- Quân đội Mỹ, Hàn đã ký kế hoạch phối hợp phản ứng với các động thái gây hấn từ Triều Tiên; Nhật lo ngại về sức mạnh quân sự của Trung Quốc... là những tin nóng trong ngày.

Nổi bật

Hôm 24/3, quân đội Mỹ, Hàn tuyên bố đã ký một kế hoạch hành động chung, phối hợp phản ứng đối với những hành động khiêu khích trong tương lai của CHDCND Triều Tiên.

Bản kế hoạch đã được Tư lệnh Bộ chỉ huy quân Mỹ tại Hàn Quốc James Thurman và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Jung Seung-Jo ký từ ngày 22/3.

Tướng Mỹ James Thurman (trái) và tướng Jung Seung-jo. (Ảnh: Yonhap)

Mỹ, Hàn Quốc bàn bạc về kế hoạch này từ năm 2010, khi Triều Tiên phóng ngư lôi bắn chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc và pháo kích hòn đảo Yeonpyeong ở Hoàng Hải.

Sự cần thiết hợp tác quân sự Mỹ - Hàn càng bức thiết trong bối cảnh căng thẳng tăng cao trên bán đảo Triều Tiên, sau một loạt hành động được cho là gây hấn từ Bình Nhưỡng.

Hãng tin Yonhap dẫn lời tướng Jung Seong-Jo nói rằng, với việc ký kế hoạch này, quân đội Mỹ, Hàn Quốc đã sẵn sàng đáp trả cứng rắn những động thái gây hấn của Triều Tiên.

Theo nội dung bản kế hoạch mới, quân đội phía Hàn Quốc sẽ đảm nhiệm vai trò chủ động trong giai đoạn đầu tiên khi một sự việc nào đó bất ngờ xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.

Nếu tình huống leo thang, Mỹ sẽ tăng viện từ trong và ngoài Hàn Quốc, gồm lực lượng đóng ở Nhật và các điểm khác dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ.

Trước đây, khi chưa có kế hoạch này, nếu có sự cố, quân đội Hàn Quốc sẽ chịu trách nhiệm ứng phó với động thái gây hấn và Mỹ sẽ chỉ hỗ trợ khi chiến tranh toàn diện bùng nổ.

Hiện có khoảng 28.500 binh sỹ Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc, do chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải hiệp ước hòa bình.

Tin vắn

- Sau hơn 4 năm sống lưu vong, cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf ngày 24/3 đã trở về nước để tranh cử tổng thống vào ngày 11/5 tới.

- Ủy ban Bầu cử Pakistan đã bổ nhiệm ông Mir Hazar Khan Khoso, một cựu thẩm phán của Tòa án Tối cao nước này, làm Thủ tướng lâm thời.

- Bộ trưởng Năng lượng và Nước Afghanistan Mohammad Ismail Khan phản đối Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) hiện diện ở nước này.

- Quân đội Israel đã phóng hỏa lực về phía một tiền đồn quân sự Syria để đáp trả cuộc tấn công đoàn xe tuần tra nước này trên cao nguyên Golan.

- Myanmar đã kiểm soát khu vực miền trung nước này sau ba ngày bạo loạn xảy ra giữa người theo đạo Phật và đạo Hồi, khiến 32 người thiệt mạng.

- Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết vào lúc 8h13 (GMT) ngày 24/3, một trận động đất có cường độ 6 Richter đã làm rung chuyển Vanuatu.

- Đêm ngày 23/3, 17 binh sĩ đã thiệt mạng khi một kẻ đánh bom liều chết lao xe chở nước vào một trạm kiểm soát ở huyện Bắc Waziristan của Pakistan.

- Một số tay súng đã tấn công vào một nhà tù, đồn cảnh sát và một ngân hàng ở thị trấn Ganye, miền Đông của Nigeria, làm 25 người thiệt mạng.

Tin ảnh

Hôm 24/3, hàng trăm người Libya biểu tình trước một tòa án ở Cairo phản đối vụ bắt giữ Ahmed Gaddaf al-Dam. (Ảnh: THX)

Ahmed Gaddaf al-Dam, anh họ của cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, là người điều phối mối quan hệ giữa Libya và Ai Cập dưới thời ông Gaddafi.

Rạng sáng 19/3, cảnh sát và đặc nhiệm Ai Cập đã bao vây căn hộ của Gaddaf al-Dam ở trung tâm Cairo. Sau đó, Gaddaf al-Dam đã đầu hàng cảnh sát.

Trước khi bị bắt, Ahmed Gaddaf al-Dam từng khẳng định là, ông đến Ai Cập theo lời mời của Bộ Ngoại giao nước này và được an ninh Ai Cập bảo vệ.

Phát ngôn

Hôm 24/3, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida nói, việc Trung Quốc tăng chi cho quân sự và lấn chiếm biển "không chỉ là mối đe dọa với Nhật, mà cả toàn khu vực"

Kỷ niệm

Ngày 25/3/1957, 6 nước châu Âu (Bỉ, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan và Luxembourg) ký hiệp ước Rome, thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC).

Thanh Vân (tổng hợp)