Philippines phản bác tuyên bố của Trung Quốc rằng chính quyền Manila không dốc sức giải quyết tranh chấp; Nhật Bản cân nhắc quốc hữu hóa 400 đảo xa... là những tin đáng chú ý trong ngày.

Nổi bật

Hôm 15/7, Bộ Ngoại giao Philippines đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố trước đó của Trung Quốc cho rằng, chính quyền Manila đã không dốc hết sức lực, giải quyết những tranh chấp với phía Bắc Kinh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez bác cáo buộc của người đồng nhiệm Trung Quốc rằng Manila tuyên truyền "không chính xác", "gây hiểu lầm" về tranh chấp ở Biển Đông.

{keywords}

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez. (Ảnh: Inquirer)

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tố cáo, phía Philippines đã tự "đóng cửa" các cuộc đàm phán, tham vấn và đang "tấn công" Trung Quốc trên trường quốc tế.

Tuyên bố được bà Oánh đưa ra sau khi Ngoại trưởng Philippines Rosario lên án Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành ao nhà và Manila đã "kiệt sức" khi tìm một giải pháp hòa bình với Bắc Kinh.

Phát biểu hôm qua, ông Hernandez nói: "Tuyên bố của Trung Quốc là vô căn cứ". Philippines đã tổ chức gần 50 cuộc hội đàm với Trung Quốc từ khi căng thẳng bùng phát hồi tháng 4/2012, ông nói.

Bên cạnh đó, hai nước đã khởi động đàm phán về tranh chấp lãnh hải từ tháng 8/1995. Song, "trong suốt 17 năm đó, không có bất kỳ tiến bộ nào trong hoạt động tham vấn, đàm phán với Bắc Kinh".

Chính lập trường cứng nhắc của Trung Quốc đã phá hỏng những cơ hội đàm phán và buộc Philippines phải viện đến sự giúp đỡ của tòa án quốc tế, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines cho biết.

Trong một diễn biến khác, hãng tin Kyodo dẫn tài liệu mật của Chính phủ Philippines cho hay Manila đang cực kỳ cảnh giác trước "ý đồ rõ ràng" của Trung Quốc đẩy mạnh sự hiện diện ở Biển Đông.

Tin vắn

- Theo tờ Yomiuri Shimbun ngày 15/7 dẫn nguồn tin từ Chính phủ Nhật, nước này đang cân nhắc quốc hữu hóa khoảng 400 đảo xa nằm rải rác trong vùng biển của Nhật.

- Phó chủ tịch Thượng viện Italy Roberto Calderoli đang đối mặt nhiều lời kêu gọi từ chức sau khi tuyên bố bộ trưởng da màu đầu tiên ở nước này “gợi nhớ đến đười ươi”.

- Ngày 15/7, thủ hiến bang Uttarakhand, bắc Ấn Độ cho biết, đã có 5.748 người được cho là mất tích trong đợt mưa lũ tồi tệ nhất trút xuống khu vực bang này tháng qua.

- Tổ chức Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) đã đạt được thỏa thuận về việc phân chia nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đảo Mindanao với chính quyền Philippines.

- Lần đàm phán thứ 3 giữa Hàn Quốc, Triều Tiên diễn ra hôm 15/7 về khu công nghiệp chung Kaesong lại thất bại. Vào 17/7, hai nước sẽ bước vào lần đàm phán thứ tư.

- Ít nhất hai phiến quân bị tiêu diệt trong một cuộc đọ súng với lực lượng cảnh sát diễn ra ngày 15/7 tại khu vực Laksky, miền Trung nước Cộng hòa Dagestan thuộc Nga.

- Bộ Quốc phòng Singapore cho biết, nước này và Mỹ đang tiến hành tập trận hải quân thường niên thứ 19: Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng ứng phó trên biển (CARAT).

- Hãng tin BBC dẫn nguồn tin tư pháp Ai Cập cho biết, những công tố viên nước này đã ra lệnh phong tỏa tài sản của 14 thành viên lãnh đạo phong trào Anh em Hồi giáo.

- Báo chí Israel dẫn mạng tin RT của Nga cho biết gần đây, Israel đã sử dụng căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành một trong những cuộc oanh kích Syria từ biển.

- Hôm 15/7, bạo lực tiếp tục bùng phát ở vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh khi những kẻ quá khích ném bom xăng, gạch đá, chai lọ, pháo sáng vào lực lượng an ninh.

- Chính phủ Congo cho biết các cuộc giao tranh giữa lực lượng quân đội với phe nổi dậy ở miền đông nước này đã khiến ít nhất 130 người chết, trong đó gồm 10 binh sỹ.

Tin ảnh

{keywords}

Biểu tình bên ngoài văn phòng Hội chữ thập đỏ ở Gaza, yêu cầu phóng thích tù nhân Palestine bị Israel giam giữ. (Ảnh: THX)

Phát ngôn

Giáo sư trường đại học Umea, ông Stephen Svallfors, đã đề nghị Ủy ban Nobel Na Uy trao giải Nobel Hòa bình cho Edward Snowden.

"Lòng dũng cảm của Edward Snowden đã làm cho thế giới trở nên tốt đẹp và an toàn hơn", ông Svallfors cho biết khi đưa ra đề nghị này.

Kỷ niệm

Ngày 16/7/1945, Mỹ đã tiến hành thử nghiệm quả bom nguyên tử (bom A) lần đầu tiên.

Thanh Vân (tổng hợp)