Tổng thống Syria mừng vui trước việc người đồng cấp Ai Cập Mohamed Morsi bị quân đội lật đổ; Seoul đề xuất đàm phán cấp chuyên viên với Bình Nhưỡng vào 6/7 tới... là những tin nóng trong ngày.

Nổi bật

Hãng tin AP ngày 4/7 cho biết, ông Bashar al-Assad, Tổng thống Syria, quốc gia đang chìm đắm trong cuộc nội chiến, đã không giấu được nỗi hân hoan trước thông tin về quân đội Ai Cập truất quyền tổng thống của ông Mohamed Morsi, người mới lên nắm quyền ở Ai Cập có một năm.

"Những gì đang xảy ra ở Ai Cập là sự sụp đổ của cái gọi là Hồi giáo chính trị", ông al-Assad phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ báo nhà nước Al-Thawra. "Đó là số phận của bất cứ kẻ nào trên thế giới, những người cố gắng dùng tôn giáo vào các mục đích chính trị hay bè phái".

Truyền hình Syria cũng dẫn một nguồn tin nói, "nhân dân, ban lãnh đạo và quân đội Syria đánh giá cao phong trào dân túy và dân tộc tại Ai Cập sau khi họ giành được thành tựu vĩ đại đó", và khẳng định cuộc lật đổ là "sự đảo chiều quyết liệt cho thấy ý nguyện kiên định duy trì nền dân chủ".

Không chỉ riêng Tổng thống Syria, một số quốc gia Arập, đặc biệt là Arập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, những nước vốn coi sự trỗi dậy và nắm quyền của phong trào Anh em Hồi giáo là mối đe dọa đối với nền an ninh quốc gia, cũng "chào đón" sự ra đi của ông Morsi.

{keywords}

Nguời biểu tình Ai Cập ăn mừng ở quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo. (Ảnh: Reuters)

Vua Arập Xê-út Abdullah nhanh chóng gửi điện chúc mừng Adly Mansour, người được quân đội chọn thay ông Morsi làm tổng thống lâm thời. Nhà vua cũng bày tỏ sự ủng hộ chân thành đối với Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập, tướng Abdel Fattah Al Sisi, người tuyên bố về vụ lật đổ Morsi.

Bộ trưởng Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, ông Abdullah bin Zayed al-Nahayan, bày tỏ sự tin tưởng rằng những con người vĩ đại của Ai Cập có thể sẽ vượt qua thời điểm khó khăn này. Ông đã ca ngợi quân đội khi một lần nữa lại chứng tỏ là "hàng rào chắn mạnh mẽ".

Trong khi đó, từ Mỹ, Tổng thống Barack Obama cho biết ông "rất lo ngại" về diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập và kêu gọi nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự. Ông cũng yêu cầu xem xét lại khoản viện trợ quốc tế của Mỹ dành cho Ai Cập.

Từ Moscow, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo kêu gọi, các lực lượng chính trị tại Ai Cập cần kiềm chế và hạn chế bạo lực. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh thì cho biết Bắc Kinh ủng hộ "sự lựa chọn của người dân Ai Cập", và kêu gọi thúc đẩy đối thoại.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố Anh sẽ hợp tác với chính quyền lâm thời của Ai Cập, dù không ủng hộ việc đảo chính của quân đội nước này. Trong khi Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi chấm dứt bạo động ở Ai Cập và kêu gọi người dân bình tĩnh.

Hôm 3/7, ông Mohamed Morsi đã bị lực lượng quân đội Ai Cập phế truất sau khi hàng triệu người đổ ra đường yêu cầu chấm dứt một năm lãnh đạo hỗn loạn của ông. Tới chiều 4/7, Chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập Adli Mansour đã tuyên thệ, nhậm chức Tổng thống lâm thời.

Cùng ngày, một quan chức cấp cao của quân đội Ai Cập cho biết, lực lượng này đang giữ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi. "Ông ta đang bị giữ cho những chuẩn bị cuối cùng", vị này cho biết và nói thêm, có thể ông Morsi sẽ bị buộc tội chính thức về các tố cáo do phe đối lập đưa ra. 

Tin vắn

- Từ 15/7 đến 5/8, quân đội Mỹ và Australia sẽ tổ chức diễn tập "Talisman Sabre 2013" tại vịnh Shoalwater, và một số căn cứ thuộc bang Queensland của Australia.

- Chiếc chuyên cơ chở Tổng thống Bolivia Evo Morales đã hạ cánh an toàn tại sân bay La Paz tối 3/7 (giờ địa phương) sau khi rời Vienna (Áo) gần 17 tiếng trước đó.

- Nga chỉ trích Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha chặn chuyến bay từ thủ đô Moscow đến La Paz của Tổng thống Bolivia do nghi Edward Snowden có trên máy bay.

- Cựu nhân viên của Cơ quan tình báo Nga Anna Chapman đề nghị trao trái tim mình cho cựu nhân viên CIA Edward Snowden, người đang bị Mỹ ráo riết truy lùng.

- Các quan chức cấp cao đã được điều động tới 50 thị trấn để ngăn chặn bạo loạn, bất ổn phát sinh trước dịp tròn 4 năm vụ bùng phát bạo lực Tân Cương - ngày 5/7.

- Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-Gwan bắt đầu một loạt cuộc gặp ở Moscow nhằm khôi phục tiến trình đàm phán sáu bên vốn đang đình trệ.

- Iran chỉ trích việc Mỹ áp đặt gói trừng phạt kinh tế mới lên nước này, cho rằng việc đó sẽ làm phức tạp thêm bất đồng xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran.

- Lần đầu tiên sau 7 năm, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ tới Trung Quốc vào chiều 4/7 trong bối cảnh 2 nước nỗ lực xây dựng lòng tin sau những tranh chấp biên giới.

- Pháp đã chính thức xin lỗi Bolivia vì việc đã từ chối cho chuyên cơ của Tổng thống Evo Morales bay qua không phận của họ, nói rằ̀ng đây là do thông tin mâu thuẫn.

- Seoul đã đề xuất tiến hành đàm phán cấp chuyên viên với Bình Nhưỡng vào ngày 6/7 tới, để thảo luận việc khôi phục hoạt động ở Khu công nghiệp chung Kaesong.

- Nguồn tin từ hải quân Thái Lan cho biết, sáng 4/7, 10 thủy thủ của một tàu chở hàng đi từ Bangladesh đã mất tích sau khi tàu của họ bị lật úp tại vùng biển Andaman.

- Thủ lĩnh phong trào Anh em Hồi giáo tại Ai Cập, Mohamed El-Beltagy, ngày 4/7 tuyên bố sẽ không "động binh" sau vụ quân đội lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi.

Tin ảnh

{keywords}

Quân đội Ai Cập sáng 4/7 tuyên bố đang giữ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi. (Ảnh: News)

Ngoài ra, lực lượng an ninh Ai Cập cũng đã bắt giữ người đứng đầu tổ chức Huynh đệ Hồi giáo Tự do và Đảng Công Lý sau khi quân đội phế truất ông Morsi.

Phát ngôn

Phát biểu sau cuộc đảo chính, Tổng thống Ai Cập mới bị lật đổ Mohamed Morsi khẳng định, "sự thay đổi này là bất hợp pháp và vi hiến".

Ông nói, "cuộc đảo chính sẽ kéo Ai Cập tụt hậu" và "tất cả mọi người phải tự chịu trách nhiệm trước Chúa, trước bản thân họ và lịch sử".

Kỷ niệm

Ngày 5/7/1994 tại Singapore, Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) đã kết nạp Việt Nam làm thành viên của tổ chức này.

Thanh Vân (tổng hợp)