- Chính trường Pháp dậy sóng sau cáo buộc cựu Tổng thống Chirac và cựu Thủ tướng Villepin đã nhận nhiều vali chứa đầy tiền; Mỹ ký thỏa thuận triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Romania... là những tin nóng nhất 24 giờ qua.

Nổi bật trong ngày

Cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac và cựu Thủ tướng Dominique de Villepin bị tố nhận 20 triệu USD từ các lãnh đạo châu Phi. Đây là lời tố cáo của luật sư Robert Bourgi, người từng có thời kỳ làm cố vấn cho ông Chirac.

Trước đó, trả lời tờ Journal de Dimanche, ông Bourgi cho biết đã trực tiếp tham gia đưa các vali đựng đầy tiền cho ông Chirac, khi ông này đang làm Thị trưởng Paris hồi những năm 1980 và 1990. Mỗi vali này thường chứa từ 5-15 triệu franc (1-3 triệu USD).

Cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac (trái) và cựu Thủ tướng Dominique de Villepin.

Lần đầu tiên luật sư Bourgi chuyển tiền dưới sự hiện diện của Villepin và Chirac là vào năm 1995. Số tiền là 10 triệu franc, do Tổng thống Zaire Mobutu Sese Seko gửi tới, nhằm ủng hộ chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Chirac.

Trong vòng 10 năm sau đó, tiền từ vài lãnh đạo của các nước châu Phi từng là thuộc địa của Pháp cũng được gửi đến ông Chirac và Villepin. Ông Bourgi phỏng đoán, tổng số tiền chuyển tới tay 2 nhân vật trên lên tới 20 triệu USD.

Ông Villepin được xem là một đối thủ chính của ông Sarkozy trong cuộc bầu cử vào năm tới. Trong khi, cựu Tổng thống Chirac hiện đang bị xét xử vắng mặt về tội tham ô. Cả ông Chirac và Villepin đều phủ nhận các cáo buộc trên.

Tuy nhiên, hôm 11/9, ông Mamadou Koulibaly, nguyên trợ lý của cựu Tổng thống Gbagbo cho biết, Bờ Biển Ngà từng hỗ trợ ông Jacques Chirac 3 triệu Euro (khoảng 4 triệu USD) trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2002.

Tin vắn đọc nhanh

- Thủ đô Kabul của Afghanistan rung chuyển trong hàng loạt vụ tấn công của Taliban nhằm vào Đại sứ quán Mỹ và trụ sở của NATO.

- Mỹ đã ký một thỏa thuận với Romania về triển khai các bộ phận hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ của quốc gia châu Âu này.

- Al-Qaeda đã tung một video đánh dấu 10 năm sự kiện 11/9, trong đó có một thông điệp từ Osama bin Laden gửi tới người dân Mỹ.

- Sân bay Chhatrapati Shivaji ở Mumbai (Ấn Độ) được đặt trong tình trạng báo động, sau khi có tin sẽ xảy ra tấn công khủng bố ở đây.

- Hải quân Nga đã cho chạy thử loại tàu ngầm nguyên tử đa chức năng mới nhất mang tên Severodvinsk thuộc dự án 885.

- Tổng thống Iran khẳng định, 2 người Mỹ bị Iran bắt giữ với cáo buộc làm gián điệp năm 2009 sẽ được tự do "trong hai ngày tới".

- Sáng sớm 13/9, các trận động đất từ 5 đến 6,2 độ Richter đã diễn ra ở Indonesia, Nhật Bản và mạnh nhất ở Papua New Guinea.

- Theo kết quả điều tra do Fairfax và Nielsen thực hiện, uy tín của đương kim Thủ tướng Australia Julia Gillard đang ở mức rất thấp.

- Hãng thông tấn chính thức của Tunisia TAP cho biết, các ngân hàng Libya đã thông báo "xóa sổ" đồng tiền giấy in hình ông Gaddafi.

- Chính phủ Niger xác nhận với Mỹ, Saadi Gaddafi - con trai ông Muammar Gaddafi - đã vào Niger và họ dự định sẽ bắt giữ anh ta.

- Ngân hàng Thế giới chính thức công nhận Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya và sẵn sàng hỗ trợ lực lượng này tái thiết đất nước.

- Chính phủ Thái Lan quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp ở các tỉnh miền Nam thêm 90 ngày do bạo lực tiếp tục gia tăng.

Phát ngôn đáng chú ý

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC) Mustafa Abdel Jalil. (Ảnh: Getty)

"Chúng ta là những người Hồi giáo ôn hòa và sẽ không chấp nhận tư tưởng cực đoan", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya phát biểu.

Ông kêu gọi binh sỹ của mình không tham gia vào các cuộc tấn công trả thù những tàn dư trong chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.  

Bức ảnh ấn tượng

Vẻ đẹp kỳ lạ của một ngọn núi lửa. (Ảnh: Chinanews)

Ngày này năm xưa

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) được thành lập ngày 14/9/1960 ở Baghdad, Iraq.

Ban đầu tổ chức OPEC có năm thành viên gồm Iraq, Iran, Kuwait, Arập Xêút và Venezuela.

Thanh Vân (Tổng hợp)