Nước Mỹ hoang tàn sau lốc xoáy
Theo tin mới nhất, cho tới sáng nay (24/5, theo giờ Hà Nội), lốc xoáy đã cướp đi sinh mạng của 116 người dân tại thành phố Joplin (bang Missouri). Quan chức cấp cao thành phố - Mark Rohr cho biết, lốc xoáy đã cắt một vệt dài gần 10km và rộng đến hơn 700m xuyên qua trung tâm thành phố. Hầu hết khu vực phía nam Joplin bị san phẳng, nhiều công ty, nhà riêng hay nhà hàng chỉ còn là những đống đổ nát.
Cảnh đổ nát ở Joplin sau khi lốc xoáy đi qua. (Ảnh: Reuters) |
Trận lốc xoáy đánh vào thành phố với sức mạnh khủng khiếp, phá hủy bệnh viện St John's, lật tung nhiều ôtô và thậm chí phá tan hoang toàn bộ một khu dân cư. Theo lời các quan chức tại bệnh viện St John's, tòa nhà bệnh viện bị phá hỏng và cửa sổ bay tứ tung. Một cư dân sống cách bệnh viên tới 60km cho biết thêm đồ dùng trong bệnh viện bay vào tận vườn nhà ông ta.
Thống đốc bang Missouri, Jay Nixon, đã ban bố tình trạng khẩn cấp và điều động lực lượng vệ binh dự bị hỗ trợ cho quân đội. Ông cho biết đã yêu cầu dân chúng theo dõi các bản tin thời tiết mới nhất vì dự báo lốc xoáy sẽ còn tiếp tục. Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama đang ở thăm Ireland đã gửi thư chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân.
Từ cuối tuần trước tới nay, khu vực miền Trung và Tây nước Mỹ đã phải đón nhận gần 50 trận lốc xoáy. Trước đó, hôm 21/5, lốc xoáy đã cướp đi sinh mạng của một người dân ở bang Kansas và làm hư hại khoảng 80% ngôi nhà thuộc thành phố Reading của bang này. Một cơn bão khác đã quét qua phía bắc thành phố Minneapolis (bang Minnesota) và vùng ngoại ô, làm tốc mái hàng chục ngôi nhà, gara, khiến ít nhất 1 người thiệt mạng và 30 người bị thương.
Hàng không châu Âu chao đảo
Đám bây tro bụi được phun ra từ ngọn hỏa diệm sơn Grimsvotn ở Iceland đã khiến sân bay quốc tế chính của nước này phải đóng cửa, ngưng hoạt động ngày thứ hai liên tiếp, trong khi phạm vi ảnh hưởng bắt đầu có chiều hướng lan sang các quốc gia khác ở châu Âu.
Đám mây bụi hình nấm bốc lên từ núi lửa Grimsvotn. (Ảnh: Getty) |
Núi lửa Grimsvotn nằm dưới dòng sông băng Vatnajokull ở đông nam Iceland đã ngừng hoạt động suốt 7 năm nay. Đêm 21/5 vừa qua, một cột khói khổng lồ bốc lên từ miệng núi lửa này cao tới 20km cuốn theo nhiều tro bụi vào không trung. Kèm theo đó là những trận động đất cường độ nhỏ.
Hãng hàng không Iceland Air cho biết, cho tới nay đã có khoảng 6.000 hành khách bị ảnh hưởng do thảm họa này. Hiện nhiều thành phố và làng mạc ở phía nam của Iceland đang bị mây bụi che phủ, khiến bầu trời trở nên tối tăm.
Tổ chức Kiểm soát vận tải hàng không của châu Âu - Eurocontrol đã đưa ra cảnh báo đến các hãng hàng không và sân bay rằng, đám mây tro bụi trên có thể lan đến nước Anh trong ngày hôm nay (24/5) và ảnh hưởng đến Heathrow, sân bay lớn nhất châu Âu, vào cuối tuần này. Theo Eurocontrol, tro bụi có thể lan đến Scotland vào sáng 24/5 và đến miền Nam vùng England nước Anh ngày 26 và 27/5, tùy theo hướng gió.
Taliban điên cuồng trả thù
Sau gần 17 giờ đấu súng, chiều qua (23/5), quân đội Pakistan đã kiểm soát được tình hình ở căn cứ hải quân Mehran tại thành phố Karachi. Trước đó, đêm 22/5, một nhóm phiến quân Taliban trang bị súng tự động AK-47, tên lửa và lựu đạn đột nhập vào Mehran bằng cách cắt dây kẽm gai ở cổng sau và bắc thang trèo qua tường.
Taliban điên cuồng trả thù cho Osama bin Laden. (Ảnh: Reuters) |
Hãng tin BBC cho biết, nhóm phiến quân này có khoảng 15 - 20 tên, đã dùng súng phóng lựu phá hủy và làm hư hại nhiều máy bay. Hai máy bay chống tàu ngầm P-3C Orion nổ tung. Một số máy bay khác bén lửa, thùng chứa nhiên liệu bốc cháy. Nhóm phiến quân này còn xả súng giết chết một số binh sĩ, để mở đường tiến vào trung tâm căn cứ.
Nhà chức trách Pakistan đã điều động hơn 3.000 binh sĩ thuộc lực lượng biệt kích, đặc nhiệm hải quân và thủy quân lục chiến, tiến hành phản kích. Irfan ul Haq, phát ngôn viên của hải quân Pakistan, cho biết, giao tranh kéo dài suốt mười mấy tiếng đồng hồ. 12 binh sĩ thiệt mạng và 14 người bị thương. Ul Haq không cung cấp thông tin về con số thương vong của nhóm phiến quân.
Thủ tướng Yousurf Raza Gilani đã yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Rehman Malik bay ngay đến Karachi. Ông Rehman Malik tuyên bố đây là vụ tấn công khủng bố. Trong khi, một phát ngôn viên của Taliban ở Pakistan cho hay, vụ tấn công căn cứ Mehran này là một phần trong kế hoạch trả thù cho Bin Laden. Đây là vụ tấn công thứ ba của lực lượng này ở Pakistan nhằm trả thù cho trùm khủng bố đã bị biệt kích Mỹ tiêu diệt hôm 2/5.
Mỹ thắt chặt liên minh nền tảng
Hôm qua (23/5), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên đường sang Ireland, bắt đầu chuyến công du kéo dài 6 ngày tại châu Âu. Tại Dublin, Tổng thống Obama đã có cuộc gặp với người đồng nhiệm Ireland Mary McAleese và Thủ tướng Enda Kenny. Ông đã cùng phu nhân về thăm quê hương của một người họ hàng thân thích ở làng Moneygall.
Tổng thống Mỹ Barack Obama công du châu Âu. (Ảnh: Getty) |
Một quan chức Nhà Trắng cho biết, đêm 23/5, ông Obama đã rời Ireland sang Anh, sớm hơn kế hoạch ban đầu do lo ngại tro bụi núi lửa từ Iceland. Theo chương trình, ông Obama ở thăm nước Anh 3 ngày. Ở đây, Tổng thống Mỹ sẽ diện kiến Nữ hoàng Elizabeth II tại điện Buckingham. Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng David Cameron về hoạt động của NATO ở Libya, ông Obama sẽ phát biểu trước lưỡng viện của Quốc hội Anh.
Tiếp đó, ông Obama sẽ cùng lãnh đạo các nước G8 họp mặt tại Deauville, Pháp để bàn thảo về các vấn đề, như chính sách quân sự Trung Đông. Điểm đến tiếp theo của ông Obama là Ba Lan, nơi ông sẽ thảo luận với lãnh đạo nước chủ nhà về đề xuất lập lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu. Tổng thống Obama hy vọng, chuyến công du lần này của ông tới châu Âu sẽ là một điểm nhấn quan trọng, thắt chặt mối quan hệ với các đồng minh ở "lục địa già".
Giới phân tích quốc tế bình luận, chuyến thăm châu Âu lần này của ông Obama diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ vừa công bố chính sách ngoại giao mới với thế giới Hồi giáo. Với thành công trong vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden tại Pakistan, Tổng thống Mỹ hy vọng sẽ tìm được tiếng nói chung với các lãnh đạo châu Âu trong việc đối phó với những thế lực Hồi giáo cực đoan.
- Thanh Vân (Theo BBC, Reuters, AP)