Nhật Bản đang tìm cách mở rộng vai trò của lực lượng phòng vệ ở nước ngoài, Trung Quốc tập trận ở Hoàng Hải, Syria bầu cử Tổng thống… là những tin nóng 24h qua.  

Tin nổi bật 

{keywords}
Một chiến hạm của Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản và chiến hạm Mỹ trong một cuộc tập trận năm 2011.

Hãng tin Kyodo đưa tin chính phủ Nhật hôm 3/6 đã trình các đảng cầm quyền một loạt điều kiện mới về việc liệu Nhật có được phép hỗ trợ các đồng minh an ninh trong các cuộc đối thoại về mở rộng vai trò của Lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) ở nước ngoài. 

Tuy nhiên, các điều kiện này ngay lập tức vấp phải chỉ trích từ đảng New Komeito hiện vẫn còn thận trọng đối với việc chính phủ thúc đẩy sửa đổi hiến pháp Hòa bình để cho phép Nhật có thể thực hiện các quyền tự vệ tập thể. 

Theo các điều  kiện này, SDF ‘sẽ có thể làm tất cả mọi việc trừ chiến đấu trong vùng chiến sự’. 

Hiến pháp Hòa bình hiện tại không chỉ cấm Nhật sử dụng lực lượng quân đội, mà còn không được để cho quân đội nước ngoài sử dụng lực lượng Nhật khi SDF tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, một định nghĩa về việc tham chiến như vậy chưa thật sự sáng tỏ. 

Chính quyền Nhật nói rằng SDF có thể hỗ trợ các đồng minh chỉ khi tất cả bốn điều kiện được đáp ứng khi làm rõ là giúp ai, hình thức như thế nào, nơi nào và khi nào. 

Nếu được chấp thuận, Nhật sẽ hỗ trợ các đồng minh nguồn lực và dịch vụ liên quan trong chiến đấu trên chiến trường. 

Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe cũng đặt ra các điều kiện để SDF hỗ trợ lực lượng Mỹ trong trường hợp khẩn cấp trên bán đảo Triều Tiên và hỗ trợ các lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia dựa trên các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. 

Trong quá khứ, Nhật có thể cung cấp dầu cho các vùng không có giao chiến trong đợt tấn công Afghanistan do Mỹ dẫn đầu sau vụ khủng bố 11/9/2001. 

Đề xuất này của Nhật đưa ra trong bối cảnh Tokyo đang tìm cách thể hiện vai trò lớn hơn nữa trong việc duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực. 

Mới đây, Nhật tuyên bố hỗ trợ các quốc gia như Philippines, Việt Nam tàu tuần tra trên biển khi căng thẳng giữa các quốc gia này với Trung Quốc leo thang liên quan tới các vấn đề biển đảo. 

Tin vắn 

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết quân đội nước này đã tiến hành cuộc tập trận hải quân tại vùng biển phía Bắc biển Hoàng Hải và eo biển Bột Hải, tiếp giáp với bán đảo Triều Tiên. 

Mỹ đề nghị triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến ở Hàn Quốc để chống lại mối đe dọa ngày càng gia tăng đến từ các loại vũ khí của Triều Tiên. 

15 triệu cử tri Syria bắt đầu đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống thực sự đầu tiên trong vòng hơn 50 năm qua của quốc gia Trung Đông này. 

Thứ trưởng Quốc phòng Lào là Tướng Sengnouane Xayalath đã được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng thay thế Tướng Douangchay Phichit, người đã tử nạn trong vụ tai nạn máy bay hôm 17/5. 

Ấn Độ và Pháp bắt đầu tiến hành cuộc tập trận không quân chung lần thứ năm mang mật danh “Garuda-V” tại căn cứ không quân Jodhpur, thuộc bang Rajasthan của Ấn Độ. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhiều khả năng sẽ có cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Lễ kỷ niệm ngày "D-Day" ở Normandie vào ngày 6/6 tới. 

Lực lượng ly khai tại Luhansk, miền đông Ukraina bắn rơi Mi-24, Su-24 của quân đội chính phủ. 

Hội đồng quân sự cầm quyền ở Thái Lan đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ở một số địa điểm du lịch, trong đó có các khu nghỉ dưỡng bên bờ biển ở Pattaya và Phuket. 

Nga đình chỉ hợp tác với Hội đồng nghị viện châu Âu và  sẽ không tham gia khóa họp trong tháng 6 của cơ quan này. 

Nga phủ nhận thông tin rằng Moscow và Bắc Kinh đang hoàn tất hợp đồng mua bán máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống phòng không hiện đại S-400 cho Trung Quốc.

Chiến dịch quân sự tại Kiev ở miền đông Ukraina đã khiến 181 người thiệt mạng, trong đó có 59 người thuộc quân đội chính phủ, và 293 người bị thương. 

Ngoại trưởng Ba Lan đã hối thúc Pháp hủy bản hợp đồng bán các tàu chiến có thể mang trực thăng Mistral trị giá 1,66 tỉ USD với Nga vì lo ngại các tàu này có thể đe dọa các quốc gia Đông Âu. 

Thông tin trong ảnh 

{keywords}

Ít nhất 4 người thiệt mạng, hơn 30 người bị thương trong trận bão bụi khủng khiếp tại thủ đô Tehran, Iran tối 2/6. Cơn bão với sức gió 130km/giờ cuốn theo "bức tường bụi" khổng lồ che kín bầu trời thủ đô trong vài phút. Cây đổ, giao thông đình trệ, hệ thống điện bị cắt đứt, các chuyến bay quốc tế bị hủy bỏ. 

Phát ngôn ấn tượng 

Chủ tịch Ủy ban Quốc tế của Duma Quốc gia Nga, Nghị sỹ Alexei Pushkov cho rằng định hướng tới Mỹ của tân Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko sẽ thúc đẩy tình trạng xung đột chính trị tại Ukraina. 

"Có cảm giác như ông Poroshenko hoàn toàn hướng tới Mỹ, đối với ông, EU là ưu tiên quan trọng thứ 2. Vận hội chính trị của ông gắn nhiều hơn với Washington. Nếu châu Âu về cơ bản hướng tới ổn định tình hình tại Ukraina, thì Mỹ đã biến nước này trở thành chính phủ công khai chống Nga với triển vọng được kéo vào NATO” - ông Pushkov nói. 

Sự kiện 

4/6/1878 – Đế quốc Ottoman nhượng đảo Síp cho Anh Quốc, song vẫn giữ quyền sở hữu trên danh nghĩa.

4/6/1916 – Chiến tranh thế giới thứ nhất: Quân Nga mở màn cuộc tổng tấn công của Brusilov nhằm vào quân Áo-Hung.

4/6/1920 – Hungary mất 71% lãnh thổ và 63% dân số theo Hòa ước Trianon được kí kết tại Paris. 

Lê Thu (tổng hợp)