Đức dọa áp thêm các lệnh trừng phạt Nga, cựu Tổng thống Pháp bị truy tố, phản ứng sau khi Nhật quyết định mở rộng vai trò quân đội…Đó là những tin nóng thế giới 24h qua.

Tin nổi bật

{keywords}
Một cụ già ngồi trong chiếc xe có nhiều lỗ đạn và cửa xe bị vỡ nát khi đang di tản khỏi các vùng chiến sự tại thành phố miền Đông Ukraina Slaviansk.
REUTERS/Gleb Garanich.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng cảnh báo Moscow sẽ gánh thêm các lệnh trừng phạt kinh tế nếu không ủng hộ các nỗ lực hòa bình của Ukraina.

Động thái trên diễn ra trước cuộc gặp giữa ngoại trưởng các nước Nga, Đức, Pháp và Ukraina tại Berlin bàn về vấn đề vãn hồi lệnh ngừng bắn kéo dài 10 ngày tại miền Đông Ukraina.

Trong khi đó, các chiến dịch chống lại quân li khai vẫn tiếp diễn tại miền đông Ukraina.

“Chúng tôi sẽ không ngừng tìm kiếm giải pháp ngoại giao. Nhưng hiện chúng ta chưa tới được nơi mà chúng ta muốn tới”, bà Merkel phát biểu.

Nữ Thủ tướng Đức còn nhấn mạnh: "Đề cập đến lệnh trừng phạt Nga, cho đến nay chúng tôi đã đạt được mức hai và không loại trừ khả năng đi xa hơn nữa”.

Phát biểu trên của bà Merkel ám chỉ các biện pháp trừng phạt chống lại các quan chức và công ty Nga bị cáo buộc phá hoại sự thống nhất lãnh thổ của Ukraina.

Liên minh châu Âu và Mỹ đe dọa sẽ trừng phạt nặng tay nền kinh tế Nga nếu nước này không kiềm chế được các lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraina. Tuy nhiên, Moscow bác bỏ cáo buộc ủng hộ lực lượng ly khai nói trên.

Tin vắn

- Một vụ đánh bom liều chết khiến 8 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương đã xảy ra tại thủ đô Afghanistan Kabul.

- Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết, nước này sẵn sàng thực hiện các bước cụ thể để đảm bảo chương trình hạt nhân của mình phục vụ cho các mục đích hòa bình.

- Cảnh sát Pháp đã giải tán một trung tâm phân phát lương thực và ba ngôi nhà ở cảng Calais, miền Bắc nước này, bị 300 người di cư chiếm dụng để làm điểm chờ vượt biên bất hợp pháp qua eo biển Manche sang Anh.

- Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã công bố quyết định ân xá tất cả các nhóm bộ tộc đang chiến đấu chống lại chính phủ, song không bao hàm "những kẻ sát nhân và gây đổ máu."

- Theo Reuters, chính quyền quân sự Thái Lan đang có các động thái tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng châu Á.

- Theo Kyodo, trong một cuộc phỏng vấn được phát tại Trung Quốc hôm 1/7, một ngày trước chuyến thăm Seoul lần đầu tiên của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã chỉ trích Nhật Bản về các vấn đề lịch sử trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ II.

- Trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 2/7 đưa tin hiện nay Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật nước này đang tiến hành lập án điều tra đối với Phó Tỉnh trưởng Hải Nam Ký Văn Lâm do vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng.

Ảnh ấn tượng

{keywords}
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (giữa) rời cơ quan điều tra tài chính tại Paris trên xe riêng sau khi tới trình diện quan tòa sáng 2/7. Ông Sarkozy bị thẩm vấn 15 tiếng đồng hồ vì những cáo buộc dùng ảnh hưởng để cản trở một cuộc điều tra về chiến dịch tranh cử năm 2007. Ảnh REUTERS/Pascal Rossignol

Phát ngôn nổi bật

“Chúng tôi sẽ không viện đến vũ lực chỉ với mục đích bảo vệ quốc gia khác. Để đối phó mọi tình huống, Nhật có thể đẩy lui mọi nỗ lực tiến hành bất kỳ cuộc chiến tranh nào nhằm chống lại Nhật Bản” – Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu sau khi Nội các đạt được một dấu mốc quan trọng khi cho phép giải thích lại Điều 9 trong Hiến pháp, lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II cho phép Nhật trợ giúp cho đồng minh bị tấn công. 

Ngày này năm xưa

Ngày 3-7-1980 tại Cremli, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết đã tiến hành lễ ký kết Hiệp định hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phần phía Nam Việt Nam.

1944 – Chiến tranh thế giới thứ hai: Hồng quân Liên Xô giải phóng Minsk khỏi lực lượng Đức Quốc Xã trong Chiến dịch Bagration.

2005 – Tây Ban Nha trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

2013 – Quân đội Ai Cập tiến hành đảo chính lật đổ Mohamed Morsi, tổng thống dân cử đầu tiên trong lịch sử quốc gia.

Hồng Hà