Chính phủ và phe đối lập ở Ukraine đạt thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng; Nông dân Thái Lan hủy biểu tình ở sân bay Suvarnabhumi... là các tin nóng.

Nổi bật

Ngày 21/2, quốc hội Ukraine nhất trí đưa đất nước trở về hiến pháp năm 2004, giới hạn quyền lực của tổng thống, trao cho các nghị sĩ quyền bổ nhiệm những bộ trưởng chủ chốt.

Sự thay đổi hiến pháp này được nhất trí ngay sau khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và 3 thủ lĩnh đối lập ký thỏa thuận chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị 3 tháng qua.

{keywords}
Biểu tình tại Ukraine hôm 21/2. (Ảnh: Reuters)

Thỏa thuận trên đã được ký trước chứng kiến của 3 đặc phái viên Liên minh châu Âu mở đường để Ukraine tiến hành bầu cử sớm và chuyển giao quyền lực chính trị cho quốc hội.

Theo các nội dung trong bản thỏa thuận quan trọng trên, sau khi hiến pháp mới được thông qua, sẽ tiến hành bầu cử tổng thống trước thời hạn, chậm nhất là vào tháng 12 năm nay;

Chính phủ, phe đối lập cùng Hội đồng châu Âu điều tra các vụ bạo động 3 tháng qua; chính phủ không được tuyên bố tình trạng khẩn cấp; 2 bên chấm dứt các hành động bạo lực;

Thỏa thuận mới được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng bạo lực dữ dội kéo dài ở Ukraine, song giới phân tích vẫn quan ngại bởi nhiều người biểu tình muốn ông Yanukovych từ chức.

Kể từ khi bất ổn bùng phát, những cuộc xung đột giữa lực lượng người biểu tình chống chính phủ và cảnh sát chống bạo động tại Ukraine đã cướp đi sinh mạng của gần 100 người.

Cũng trong ngày 21/2, làn sóng bạo lực vẫn diễn ra giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Kiev. Cảnh sát cho biết, họ vẫn đấu súng với phe biểu tình.

Tin vắn

- Nước Anh và Iran đã chính thức thiết lập lại liên lạc ngoại giao trực tiếp ở cấp đại biện không thường trú, thay vì thông qua trung gian nước thứ ba, báo chí Anh đưa tin.

- Chính phủ Venezuela lên án phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama ở một cuộc hội nghị hôm 19/2, là sự can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Venezuela.

- Theo Bangkok Post, khoảng 10.000 nông dân các tỉnh khu vực miền bắc của Thái Lan đã hủy bỏ kế hoạch biểu tình quy mô lớn ngay ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi.

- Một quan chức Bộ ngoại giao Nhật Bản ngày 21/2 cho hay, nước này đã trao đổi với Mỹ, Hàn Quốc về việc sớm tổ chức hội đàm 3 bên xoay quanh vấn đề Triều Tiên.

- Trung Quốc đã lên tiếng hoan nghênh cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) ở Vienna là tích cực và xây dựng.

- Chính phủ Campuchia thông qua sắc lệnh đóng băng tài sản của các phần tử, và các tổ chức có liên quan tới khủng bố, để tăng cường nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố.

- Phiến quân Shebab ở Somalia có liên hệ với mạng lưới al-Qaeda đã thừa nhận tiến hành tấn công liều chết có sử dụng biệt kích vào dinh tổng thống ở thủ đô Mogadishu.

- Một chiếc máy bay của lực lượng không quân Libya bị rơi ở miền Nam của Tunisia sáng hôm 21/2, khiến toàn bộ 11 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

- Liên minh châu Âu nhất trí áp đặt lệnh trừng phạt với một số quan chức Ukraine phải "chịu trách nhiệm về bạo lực, vũ lực quá mức" trong các đụng độ tại Kiev vừa qua.

Tin ảnh

{keywords}
Xác người la liệt trên đường phố Ukraine sau vụ đụng độ hôm 20/2. (Ảnh: Reuters)

Phát ngôn

Ngoại trưởng Nga cáo buộc chính sách của Mỹ về Syria "khuyến khích các kẻ cực đoan, những kẻ đang tài trợ cho khủng bố và cung cấp vũ khí cho các phe nhóm cũng như tổ chức khủng bố".

"Rốt cuộc, điều này sẽ chẳng mang lại gì ngoài việc góp phần làm leo thang căng thẳng trong cuộc xung đột tại Syria", người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga, ông Sergei Lavrov tuyên bố hôm 20/2.

Sự kiện

Ngày 22/2/2011, một trận động đất mạnh 6,3 độ richter đã tấn công thành phố Christchurch của New Zealand, làm 185 người thiệt mạng.

Thanh Vân (tổng hợp)