- CHDCND Triều Tiên dọa dìm Phủ Tổng thống Hàn Quốc ở Seoul trong biển lửa; Nga, Mỹ căng thẳng quanh lá chắn tên lửa ... là những tin nóng trong ngày.

Nổi bật trong ngày

Quân đội CHDCND Triều Tiên ngày 24/11 đã chỉ trích cuộc tập trận một ngày trước của Hàn Quốc và dọa biến Phủ Tổng thống ở Seoul thành "biển lửa".

Tư lệnh tối cao quân đội Triều Tiên tuyên bố, việc Hàn Quốc tập trận gần biên giới tranh chấp giữa hai miền là hành động khiêu khích chính trị và quân sự.

"Nếu biển trời, lãnh thổ của chúng ta bị xâm phạm bởi dù chỉ một viên đạn hay quả pháo, biển lửa ở Yeonpyeong sẽ tái hiện tại Phủ Tổng thống ở Seoul".

Theo bộ chỉ huy quân sự Triều Tiên, các lực lượng vũ trang nước này luôn sẵn sàng với tình trạng chiến tranh, đối phó với bất cứ hình thức khiêu khích nào.

Đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc bị trúng pháo Triều Tiên hôm 23/11/2010. (Ảnh: Reuters)

Hôm 23/11, Hàn Quốc đã tập trận sát biên giới Triều Tiên, đánh dấu một năm sau vụ Triều Tiên pháo kích đảo Yeonpyeong làm chết 4 người Hàn Quốc.

Cuộc tập trận hôm 23/11 diễn ra với sự tham dự của các máy bay chiến đấu, pháo, và các bệ phóng rocket, tuy nhiên không bao gồm bài tập bắn đạn thật.

Quân đội Hàn Quốc cho hay cuộc diễn tập hôm 23/11 là nhằm mục đích kiểm tra năng lực ứng phó trong tương lai đối với một cuộc tấn công của Triều Tiên.

Quân đội Hàn Quốc cũng thề đáp trả mạnh mẽ bằng sức mạnh tổng hợp của không quân và pháo binh, nếu gặp phải một cuộc tấn công mới từ bên ngoài.

Hàn Quốc đã tăng cường đáng kể binh sĩ và vũ khí, bao gồm pháo phản lực nhiều nòng, trực thăng tấn công Cobra, ở Yeonpyeong và các đảo tiền tiêu khác.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak hôm 23/11 nói rằng, ông thấy buồn khi CHDCND Triều Tiên chưa xin lỗi vụ nã pháo đảo Yeonpyeong.

Tin đọc 30 giây

- Thượng tướng Nga Viktor Esin khẳng định, các tổ hợp tên lửa đạn đạo nước này đang chế tạo đều có khả năng đáp trả mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trong vòng 20-30 năm tới.

- Nga, Trung đã đệ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ dự thảo nghị quyết về Syria nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị-ngoại giao trên cơ sở các bên dừng bạo lực và bắt đầu đối thoại.

- Trung Quốc và Nhật Bản nhất trí phối hợp thiết lập "cơ chế xử lý khủng hoảng" nhằm ngăn ngừa những cuộc tranh cãi tiềm ẩn trong trường hợp xảy ra sự cố trên biển Hoa Đông.

- Tổng thống Yemen đã ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực sau 33 năm cầm quyền, động thái được Quốc vương Arập Xêút ca ngợi là đánh dấu "trang mới" trong lịch sử Yemen.

- Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Noeleen Heyzer khẳng định, tổ chức này sẽ tăng cường sự hiện diện ở Đông và Đông Bắc Á để thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của khu vực.

- Hãng thông tấn chính thức của Iran (IRNA) dẫn lời một nghị sỹ quốc hội có ảnh hưởng cho biết, nước này đã bắt giữ được 12 điệp viên của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

- Tổng tư lệnh Vệ binh Cách mạng Iran khẳng định, hệ thống phòng thủ tên lửa ở Trung Đông không đủ bảo vệ Israel và toàn bộ lãnh thổ Israel nằm trong tầm bắn của tên lửa Iran.

- Vua Bỉ đề nghị ông Elio Di Rupo, người được chỉ định làm trung gian dàn xếp thương lượng thành lập chính phủ mới ở Bỉ, nỗ lực một lần nữa nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị.

- Tòa trung thẩm Paris (Pháp) đã bật đèn xanh cho việc dẫn độ cựu Tổng thống Panama Manuel Antonio Noriega về nước theo đề nghị của quốc gia Trung Mỹ và sau khi Mỹ nhất trí.

- Đang ở Hàn Quốc nghiên cứu dự án kiểm soát lũ, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra hôm 23/11 ngỏ ý muốn triển khai ở quê nhà một dự án tương tự trị giá 19 tỷ USD.

- Các thành phố ở Mỹ đã chi ít nhất 13 triệu USD để đối phó với các cuộc biểu tình thuộc phong trào "Chiếm Phố Wall" vốn lan rộng ra khắp quốc gia này kể từ hơn hai tháng qua.

- Một trận động đất có cường độ 5,9 độ Richter xảy ra rạng sáng qua tại Nhật Bản, gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima I. Hiện chưa có báo cáo nào về thiệt hại và thương vong.

- Quốc hội Myanmar đã thông qua một dự luật cho phép các công dân biểu tình hòa bình. Dự luật này sẽ cần được Tổng thống Thein Sein phê chuẩn để chính thức trở thành luật.

Thông tin trong ảnh

Người Hàn Quốc xuống đường ở Seoul phản đối Hiệp định Thương mại tự do Mỹ-Hàn. (Ảnh: THX)

Họ đã nói gì?

Tên lửa hạt nhân di động Topol-12M của Nga. (Ảnh: Reuters)

Quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Tommy Vietor cho biết, lá chắn tên lửa Mỹ sẽ triển khai ở châu Âu "không và không thể đe dọa khả năng răn đe chiến lược của Nga".

Trước đó, Tổng thống Nga dọa sẽ triển khai các tên lửa nhắm vào lá chắn tên lửa Mỹ ở châu Âu nếu Washington không giải tỏa được các lo ngại của Moscow về kế hoạch này.

Ngày này năm ấy

Liên hợp quốc đặt ngày 25/11 hàng năm là "Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ".

Thanh Vân (Tổng hợp)