Tin nổi bật

Đội tàu cá tập hợp tại cảng Suao, đông bắc Đài Loan. (Ảnh: CNA)


Tân Hoa Xã đưa tin chiều ngày 24/9, tổng cộng 75 tàu cá Đài Loan đã tời cảng Suao, Yilan tiến về phía đảo Điếu Ngư, Nhật Bản gọi là đảo Senkaku. Các tàu thuyền sẽ đi xung quanh quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông này trong một động thái để bảo vệ các quyền đánh bắt cá trong vùng biển gần đó.

Bất chấp những đợt sóng cao trong vùng biển ngoài khơi Suao ở quận Yilan, nhiều chủ tàu ở thị trấn ven biển phía đông bắc bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi biểu tình từ sáng sớm, tờ wantchinatimes của Đài Loan trích lời ông Chen Chu-sheng, người đứng đầu của ban tổ chức cho chuyến đi sắp tới.

"Số lượng tàu cá đã đăng ký để tham gia chuyến đi phản đối tăng từ 60 lên ít nhất 75," ông Chen cho biết, đồng thời nói rằng nhiều tàu cá tới từ các khu vực khác của Đài Loan cũng sẽ gia nhập sự kiện này.

Bên cạnh đó, để phản đối chính quyền Nhật Bản trong vụ mua lại 3 hòn đảo nhỏ từ chủ sở hữu tư nhân trong thời gian gần đây nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của mình, chuyến đi phản đối này cũng nhằm khẳng định quyền được hoạt động tại các vùng nước xung quanh quần đảo của các ngư dân địa phương. Theo ông Chen, đây là khu vực đánh bắt truyền thống của Đài Loan.

Các tàu cá được lên kế hoạch bắt đầu chuyến đi vào lúc 3 giờ chiều và sẽ gặp nhau tại vùng biển cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 20 hải lý về phía tây nam vào khoảng 5 giờ sáng thứ Ba (25/9), ông Chen nói thêm. Sau đó, các tàu cá sẽ được chia làm 5 nhóm nhỏ và đi vòng quanh quần đảo theo chiều kim đồng họ để nhấn mạnh hành động của mình.

Các ngư dân sẽ cố gắng thâm nhập vào tuyến phòng thủ của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản để đi vào vùng biển cách đảo Senkaku/Điếu Ngư 12 hải lý và giăng biểu ngữ phản đối để trút cơn giận vì sự quấy nhiễu thường xuyên trong suốt hoạt động đánh cá của họ trong khu vực.

Không loại trừ khả năng các ngư dân sẽ neo đậu ở bất kỳ khu vực nào thuộc chuỗi đảo tranh chấp, ông Chen tuyên bố.

Cũng trong ngày hôm qua (24/9), lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật cho biết hai tàu giám sát và một tàu tuần ngư của Trung Quốc đã đi vào vùng biển nước này, ngoài khơi Uotsurijima, đảo lớn nhất trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào lúc 2 giờ GMT. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ dùng máy bay không người lái để tiến hành giám sát biển khi nước này đang tìm cách tăng cường sự hiện diện quanh những hòn đảo không người ở Hoa Đông, vốn là tâm điểm tranh chấp với Nhật.

Nằm cách Đài Loan 100 hải lý về phía đông bắc, chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư đã thuộc quyền quản lý của Nhật Bản từ năm 1972, tuy nhiên cả Đài Bắc và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền tại đây.

Tin đọc 30 giây

- Triển lãm Hàng không vũ trụ và Quốc phòng châu Phi 2012 diễn ra tại căn cứ không quân Waterkloof của Nam Phi từ ngày 19 đến 23/9.

- Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad khẳng định ông sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận nhằm hạn chế kho chứa urani đã được làm giàu của nước này, song bày tỏ nghi ngờ thiện chí đàm phán của phương Tây.

- Ông Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an Trùng Khánh, đã bị tòa án Thành Đô tuyên phạt 15 năm tù vì tội vi phạm pháp luật để tư lợi, đào tẩu, lạm dụng chức quyền và nhận hối lộ,

- Các vụ lở đất và lũ quét do mưa lớn đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 33 người ở miền bắc Ấn Độ, trong đó có nhiều thành viên lực lượng cảnh sát biên giới. Tám người khác mất tích và hàng chục ngàn người bị ảnh hưởng.

- Báo chí Trung Quốc đưa tin nước này đã tổ chức lễ bàn giao tàu sân bay đầu tiên của mình cho lực lượng hải quân và lễ trao nhiệm vụ sẽ sớm được tổ chức cho chiếc tàu sân bay này.

- Một máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không Wedgetail (AEW&C) của Australia đã được điều đến tham gia cuộc diễn tập mang tên Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI) diễn ra từ ngày 24 đến 27/9 tại Hàn Quốc.

- Quốc hội Kazakhstan chiều 24/9 đã phê chuẩn ông Serik Akhmetov giữ chức thủ tướng nước này theo đề xuất của Tổng thống Nursultan Nazarbayev.

-Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cử Thứ trưởng Ngoại giao Chikao Kawai đến Trung Quốc 2 ngày nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai nước liên quan tới quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Phát ngôn ấn tượng

"Nhiều tàu vi phạm biên giới quá nhiều lần để chúng tôi có thể xem đây là lỗi vô ý. Đó là lý do chúng tôi đang theo dõi sát sao hơn", ông Yu Woo-Ik, Bộ trưởng Thống nhất của Hàn Quốc, cơ quan giải quyết các vấn đề liên Triều, tuyên bố. "Tôi chỉ hy vọng những hành vi vi phạm như thế không phải là một sự khiêu khích có chủ đích từ phía Triều Tiên".
Ông Yu Woo-Ik, Bộ trưởng Thống nhất của Hàn Quốc

Trước đó, ngày 21/9, các tàu hải quân Hàn Quốc đã bắn hai phát cảnh cáo 6 tàu cá Triều Tiên khi các tàu này vượt qua biên giới tranh chấp trên biển Hoàng Hải. Không tàu nào trong số trên bị thiệt hại và nhanh chóng quay lại vùng biển Triều Tiên.

Thông tin qua ảnh
 
Hàng triệu người tới từ khắp nơi trên thế giới sẽ đổ về Munich, Đức trong vòng hai tuần tới để tham dự lễ hội bia Oktoberfest lần thứ 179. Được biết, giá của mỗi cốc bia trong lễ hội do nhà máy bia Munich độc quyền sản xuất có giá lên tới 9,5 euro. (Ảnh: EPA)

Ngày này năm xưa

Ngày 25 tháng 9 năm 1969, Thượng nghị sỹ Charles Goodell (một nhà hoạt động chính trị độc lập của đảng Dân chủ tới từ New York) đề xuất dự luật yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Việt Nam vào cuối năm 1970 và cấm sử dụng quỹ quốc hội sau ngày 1/12/1970 cho việc duy trì lính Mỹ ở Việt Nam. Mặc dù đề nghị trên đã bị từ chối nhưng trong vòng 3 tuần sau đó đã có 10 đề xuất tương tự tới từ Thượng Nghị Sĩ Jacob Javits, Frank Church, và Mark Hatfield. Nixon đã tạm thời xoa dịu những lời chỉ trích trước đó bằng cách đưa ra thông báo rút quân mới tuy nhiên nhiều người phản đối Nixon cho rằng ông ta đã bỏ qua một cơ hội để thúc đẩy hòa bình tại Việt Nam khi chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào ngày 1/9.

  • Sầm Hoa (tổng hợp)