- Quan chức Mỹ khăng khăng bảo vệ chương trình do thám; Trung Quốc chính thức gọi vụ đâm xe ở Thiên An Môn là một vụ "tấn công khủng bố"... là những tin đáng chú ý trong 24 giờ qua.

Nổi bật

Phát biểu tại phiên điều trần hôm 29/10 (giờ Mỹ), các quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ tiếp tục tìm lý lẽ biện minh cho các hoạt động do thám đại quy mô của mình là “hợp pháp” và cho rằng giới chức Mỹ cũng bị các đồng minh của nước này, bao gồm cả các nước EU, theo dõi tình báo bấy lâu nay.

Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper và Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Keith Alexander nói rằng, các đồng minh đã tiến hành chiến dịch tình báo theo dõi ban lãnh đạo Mỹ và việc này chẳng có gì mới mẻ cả. "Đấy là một trong những điều đầu tiên tôi học ở trường tình báo", ông Clapper nói.

Người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ phát biểu rằng, ý định của các nhà lãnh đạo nước ngoài là một mục tiêu chính của các hoạt động tình báo của nước này. "Ý định của các nhà lãnh đạo là một trong những nội dung cơ bản mà chúng tôi tiến hành thu thập và phân tích", ông phát biểu tại phiên điều trần.

{keywords}

Tướng Alexander (trái) và ông Clapper tại phiên điều trần. (Ảnh: Reuters)

“Mấy cái vụ này làm tôi nhớ đến bộ phim Casablanca", Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ cho biết. "Chúa ơi, lại có đánh bạc ở chỗ đó à?!", ông diễn đạt lại một câu trong bộ phim này, trong đó một viên cảnh sát ra vẻ ngạc nhiên trước chuyện cá cược tại một câu lạc bộ khét tiếng bởi chứa chấp đánh bạc.

Trong khi đó, Tướng Alexander nói rằng việc nghe lén điện thoại của công dân Mỹ và lãnh đạo các nước "nằm trong khuôn khổ luật pháp nhằm ngăn chặn tấn công khủng bố". "Việc quan trọng là phải hành động để bảo vệ Mỹ, chứ không phải từ bỏ một chương trình dẫn tới nước Mỹ bị tấn công", ông nói.

Ông phủ nhận, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) chặn thu hàng triệu cuộc điện thoại ở châu Âu. Theo ông Alexander, báo chí châu Âu đã hiểu sai các tài liệu bị cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ. Phần lớn những dữ liệu này là do các cơ quan tình báo châu Âu thu thập rồi chia sẻ với NSA.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Dianne Feinstein cũng cho rằng, “không có chuyện Mỹ thu thập thông tin của Pháp và Đức, mà chính Đức và Pháp thu thập thông tin". Theo bà này, Mỹ chẳng có gì phải thu thập tin cá nhân của Pháp, Đức, cái mà Mỹ cần là tin tình báo tại những vùng có chiến sự.

Trước đó, mở màn phiên chất vấn, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Roger cũng cho rằng việc thu thập thông tin tình báo ở nước ngoài là cần thiết để bảo vệ công dân Mỹ và các đồng minh trước chủ nghĩa khủng bố và không chỉ có nước Mỹ, mà mọi quốc gia trên thế giới đều thực hiện việc này.

Những thông tin liên quan tới việc Mỹ nghe lén công dân và lãnh đạo các nước, bao gồm cả các quốc gia đồng minh, chủ yếu dựa trên những tài liệu do cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, đang tiếp tục gây bão trên chính trường quốc tế. Vụ bê bối này đã khiến nhiều nước tỏ ra phẫn nộ với Mỹ.

Cũng trong ngày 29/10, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Viviane Reding cho rằng, Mỹ cần siết chặt các quy định bảo vệ bí mật cá nhân nhằm xây dựng lại lòng tin với các đồng minh. Phát biểu ở Washington, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Viviane Reding nhấn mạnh, "bạn bè và đối tác không do thám nhau".

Tin vắn

- Tân Hoa xã dẫn thông báo của cảnh sát Trung Quốc cho hay, vụ việc tại quảng trường Thiên An Môn vừa qua là “tấn công khủng bố” và cho biết đã bắt 5 nghi phạm.

- Tổng thống Nga Vladimir Putin đã “đánh bật” Tổng thống Obama xuống vị trí thứ hai, trở thành người có quyền lực nhất thế giới trên bảng xếp hạng của Forbes.

- Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ hối thúc Trung Quốc và các nước Đông Nam Á thảo luận về việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh châu Á.

- Lực lượng an ninh Tunisia ngày 30/10 cho biết, một kẻ đánh bom liều chết đã cho nổ tung quả bom trong người tại một bãi biển thuộc khu nghỉ mát ở Sousse.

- Theo hãng thông tấn ITAR-TASS, Bộ Quốc phòng Nga dự định chuyển giao cho Belarus bốn hệ thống tên lửa phòng không S-300.

- Theo tờ Kanwa Defense Review của Canada, những tàu ngầm lớp Kilo mà Nga đóng theo đơn đặt hàng của Việt Nam, có thể hiện đại hơn của Trung Quốc.

- Kênh ABC tại Mỹ đã xin lỗi sau khi họ phát sóng chương trình mà trong đó một khách mời nói “giết hết dân Trung Quốc” là cách để Washington không phải trả nợ Bắc Kinh.

- Ngày 30/10, Nga phủ nhận thông tin cho rằng các cơ quan tình báo Nga đã tiến hành hoạt động do thám đối với hàng trăm đại biểu nước ngoài tới tham dự hội nghị G20.

- Đảng Dân chủ đối lập ở Thái Lan ngày 30/10 tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc biểu tình lớn tại thủ đô Bangkok, nhằm phản đối dự luật ân xá gây tranh cãi của chính phủ.

- Giám đốc Cơ quan tình báo Đức (BND), ông Gerhard Schindler, lên tiếng bác bỏ các cáo buộc cho rằng Đại sứ quan Đức tại thủ đô Washington tiến hành do thám Mỹ.

- Nhật Bản cho rằng, các hành động gần đây của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đang đe dọa hòa bình khu vực và có thể dẫn tới chiến tranh.

- Sáng sớm ngày 30/10, ít nhất 44 người đã bị thiệt mạng, trong đó bao gồm cả trẻ em, khi một chiếc xe buýt hạng sang bị bốc cháy ở bang miền nam Ấn Độ.

Tin ảnh

{keywords}

Hôm 28/10, hải quân Mỹ đã hạ thủy khu trục hạm tàng hình USS Zumwalt xuống sông Kennebec, bang Maine. (Ảnh: News)

Phát ngôn

Giám đốc tình báo Mỹ James Clapper hôm 29/10 nói, “chúng tôi không theo dõi bất cứ ai ngoại trừ việc đó phục vụ cho các mục đích tình báo đối ngoại hợp lý".

Kỷ niệm

Người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam, nữ Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi đã bị kẻ thù ám sát vào ngày 31 tháng 10 năm 1984.

Thanh Vân (tổng hợp)