- Học giả thế giới bình luận về tiềm lực hải quân và chiến lược quân sự trên biển của Trung Quốc, Nga - Trung ra tuyên bố chung về thúc đẩy quan hệ hợp tác, ông nghị Mỹ thích khoe thân tuyên bố từ chức... là một số tin nóng trong 24 giờ qua.
Bất chiến tự nhiên thành
Trong một bài viết mới đây, tác giả Jonathan Marcus của hãng tin BBC bình luận, một cuộc chạy đua vũ trang hàng hải đang diễn ra ở Biển Đông. Trong đó, Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển năng lực quân đội nhằm mở rộng tầm sức mạnh ra những bến bờ mới. Hải quân nước này đang chiếm ưu thế trong khu vực và tương lai có thể sẽ thách thức vị trí số một của Mỹ.
Bất chiến tự nhiên thành
Trong một bài viết mới đây, tác giả Jonathan Marcus của hãng tin BBC bình luận, một cuộc chạy đua vũ trang hàng hải đang diễn ra ở Biển Đông. Trong đó, Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển năng lực quân đội nhằm mở rộng tầm sức mạnh ra những bến bờ mới. Hải quân nước này đang chiếm ưu thế trong khu vực và tương lai có thể sẽ thách thức vị trí số một của Mỹ.
Thực lực hải quân Trung Quốc có khả năng đe dọa ngôi vị số 1 của Mỹ trong tương lai? |
Bài báo dẫn lời Tiến sỹ Andrew Erickson, chuyên gia về Trung Quốc tại Học viện Hải quân Mỹ cho hay, "Trung Quốc không muốn khởi chiến, mà chỉ muốn phô trương sức mạnh để không đánh mà thắng (chiến lược bất chiến tự nhiên thành), răn đe các hành động mà Bắc Kinh xem là ảnh hưởng tới lợi ích cốt lõi của họ".
Theo BBC, Trung Quốc hiện có ba hệ thống vũ trang có thể xem như tiêu biểu cho việc mở rộng tầm chiến lược: Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ được đưa vào thử nghiệm từ cuối năm nay; Cuối năm ngoái, những bức ảnh đầu tiên bị rò rỉ cho thấy loại máy bay tàng hình đầu tiên mà Trung Quốc đang chế tạo; Và các chuyên gia quân sự Mỹ nói rằng Trung Quốc đã bắt đầu mang ra sử dụng loại tên lửa tầm xa có khả năng tiêu diệt các mục tiêu di động trên biển.
Thỏa thuận Nga - Trung
Hôm 16/6, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đang ở thăm Nga, đã có cuộc hội đàm tại điện Kremlin và ra các tuyên bố về quan hệ song phương, cũng như những vấn đề quốc tế cấp bách hiện nay.
Hai bên cam kết tạo mọi điều kiện và phấn đấu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD trước năm 2015 và 200 tỷ USD trước năm 2020 so với 59 tỷ USD năm 2010. Bên cạnh đó là những vấn đề quốc tế về tình hình Trung Đông và Bắc Phi, CHDCND Triều Tiên và Iran. Cùng ngày, lãnh đạo hai nước cũng đã chứng kiến lễ ký 9 văn kiện hợp tác Nga-Trung, trong đó có hiệp định thành lập xí nghiệp liên doanh năng lượng, các văn bản về hợp tác ngân hàng, đầu tư và xây dựng.
Phát biểu sau hội đàm, Tổng thống Nga Medvedev tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung phát triển tích cực, hai bên thường xuyên duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao và ở mọi cấp. Ông cho biết Nga và Trung Quốc chủ trương đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm cả năng lượng hạt nhân.
Ông nghị "khoe thân" từ chức
Theo hãng tin AP, hôm 16/6, nghị sĩ Mỹ Anthony Weiner đã tuyên bố từ chức. Ông nghị này trước đó đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận Mỹ, đồng thời vấp phải sức ép từ chức lớn, sau khi nhiều bức ảnh khiếm nhã của ông được tung lên mạng Internet. Tệ hơn, Weiner đã dùng những tấm ảnh này để gửi cho ít nhất 6 phụ nữ trong thời gian trước và sau khi cưới vợ.
Nghị sĩ Mỹ Anthony Weiner trước ống kính phóng viên. |
Trong số các bức ảnh được công bố có cảnh Anthony Weiner đứng khoe thân trong phòng tập thể dục của Hạ viện Mỹ. Có bức ông ăn bận quần áo nhưng có những bức ngài hạ nghị sĩ gần như lõa thể, chỉ còn một chiếc khăn vắt hờ trên người để che đi bộ phận nhạy cảm. Vụ bê bối bắt đầu bị phanh phui từ ngày 27/5, khi Weiner sử dụng mạng xã hội Twitter để gửi đi các bức ảnh khiếm nhã cho một nữ sinh viên 21 tuổi ở Bellingham, Washington.
Hôm 11/6, bà Nancy Pelosi, lãnh tụ phe thiểu số đảng Dân chủ tại Hạ viện, đã cố gắng thuyết phục ông Weiner từ chức để Đảng Dân chủ nhẹ gánh dồn sức chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội năm 2012. Cùng ngày, nghị sĩ Steve Israel, Chủ tịch Ủy ban Vận động tranh cử hạ viện của Đảng Dân chủ, cũng gọi điện yêu cầu Weiner từ chức. Tiếp đó ngày 13/6, Tổng thống Barack Obama cũng tuyên bố, “nếu tôi là Weiner, tôi sẽ từ chức”.
4 điều kiện của Nga
Theo đại diện thường trực của Nga tại NATO, đồng thời là đặc phái viên của Tổng thống Nga về hợp tác với NATO trong hệ thống phòng thủ tên lửa, Dmitry Rogozin, Nga sẽ không phản đối việc tổ chức quân sự này thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu, nếu NATO đáp ứng được 4 điều kiện đảm bảo hệ thống này không nhằm chống lại tiềm năng chiến lược của Nga.
Theo ông Rogozin, điều kiện thứ nhất là các phương tiện của hệ thống này không được đạt tốc độ có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga mà các nước bị NATO coi là "thù địch" không thể có được. Thứ hai, căn cứ của hệ thống này cần phải đặt cách biên giới của Nga một khoảng cách bằng bán kính hoạt động của nó.
Thứ ba, các thành phần của hệ thống này cần phải bố trí ở phía Nam châu Âu chứ không phải ở phía Bắc, bởi theo NATO, nó nhằm chống lại các mối đe dọa từ Trung Đông, chứ không phải Nga. Và thứ tư, là Mỹ và NATO cần thông báo chính xác cho Nga số lượng tên lửa đánh chặn dự định bố trí tại châu Âu trong hệ thống phòng thủ của mình.
Bí ẩn căn cứ quân sự Mỹ
Theo hãng tin AP, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đang xây dựng một căn cứ không quân bí mật ở Trung Đông để phục vụ cho các cuộc tấn công bằng máy bay vũ trang không người lái nhằm vào các phần tử khủng bố ở Yemen. Căn cứ này được đặt tại một địa điểm bí mật và có thể sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Tân thủ lĩnh của al-Qaeda. |
Kế hoạch xây dựng căn cứ trên diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Mỹ ngày càng quan ngại về việc tổ chúc khủng bố al-Qaeda đặt căn cứ ở Yemen. Tổ chức này đang tìm cách thực hiện các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ và đã nắm quyền kiểm soát các khu vực rộng lớn ở Yemen trong những tháng xảy ra tình trạng bạo động dân sự và các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh.
Cũng trong ngày 16/6, tổ chức khủng bố al-Qaeda tuyên bố đã chọn Aymal al-Zawahiri lên làm thủ lĩnh mạng khủng bố này, thay cho Osama bin Laden bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt tại Pakistan hôm 2/5. Tuyên bố của al-Qaeda khẳng định, Ayman al-Zawahiri đã tiếp quản trách nhiệm chỉ huy cao nhất của mạng lưới, đồng thời cảnh báo tổ chức khủng bố này sẽ tiếp tục cuộc thánh chiến chống Mỹ và Israel dưới sự dẫn dắt của Zawahiri.
Thỏa thuận quân sự Mỹ - Ấn
Theo báo chí Ấn Độ, nước này đã ký với Mỹ một thỏa thuận quốc phòng trị giá 4,1 tỷ USD, lớn nhất từ trước tới nay. Theo đó, Mỹ sẽ chuyển giao cho Ấn Độ 10 máy bay vận tải chiến lược Globemaster-III C 17 trong vòng bốn năm.
Ngoài ra, hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ cũng sẽ xây dựng một cơ sở thử nghiệm động cơ tầm cao và một hầm khí động học tại Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng của Ấn Độ để giúp cho việc thử nghiệm, nghiên cứu và phát triển động cơ máy bay cùng các thân khí động học.
Tuy nhiên, thỏa thuận cũng quy định hãng Boeing sẽ phải dành 1 tỷ USD trong tổng số tiền trên để tái đầu tư trở lại Ấn Độ dưới hình thức mua các sản phẩm và dịch vụ của ngành công nghiệp quốc phòng ở cả khu vực tư nhân và nhà nước.
Phát ngôn ấn tượng
1 - "Tư tưởng bá chủ thế giới có xuất xứ từ Trung Quốc. Khái niệm chinh phạt, làm bá chủ thế giới đã có từ ngàn đời và họ luôn nuôi mộng nước lớn. Tư duy chính trị ấy ngày nay đã lỗi thời nhưng vẫn còn tồn tại trong một số người thuộc giới lãnh đạo Trung Quốc", Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Trọng Ngũ, chuyên gia quốc phòng- an ninh trao đổi với VietNamNet về tình hình Biển Đông.
Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Trọng Ngũ. |
"Các sự việc xảy ra vừa rồi nằm trong chuỗi các hành vi được tính toán sẵn và họ muốn xúi bẩy Việt Nam trả đũa để lấy cớ thực hiện các can thiệp quân sự thô bạo hơn. Chúng ta đã kiềm chế và kiên trì giải pháp hòa bình để không mắc mưu Trung Quốc. Nhưng kiềm chế không phải là khoanh tay cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm", ông Ngũ nói.
2 - “Tôi tin chắc rằng, Nghị quyết 1973 về thiết lập vùng cấm bay tại Libya của Liên hợp quốc đã bị NATO lạm dụng cho mục đích thay đổi chế độ, ám sát quan chức cũng như hợp thức hóa hành động chiếm đóng quân sự tại Libya”, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma vừa lên tiếng cáo buộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Phát biểu trước Quốc hội Nam Phi, ông Zuma cho rằng NATO đã vượt quá thẩm quyền được Liên hợp quốc trao. Ông Zuma được xem là một trong số ít đồng minh ít ỏi còn lại của chính phủ Libya. Ông đã đến Libya hai lần kể từ tháng 3/2011 nhằm đại diện cho Liên đoàn châu Phi (AU) tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc nội chiến Libya.
Ảnh ấn tượng
Một người công nhân đang đào giếng ở Kathmandu, Nepal. Ảnh: Laxmi Prasad Nagakhusi/AP. |
Một người thợ đang miệt mài làm việc trong xưởng đồ gỗ nhỏ ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Gurinder Osan/AP. |
Ngày này năm xưa
Ngày 17/6/1929 tại số nhà 312 Khâm Thiên, Hà Nội, đại biểu các tổ chức cơ sở cộng sản ở miền bắc họp đại hội quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua tuyên ngôn, điều lệ của đảng, quyết định xuất bản báo Búa Liềm, cử ra ban chấp hành trung ương lâm thời của đảng gồm: Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Trần Văn Cung, Nguyễn Phong Sắc, Trần Tư Chính, Nguyễn Vǎn Tuân (Kim Tôn).
Tiếp đó, ngày 25/7/1929, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ. Tháng 9/1929, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập ở Trung Kỳ. Chỉ trong một thời gian ngắn ở Việt Nam đã có ba tổ chức cộng sản được tuyên bố thành lập. Điều đó phản ánh xu thế tất yếu của phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Song sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia có nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết của cách mạng là cần có một Đảng thống nhất lãnh đạo.
Từ ngày 3 - 7/2/1930, hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản họp tại Cửu Long (Hồng Kông, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị nhất trí thành lập đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng. Ngày 3/2/1930 trở thành ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Thanh Vân (Tổng hợp)