- Thủ đô Thái Lan tê liệt trong ngày đầu tiên của chiến dịch "đóng cửa Bangkok"; Nổ lớn ở khu vực tây nam Trung Quốc... là những tin đáng chú ý.
Nổi bật
Hôm 13/1, ngày đầu tiên trong chiến dịch "đóng cửa Bangkok" do ông Suthep Thaugsuban phát động, hàng chục nghìn người biểu tình đã ồ ạt tràn xuống khắp các đường phố ở thủ đô của Thái Lan.
Khoảng 50.000 người biểu tình đã tụ tập ở những điểm giao thông chiến lược trong thành phố, trong đó có khu mua sắm từng là tâm điểm trong cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra hồi năm 2010.
Bangkok tê liệt trong ngày 13/1. (Ảnh: Chinanews) |
Tại những điểm giao thông chiến lược, khu trung tâm mua sắm và những tòa nhà cơ quan của chính phủ, lực lượng biểu tình đã dựng lên hàng loạt rào chắn, lều trại, nhằm làm tê liệt hoạt động tại đây.
Các trụ sở cơ quan công quyền và trường học tại thủ đô Bangkok của Thái Lan đã phải tuyên bố đóng cửa bởi lý do an ninh. Tuy nhiên, các trung tâm thương mại vẫn mở cửa hoạt động bình thường.
Các phương tiện truyền thông ước tính, sinh hoạt của 680.000 cư dân gần các điểm biểu tình bị ảnh hưởng. Ngoài ra, còn có 440.000 sinh viên, và 1,2 triệu người làm việc tại đây cũng chịu tác động.
Tuy nhiên phát biểu trên đài truyền hình trong ngày 13/1, Phó thủ tướng Surapong Tovichakchaikul cho biết do không có bạo động xảy ra nên chính phủ vẫn chưa cần phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Giao thông ở một số nơi khó khăn, nhưng chưa có thông báo nào về bạo lực. Chính phủ đã kêu gọi mọi người nên kiềm chế và các cuộc biểu tình có thể tiếp tục nhưng phải đảm bảo hòa bình trật tự.
Theo Trung tâm chỉ huy bảo vệ an ninh Thái Lan, đợt biểu tình có thể kéo dài ít nhất 5 ngày. Một số nơi có thể xảy ra bạo lực như khu vực trung tâm hành chính quốc gia, Quảng trường chiến thắng...
Tin vắn
- Cảnh sát Philippines ngày 13/1 cho hay, ít nhất 24 người bị thương trong vụ ném lựu đạn vào một trường đại học ở thị trấn Arakan thuộc vùng Mindanao, miền nam nước này.
- Kết quả thăm dò dư luận của báo Yomiuri tiến hành cho biết, tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đạt 62%, tăng 7% so với cuộc điều tra tháng 12/2013.
- Hãng Thông tấn Yonhap dẫn tài liệu vừa được công bố của Quốc hội Mỹ cho biết, quốc gia này và Trung Quốc từng bàn thảo về khả năng sụp đổ chính quyền tại Triều Tiên.
- Chiến dịch "đóng cửa Bangkok" do Ủy ban Cải cách Dân chủ nhân dân Thái Lan (PDRC) tiến hành làm ảnh hưởng tới 2 triệu người dân thủ đô, truyền thông Thái Lan cho hay.
- Ngày 13/1, lễ truy điệu cựu Thủ tướng Ariel Sharon, người vừa qua đời vào cuối tuần qua sau gần tám năm sống trong tình trạng thực vật, đã diễn ra tại trụ sở Quốc hội Israel.
- Ai Cập bắt đầu tiến hành trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, trong bối cảnh an ninh đã được tăng cường và các cuộc biểu tình phản đối chính quyền vẫn tiếp diễn.
- Tòa án Campuchia hôm 13/1 đã phóng thích ông trùm bất động sản Nga Sergei Polonsky. Theo đó, Sergei Polonsky sẽ không bị dẫn độ sang Nga để đối mặt tội danh tham ô.
- Chiều 13/1 đã xảy ra một vụ nổ lớn tại một ngôi làng thuộc tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc, làm 14 người thiệt mạng, và 7 người bị thương, báo chí địa phương loan tin.
- Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi thiết lập "các lệnh ngừng bắn cục bộ" ở Syria, trước thềm diễn ra Hội nghị quốc tế Geneva 2.
- Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra vừa mời lãnh đạo các đảng biểu tình chống chính phủ cùng các chính trị gia, thảo luận về thời điểm tổ chức tổng tuyển cử.
- Thỏa thuận giữa Iran và 6 cường quốc thế giới có ý nghĩa mở đường cho việc giải quyết bất đồng về chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo, sẽ có hiệu lực vào ngày 20/1.
- Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã kêu gọi phe đối lập ở Syria tham gia các cuộc đàm phán hòa bình theo kế hoạch, nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột.
- Tân Hoa xã đưa tin, đã có ít nhất 250 người bị chết đuối, trong một vụ chìm tàu tại một khu vực sông tại thành phố Malacal, thủ phủ bang Thượng sông Nile của Nam Sudan.
Tin ảnh
Israel tổ chức truy điệu cựu Thủ tướng Ariel Sharon. (Ảnh: AP) |
Phát ngôn
Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad tuyên bố, số phận nước này chỉ có thể do người Syria quyết định và Tổng thống Bashar al-Assad là người có tiếng nói cuối cùng ở Syria.
Sự kiện
Ngày 14/1/2011, cựu Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali đã chạy khỏi Tunisia sau cuộc nổi dậy của dân chúng nước này. Đây được xem như sự kiện châm ngòi "Mùa xuân Ảrập".
Thanh Vân (tổng hợp)