, tuy hầu hết các thầy cô giáo trong trường đều yêu quý chúng tôi, nhưng không thầy cô nào hiểu hết hoàn cảnh cụ thể của từng đứa.

Có lần tôi hỏi mẹ: Tại sao làng mình không có thầy giáo nào hả mẹ? Mẹ tôi bảo: Tại vì làng mình nghèo quá con a! Chẳng mấy người học hành đến nơi đế chốn. Con cố gắng học sau này làm thầy giáo về mà dạy trường làng.

Những người thầy, người cô trong mắt chúng tôi đều là những con người vĩ đại, cái gì họ cũng biết, ai gặp họ cũng trân trọng cuối chào. Tiếc là làng tôi chẳng có một ai!

Thông tin ban đầu mà chúng tôi được biết về giáo viên mới, đó chính là “người trong làng”. Chao ôi, có lẽ không còn niềm vui nào lớn hơn niềm vui được học với một thầy cô sinh ra từ chính mảnh đất nghèo khó quê mình. Suy nghĩ đó khiến đám trẻ làng chúng tôi hò hét gần hết một tiết học cuối.

Chờ đợi mãi cũng đến ngày chúng tôi được đón tiếp con người “đặc biệt” đó. Sáng thứ 2 đầu tuần, cô giáo chủ nhiệm vào lớp sớm hơn thường lệ. Cô yêu cầu cả lớp ổn định trật tự, rồi cô lên tiếng: Hôm nay, thầy giáo mới dạy môn Toán sẽ lên lớp với các em, thay cho thầy Hùng. Cả lớp chúng tôi đồng thanh đáp lời cô trong niềm hân hoan vui sướng.

"Một ông già cũ kĩ..."

Tiếng trống cuối cùng báo vào lớp học vừa dứt cũng là lúc hiện diện trước mắt chúng tôi một con người không giống như chúng tôi hình dung, mong đợi: Một thầy giáo già! Cả lớp lặng lẽ nhìn nhau, chẳng đứa nào ho he lấy một lời.

Thầy bước vào lớp với dáng điệu khoan thai. Khi vào đến chính giữa bục giảng, thầy đứng trang nghiêm, quay xuống lớp, lặng lẽ quan sát rồi nhẹ nhàng nói: Thầy mời cả lớp ngồi xuống!

Chỉ trong ít phút, những đứa trẻ tinh ranh chúng tôi đã kịp “săm soi” dáng vóc của thầy. Thầy già, già thật, già hơn hết thảy các thầy cô giáo trong trường, kể cả thầy Hiệu trưởng. Thầy đi đôi dầy cũ, chiếc quần màu nâu, áo màu trắng, bút dắt ở bao áo. Thầy không đeo kính như một số thầy cô trong trường. Đôi mắt rất sáng nhìn chúng tôi hiền từ, độ lượng....

Dường như hiểu được tâm lí học trò, thầy nở nụ cười hiền rồi nói với chúng tôi: Các trò nhìn thầy cho kĩ vào nhé! Thầy trò chúng ta sẽ gặp nhau thường ngày đấy. Thầy xin tự giới thiệu, thầy tên là Trần Văn Xương, nhà thầy ở xóm 3, từ nay thầy sẽ dạy các em môn Toán thay thầy Hùng.

Sau vài lời ngắn gọn, thầy yêu cầu Ban cán sự lớp giới thiệu rồi bắt đầu vào bài giảng.

Kể từ hôm đó, chúng tôi bị cuốn hút vào những buổi học đầy hấp dẫn của “ông giáo già” với dáng hình cũ kĩ.

Lớp chúng tôi – những đứa trẻ làng vốn ham chơi hơn ham học, kiến thức môn Toán phần lớn đều rất lõm bõm. Chỉ qua một tuần giảng dạy, thầy đã nhận ra đứa nào học yếu, đứa nào học khá. Thầy bắt đầu giảng chậm hơn và có khi dừng lại vài ba phút trong buổi học để giảng lại những nội dung mà chúng tôi chưa hiểu. Học được nửa tháng thầy “kêu gọi” chúng tôi đến nhà thầy học thêm. Đứa nào, đứa nấy đều lặng thinh trước đề nghị của thầy.

Hình như hiểu được học trò của mình đang nghĩ gì, thấy trấn an: Các em cứ yên tâm. Thầy dạy thêm không lấy tiền. Các em cứ đến nhà thầy lúc nào các em có thời gian. Đừng ngại các em nhé!

Thế là từ hôm đó, lác đác có vài đứa cắp sách vở đến nhà thầy. Rồi cứ đông dần, đông dần, đến khi chật cứng cả căn nhà ngói hai gian của thầy.

Nhưng tận tâm

Sau một tháng vào lớp dạy - thầy đã biết rõ lai lịch từng đứa. Chúng tôi không ngạc nhiên về điều đó vì chiều chiều chúng tôi vẫn thấy thầy đạp xe đi vòng quanh làng. Bất chợt, thầy lại rẽ vào nhà một đứa nào đó, ngồi nói chuyện với bố mẹ dăm ba phút ra về.

Thỉnh thoảng buổi tối thầy cũng đến với chúng tôi. Có hôm, tôi đang ngồi học ở góc nhà thì thấy thầy nhẹ nhàng đi vào. Thầy hỏi tôi có bài tập nào khó không, thầy động viên cố gắng học tập rồi lại lặng lẽ ra về. Cứ mỗi lần như thế, tôi lại thấy như được tiếp thêm nghị lực, quyết tâm học tập.

Ông bà, bố mẹ và những người trong làng cũng đã kể cho lũ trẻ cho chúng tôi nghe về người thầy của mình. Qua lời kể của mọi người chúng tôi được biết lúc còn nhỏ thầy học rất giỏi, lớn lên thầy thi vào sư phạm, rồi sau đó lên miền núi công tác. Bây giờ về hưu, thầy chuyển về quê sống và xin dạy hợp đồng ở trường làng.

Sau một thời gian được thầy giảng dậy lớp chúng tôi học hành ngày một tiến bộ. Thời gian thấm thoát trôi, trong mắt chúng tôi, thầy không còn là ông giáo già nua và cũ kĩ mà đã trở thành người ông hiểu biết và hiền lành. Thầy vừa gần gũi thân thiện lại vừa nghiêm khắc với chúng tôi như con, như cháu trong nhà.

Bây giờ chúng tôi trưởng thành, hầu hết đều đi xa quê. Mỗi lần về, dù có vướng trăm công nghìn việc, cũng không đứa nào quên ghé vào thăm thầy. Vẫn còn đó ngôi nhà ngói hai gian mộc mạc, duy chỉ có thầy là đã già yếu đi nhiều. Ra về, lòng đứa nào cũng thấy rưng rưng.

  • Đặng Ngọc Khương

(Bài viết về thầy Trần Văn Xương – Giáo viên trường THCS Quảng Nhân – Xã Quảng Nhân – huyện Quảng Xương – Thanh Hóa)

MỜI VIẾT BÀI VỀ NHỮNG THẦY CÔ ẤN TƯỢNG
 
Bạn đọc thân mến!
 Trong cuộc sống, các bạn đã được học hành hay gặp gỡ những người thầy, người cô có phương pháp giáo dục tốt, cách dạy dỗ đặc biệt, truyền cảm hứng và khát vọng cho mình.
 Để chia sẻ những bài học, kinh nghiệm và cảm xúc của mình về những người thầy - người cô, mời bạn đọc tham gia viết bài cho chủ đề này.
 Bài viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 1.200 chữ, có thông tin đầy đủ về tác giả và nhân vật được đề cập.
 Bài được chọn đăng sẽ hưởng chế độ nhuận bút của tòa soạn. Bạn đọc gửi về theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn.
 Cảm ơn các bạn!